Một bài thơ mà tác giả là hoàng tử Hồng Nhậm tặng cho thầy học vừa được phát hiện gần đây (năm 2011) tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đã cho biết nhiều điều thú vị về mối quan hệ thầy trò giữa một ông “tú tài già” người Tam Kỳ, Quảng Nam, với người mà sau này là vua Tự Đức.
Nhà thờ cụ Trần Hưng Nhượng ở thôn Khương Mỹ, chụp năm 2010. Ảnh: P.B |
Bài văn “Khiêm cung ký” được khắc và dựng tại lăng vua Tự Đức (Khiêm lăng) do chính nhà vua thảo ra đã ghi lại nhiều điều về quá trình học hành của vị vua này, trong đó có đoạn: “Thực lòng cái học của ta chưa đến đâu, ruột còn trống không, nhưng từ khi làm hoàng tôn rồi đến hoàng tử, phàm những người được sung vào chức sư phó (thầy dạy học cho con, cháu của vua - NV) đều không phải là những bậc cự nho tăm tiếng xứng đáng với sự tuyển chọn mà phần lớn là những ông tú tài già chỉ kham nổi việc dạy trẻ con, nên có hỏi những câu khó khăn thì họ cũng không lý giải được. Mặt khác vì thấy ta sớm sáng trí, để khỏi liên lụy vì trách nhiệm nên họ cứ lần lữa yên thân với cái hư chức nhàn nhã ấy. Ta cũng khổ là không có nhiều sách, chưa có hiểu biết sâu sắc nên chưa biết lấy sách làm niềm vui mà lấy việc cưỡi ngựa bắn tên làm thú, ấy là do tính khí tuổi trai trẻ. Nhưng rồi sức học tự nhiên ngày càng tấn tới mà chính bản thân ta cũng chẳng nhìn ra được…” (theo bản dịch của Phan Hứa Thụy).
Trong những ông tú tài già làm sư phó cho nhà vua tương lai được nhắc ở trên có cụ Trần Hưng Nhượng, quê ở làng Khương Mỹ, tổng Đức Hòa, phủ Thăng Bình, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam xưa (nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) - nhà cụ nằm sát bờ nam sông Tam Kỳ.
Cụ Nhượng đỗ tú tài khoa thi năm Ất Dậu (1825); đến tháng 6 năm Canh Dần (1830) ra Huế dự kỳ sát hạch, đạt hạng Bình và mãi đến tháng 7 năm 1832 (Minh Mệnh thứ 13) mới được bổ dụng vào phía Nam làm huấn đạo huyện Long Thành (tỉnh Biên Hòa). Lý do được bổ dụng, như sử triều Nguyễn ghi, lúc ấy ở phía Nam số người đỗ đạt chưa nhiều, triều đình tuyển một số tú tài có năng lực, vốn chưa đủ điều kiện bằng cấp để được bổ dụng, vào Nam đảm đương việc coi sóc chuyện dạy học tại các phủ huyện. Sau nhiều lần chuyển nhiệm sở thuộc phạm vi tỉnh Gia Định, đến tháng 3 năm 1837, cụ Nhượng được bổ làm giáo thụ phủ Kiến An, tỉnh Định Tường - chính là quê của ông Phạm Đăng Hưng, lúc ấy đang là Thượng thư Bộ Lễ (ông Hưng được kết sui gia với vua Minh Mạng; con gái ông là cô Phạm Thị Hằng là quý phi của hoàng tử Miên Tông và là mẹ của hoàng tử Hồng Nhậm tức là vua Tự Đức sau này).
Có lẽ phẩm hạnh và năng lực của cụ Nhượng được gia đình họ Phạm sớm để ý nên ngay khi hoàng tử Miên Tông (vua Thiệu Trị) lên ngôi, ông Trần Hưng Nhượng được điều ngay về kinh đô giữ hàm “Hàn lâm viện Tu soạn” sung (giữ nhiệm vụ - NV) “Hoàng tử phủ bạn độc” (giúp hoàng tử đọc sách) vào tháng 7 năm 1841 - lúc ấy ông tròn 50 tuổi - làm ông tú tài già nhận trọng trách dạy học trong cung vua. Có lẽ trong thời gian này (lúc hoàng tử Hồng Nhậm từ 12 đến 16 tuổi) ông đã góp phần nào đó làm cho “sức học” của hoàng tử “tự nhiên ngày càng tấn tới” như lời vua Tự Đức hồi tưởng trong bài văn bia ở trên.
Suy luận trên có lẽ không sai, bởi trong bài thơ “Tiễn Trần tri phủ phó nhậm” của hoàng tử Hồng Nhậm có nhiều chi tiết chứng tỏ điều ấy. Lai lịch bài thơ như sau:
Thủ bút bài thơ tặng thầy của hoàng tử Hồng Nhậm. (Ảnh do gia tộc cung cấp) |
Mùa thu năm Thiệu Trị thứ 5 (tháng 9 năm 1845), theo lệ triều Nguyễn, để được quan hàm cao hơn, ông Nhượng được bổ ra ngoài kinh thành làm tri phủ. Nơi ông sẽ đến trấn nhậm là huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Muốn đến đấy dễ dàng, phải đi bằng đường thủy về phía Nam mà nơi xuất phát là một trong những bến thuyền trên sông Hương. Cây cầu ván cao bắc ra bến thuyền (nguy kiều) chính là chỗ hoàng tử Hồng Nhậm đưa tiễn và tặng ông thầy bài thơ tống biệt.
Lời lẽ trong bài thơ đầy tình cảm thân thiết. Vị hoàng tử gọi ông thầy già của mình là “ngài” là “thầy” (quân) tôn xưng thầy là người rất thân thiết (cố tri) với mình; cho biết lòng rất bồi hồi khi đưa tiễn (trọng bồi hồi); lại nhắc đến kỷ niệm những ngày cùng thầy học ngồi trên thuyển (đồng chu) thưởng thức cảnh đẹp của gió mát, trăng thanh (ngâm phong nguyệt); nhớ những lúc ngồi bên song nghe thầy giảng chuyện đời xưa (đương song thoại cựu thì)…
Bài thơ cũng cho biết hoàng tử lúc ấy đang có bệnh trong người nên tâm trạng đưa tiễn càng muộn phiền (bệnh trung tống biệt chân trù trướng) và mơ màng chẳng biết đến bao lâu nữa (hà niên) sẽ gặp lại ông thầy bạc tóc (tuyết mấn) của mình…
Xin ghi lại toàn văn hai đoạn của bài thơ chữ Nho trên để độc giả thưởng thức tinh thần của nguyên bản:
Tiễn Trần tri phủ phó nhậm:
Đan chiếu sơ tòng yết thất lai/ Tống quân Nam khứ trọng bồi hồi/ Đồng chu tích nhật ngâm phong nguyệt/ Phân thủ kim triêu bả cúc bôi/ Khứ nhạn viễn sơn tân tuyết lãnh/ Ly phàm Hương thủy mộ vân khai/ Bệnh trung tống biệt chân trù trướng/ Vị vấn hà niên tuyết mấn hồi?
Tái tống biệt:
Lập mã nguy kiều tống cố tri/ Bắc phong lãnh lạc sử nhân bi/ Giang thành đáo xứ thôi thi hứng/ Vị tưởng đương song thoại cựu thì.
Bài thơ giản dị; đọc toàn văn phiên âm ai cũng hiểu! Tâm sự của vị hoàng tử đối với ông thầy tú tài xứ Quảng khác hoàn toàn với cái nhìn bi quan của một nhà vua lớn tuổi đang bị bệnh tật hành hạ về những ông thầy “tú tài già” từng một thời sát cạnh bên mình.
PHÚ BÌNH