Chuyện đại sự bắt đầu từ... một đám giỗ

.

Đã nhiều năm liền gió mưa không thuận, mùa màng thất bát nên có nhiều gia đình trong làng Phiếm Ái (nay thuộc xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) phải ăn lõm chuối để cầm hơi mà còn chịu sưu cao, thuế nặng. Chính vì vậy nên cái đám giỗ tại nhà ông Trương Lâm (còn gọi là ông Nghè Nhiếp) vào ngày 9-3-1908 không khí ảm đạm, nặng nề, nét mặt mọi người đều phảng phất nỗi u uất.

Đình Phiếm Ái, nơi nhen nhóm ngọn lửa cự sưu, kháng thuế đầu tiên của Trung Kỳ. Ảnh: Thái Mỹ
Đình Phiếm Ái, nơi nhen nhóm ngọn lửa cự sưu, kháng thuế đầu tiên của Trung Kỳ. Ảnh: Thái Mỹ

Gần trưa, mọi người được mời vào các bàn cỗ. Sau vài tuần rượu, ông Trương Hoành, em ông Nghè Nhiếp buông giọng rất bực tức: “Dân làng mình chừ sống khổ hơn con chó mà sưu, thuế cứ chồng chất. Năm ni tiếp tục mất mùa, mười nhà thì bị đói cả chục.

Các quan chẳng thương dân nghèo đói khát mà còn tăng đủ thứ sưu, thuế. Chịu hết nổi rồi bớ bà con ơi! Bà con tính thử coi, dân ta đã bao năm ni chịu nhiều thứ thuế, nào đinh, sưu, thuế điền thổ, thuế chợ, thuế đò, thuế rượu. Cái chi cũng bắt đóng thuế cả, thứ thuế mô cũng cao trên trời”.

Nói rồi, ông Hoành đơn cử như thuế điền thổ mỗi năm phải nộp tới 4 đồng 50 xu, cao gấp 5 đến 6 lần so với thuế ở xứ Nam Kỳ. Thu nhập từ ruộng đất của dân mình chỉ đủ nộp một nửa số thuế đó là cùng. Mấy năm trước chỉ 1 đồng 10 xu sau tăng lên 2 đồng 60 xu, chừ thì cao ngất ngưởng như thế, bà con lấy chi mà ăn? Thiếu ăn, đau ốm liên miên lại còn bị bắt bớ, tra khảo do không có tiền nộp sưu, thuế. Ôi! Thương cho thân phận nghèo hèn của dân mình quá.

Dứt lời, đôi mắt ông Hoành đỏ hoe. Nghe ông than vãn mà lòng ai cũng nghẹn ngào, xót xa, không ai còn muốn ăn uống nên bữa giỗ hôm ấy trở nên buồn bã chưa từng thấy.

Ngay lúc đó, ông Lương Châu, người làng Hà Tân, xã Đại Lãnh - là con rể ông Nghè Nhiếp, hớp xong chén rượu rồi đứng dậy nói lớn để cho ai nấy đều nghe: “Đã rứa mà cái lũ quan chức ăn lương cao lại còn muốn kiếm thêm cho đầy bị. Chúng cậy cái quyền thế làm quan để làm càn, cướp trắng của dân. Tôi vừa mới nghe tin tri huyện Lãng (tên Lãng) rất căm tức vụ dân mình kiện hồi tháng trước nên chừ tăng sưu, thuế để trả thù đó bà con ơi!”.

Nhiều tiếng xì xầm nổi lên: “Tri huyện nhẫn tâm quá, đúng là kẻ mọt dân, vô đạo”.

Lý trưởng làng Ái Nghĩa là Hứa Tạo cũng được ông Nghè Nhiếp mời dự đám giỗ. Ông Tạo tuy lý trưởng nhưng tính khí khảng khái, biết thương những người dân trong vùng; có lần chính bản thân ông đứng ra xin giảm sưu, thuế cho dân làng mình, thậm chí còn chịu một số hình phạt thay dân.

Ông Tạo đứng phắt dậy, dõng dạc: “Thưa bà con! Tức nước thì vỡ bờ thôi. Tôi nghĩ kỹ rồi, không lẽ dân mình ngồi im chịu chết hả? Phải làm đơn để đi xin giảm sưu, thuế. Mình rút kinh nghiệm mấy chuyến trước, lần ni mình tổ chức đi thành từng đoàn, mặc áo quần rách rưới, đội nón cời hết nghe”.

Đến lúc này ông Nghè Nhiếp mới lên tiếng: “Ông Tạo nói đúng quá. Chuyện ni dân mình phải kiện cho tới nơi tới chốn, làm răng cho hết khốn khổ thì thôi. Tôi sức yếu nhưng xin cùng các chú Trương Tốn, Trương Kỳ và con rể Lương Châu thay mặt bà con làm đơn xin giảm sưu, thuế”.

Ông Trương Liên đỗ cử nhân năm 1879, làm Huấn đạo Duy Xuyên nhưng chẳng tha thiết gì chuyện quan đường, đã mấy lần xin từ quan nhưng không được chấp thuận. Ông lên tiếng bàn thêm: “Không phải mình đi xin, đi đòi mà bọn họ đồng ý ngay đâu. Chắc có lẽ còn dai dẳng nhiều ngày đó. Theo tôi chuyện ni phải phân công cho rạch ròi rồi hãy làm, trước hết cần cử người lo chạy gạo hỗ trợ, phải tính thay người, lớp ni mệt, thay lớp khác”.

Ông Nghè Nhiếp nhìn sang phía ông Trương Kỳ: “Chuyện đại sự ni các vị phải ra tay trước mới được. Chú Kỳ là lý trưởng làng Phiếm Ái mình, chú nên bàn với anh em lương chức đứng ra lo liệu cơm nước cho bà con đi xin giảm sưu, thuế”.

“Chuyện ni em xin nhận”, Trương Kỳ đáp nhanh.

Ông Trương Hoành nói câu như để kết thúc: “Thôi, sáng mai anh em mình sẽ chia nhau đi vận động các lý trưởng trong huyện để lấy chữ ký nhưng phải hết sức bí mật trong việc loan báo cho bà con, đề phòng chuyện bất trắc”.

Sau khi lấy được một số chữ ký của các lý trưởng trong huyện thì lý trưởng làng La Đái sợ liên luỵ bèn lén đi báo cho tri huyện biết dân chúng chuẩn bị nổi dậy. Tuy bại lộ nhưng quyết không để chậm trễ, ba lý trưởng Trương Kỳ, Lương Châu, Hứa Tạo thông báo cho các lý trưởng khác về đình Phiếm Ái họp bàn và huy động dân làng.

Ngày 11-3, hơn 400 người tập trung tại sân đình rồi ùn ùn kéo về huyện đường Đại Lộc nhưng không gặp được tri huyện Lãng vì hắn xuống thành La Qua để báo cáo tình hình này với quan trên. Không trình đơn cho tri huyện được, đoàn người tiếp tục kéo xuống thành La Qua.

Trên đường đi, đoàn người mỗi lúc thêm đông đúc vì nghe tin kiện cáo, xin giảm sưu, thuế nên ai cũng muốn gia nhập vào đoàn người. Không chỉ có dân làng của Đại Lộc, Điện Bàn mà bà con các vùng Duy Xuyên, Hòa Vang cũng rầm rộ xuống đường bao vây rồi kéo vào dinh thự Tổng đốc Quảng Nam Hồ Đắc Trung trong thành La Qua.

Nguyện vọng của cuộc biểu tình không được đáp ứng, đoàn người xông vào bắt tri phủ Trần Văn Thống bỏ lên xe bò kéo xuống Tòa Công sứ Hội An đòi yêu sách.

Thấy lực lượng dân chúng khá hùng hậu, Công sứ Pháp Charles hoảng hốt tìm cách xoa dịu, cho quân lính ra nhận đơn xin giảm sưu, thuế của những người đại diện và bảo dân làng nào về làng nấy để quan trên sẽ giải quyết sau. Đoàn người cương quyết không chịu giải tán mà ngày càng đông thêm, ăn ngủ ngay tại chỗ. Để ổn định trật tự, Công sứ Pháp cho mời đại diện vào gặp.

Các ông Trương Hoành, Hứa Tạo, Lương Châu, Trương Kỳ, Trương Tốn thay mặt bà con vào yêu cầu Tòa Công sứ giảm nhẹ sưu, thuế chứ thu quá nặng như hiện tại dân không đóng nổi. Tên Công sứ Pháp cho rằng chuyện thuế má không thuộc thẩm quyền của Tòa Công sứ Pháp và hứa sẽ báo lên Tòa Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế và triều đình nhà Nguyễn soi xét.

Cuối cùng đám đông vẫn không giải tán, chúng liền tung lực lượng thẳng tay đàn áp dã man, truy bắt các ông Trương Hoành, Trương Tốn, Hứa Tạo, Lương Châu… đưa đi đày và sau này chỉ còn mỗi ông Trương Hoành sống sót trở về.

Từ cuộc đấu tranh phản bác sưu, thuế nổ ra đầu tiên ở làng Phiếm Ái vào tháng 3-1908, đến cuối tháng 4 năm ấy đã lan truyền sâu rộng đến hầu hết các tỉnh Trung Kỳ. Nhiều đoàn biểu tình của các địa phương lần lượt nổi lên nhưng hầu hết các đoàn biểu tình đều bị thực dân Pháp và bọn tay sai Nam triều dùng vũ lực đàn áp đẫm máu, các nhà nho yêu nước đều bị chúng bắt giam hoặc xử tử như Trần Quý Cáp…

Ngày 10-3-2018, huyện Đại Lộc long trọng tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đình làng Phiếm Ái và nhà ông Nghè Nhiếp(*), nơi nhen nhóm ngọn lửa đầu tiên về phong trào cự sưu, kháng thuế của cả miền Trung để ghi nhớ về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của nhân dân ta trong những tháng ngày đen tối nhất.

THÁI MỸ


(*) Nguồn bài viết dẫn từ tư liệu tại lễ kỷ niệm 110 năm phong trào chống sưu, thuế ở Quảng Nam và miền Trung (1908-2018) và đón nhận bằng di tích lịch sử quốc gia địa điểm khởi phát phong trào.

;
.
.
.
.
.
.