Xứ Hà Ngoãn xưa thuộc tổng Hưng Thạnh, phủ Thăng Hoa; sau đó làng được các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn xứ đất này đặt tên là làng Phước An Tây. Đến thời Gia Long, làng được đổi tên thành làng Bảo Phước và đến thời Tự Đức thì được đổi tên thành làng Vĩnh An (nay thuộc thôn Vĩnh An, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Theo gia phả của tộc Mai, tộc Nguyễn và những vị cao niên thì làng Vĩnh An được hình thành khá sớm, vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII.
Nhà thờ làng Vĩnh An, nơi tri ân những bậc tiền nhân có công khai hoang, lập ấp ở xứ Hà Ngoãn xưa. |
Ngược dòng lịch sử, theo tiếng gọi Nam tiến của các triều đại phong kiến như nhà Hồ, nhà Lê cùng với cuộc di dân từ Bắc vào Nam để khai phá những vùng đất mới, định cư lâu dài và tạo phên dậu vững chắc cho phía nam của Đại Việt, bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, một bộ phận dân cư phía bắc đã di cư vào Nam, chọn đất khai phá, khẩn hoang, lập nên những làng xã mới để an cư lạc nghiệp.
Trong bối cảnh lịch sử đó có 2 vị thủy tổ Mai Văn Tượng và Nguyễn Tấn Thích xuất xứ từ đất Nghệ An đứng ra quy tụ một số con cháu trong hai tộc và con cháu nhiều tộc khác theo đường bộ, đường thủy (chủ yếu là đường thủy) đi tìm vùng đất mới ở phương Nam.
Đến vùng đất Quảng Nam, một bộ phận dừng lại chọn đất, lập làng trên vùng đất cát Thăng Bình; bộ phận còn lại chia 2 tốp, một tốp theo ông Mai Văn Tượng và một tốp theo ông Nguyễn Tấn Thích xuôi dòng sông Bàn Thạch (sông Đầm) tiếp giáp sông Trường Giang, đi thêm một đoạn đường dài.
Tốp người đi theo ông Mai Văn Tượng xuôi dòng Trường Giang đặt chân lên xứ đất Hà Ngoãn, vùng đất kẹp giữa 2 con sông Trường Đồng – Trà Lý và sông Tam Kỳ. Đây là nơi được phù sa hai con sông này bồi đắp tạo thành bãi đầm lầy, khe lạch, cắt ngang dọc bãi đất ra thành nhiều rẻo bấy giờ còn hoang sơ, chỉ có cây tràm, cây chồi, lau, sậy,… và bãi sò điệp trắng phơ.
Tốp người đi theo ông Nguyễn Tấn Thích ngược dòng sông Tam Kỳ tạm dừng lại ở làng Phú Ninh bên bờ sông Tam Kỳ, thấy nơi đó sông sâu, vực thẳm, đất đai khô cằn, sinh kế không tiện lợi, phải vội xuôi dòng sông Tam Kỳ, Trường Giang đến bãi bồi xứ đất Hà Ngoãn thì dừng chân. Tại đây, họ tái hợp cùng tốp người đi theo ông Mai Văn Tượng và bắt đầu tìm kiếm rẻo đất bằng phẳng cao ráo hơn để định cư lâu dài, tạo kế sinh nhai.
Ở xứ đất Hà Ngoãn này, người trong hai tốp tỏa đi khắp nơi, luồn lách theo từng khe lạch, tìm chọn những gò đất cao, dùng cây lá tại chỗ dựng chòi, trại che nắng che mưa, ngăn dòng khe lạch, đắp đập, đào ao đánh bắt tôm cá, hái lượm rau quả tự nhiên, để giải quyết bữa ăn đắp đổi qua ngày, kéo dài theo năm tháng. Tiếp đến là chặt phá cây cối, vỡ đất khai hoang, trồng tỉa rau màu.
Công cuộc khẩn hoang thuở ban đầu đó phải mất hàng chục năm, tốn biết bao công sức mới biến những bãi điệp trắng xóa, bãi tràm, chổi, lau sậy thành nương ruộng bằng phẳng, màu mỡ để trồng tỉa cây lương thực. Số hoa màu thu lượm được buổi ban đầu quá ít, không đủ nuôi con cháu. Khi cuộc sống bước qua cảnh tạm bợ ban đầu, các chòi trại ở lẻ loi, sống thoi thóp dọc theo những khe lạch lần lượt được gom lại từng cụm, hình thành khu cư dân 8 xóm để tập hợp sức mạnh cộng đồng chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, bảo vệ sự sinh tồn. Tiếp đến trưởng lão của các dòng tộc trong 8 xóm tụ tập lại lập làng, đặt tên làng Phước An Tây.
Đến triều Gia Long, các dòng họ ở xứ Hà Ngoãn đã có con cháu 7 đời sinh sống và lập nghiệp với tổng diện tích khai khẩn đất hoang thành điền địa là 759 mẫu. Vào năm Gia Long thứ 13 (1814) sau khi kê khai tất cả điền thổ đã khẩn hoang, các vị trưởng tộc phái cùng đứng tên lập Châu bộ (*) Gia Long và đổi tên làng Phước An Tây thành làng Bảo Phước. Mãi đến triều Tự Đức năm thứ 3 (1855), làng Bảo Phước được đổi thành làng Vĩnh An và tên gọi mới này được ghi vào bản đồ hành chính tồn tại đến tận ngày nay.
Năm 1863, cộng đồng 30 tộc phái nơi đây đã đồng tâm hiệp lực, chung tay góp sức xây dựng nhà thờ làng tại xóm Bình An để thờ tự, tri ân và tôn vinh công đức các vị tiền hiền đã có công mở đất lập làng tại xứ Hà Ngoãn. Lúc đầu nhà thờ được làm bằng tre lá sơ sài, tạm bợ; sau đó cuộc sống dần dần khấm khá con cháu đời sau đã nhiều lần góp công, góp của trùng tu, sửa chữa và cho đến nay đã giữ được dấu vết di tích như thuở ban đầu các tiền nhân lưu lại...
Theo dòng chảy của thời gian, 155 năm qua nhà thờ làng Vĩnh An tuy có sự thay đổi nhiều nhưng vẫn giữ được gần như nguyên trạng. Hiện nay, hội đồng gia tộc cùng con cháu đã góp sức tu bổ, tránh tình trạng nhà thờ bị hư hại và xuống cấp đồng thời để tưởng nhớ thành quả của quá trình lao động, sự sáng tạo, trí tuệ và những đôi bàn tay khéo léo của bao thế hệ con người được sinh ra, lớn lên và tồn tại ở vùng quê làng Vĩnh An trên vùng đất xứ Hà Ngoãn xưa.
AN TRƯỜNG
(*) Châu bộ là sổ bộ ghi chép đầy đủ diện tích đất đai công tư điền (đất sản xuất nông nghiệp) và thổ (đất ở) của xã, được triều đình đóng ấn son (châu), có giá trị pháp lý cao nhất. (ĐNCT chú thích)