'Bí ẩn' sau ngôi nhà sàn bằng than ở Gò Cấm

.

Một di chỉ khảo cổ ở làng quê được khai quật, qua đó phát hiện nhiều hiện vật lâu đời có giá trị. Một số kết luận đã được rút ra, song nhiều bí ẩn vẫn còn bị chôn vùi vì... hết kinh phí.

Nhà bia di tích khảo cổ Gò Cấm (ảnh trái) và nội dung bia. Ảnh: T.M
Nhà bia di tích khảo cổ Gò Cấm (ảnh trái) và nội dung bia. Ảnh: T.M

Từ các hiện vật được phát hiện...

Khoảng cuối năm 1997, một người dân thôn Mậu Hòa, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tự giác mang nộp cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Duy Xuyên một chiếc bình gốm sứ hình quả trứng, được phát hiện trong lúc người này đào bới tìm sắt phế liệu tại khu vực gò Cấm trong thôn.
Nghe cái tên gọi gò Cấm, nhiều người cứ tưởng đó là một gò, đồi đá sỏi hoang dã, song đây là một khu dân cư đông đúc bằng phẳng, có sân vận động của làng quê rợp bóng cây xanh. Qua xem xét chiếc bình, nhiều người phán đoán đây là loại gốm lâu đời của người Chămpa.

Một thời gian ngắn sau, ông Phạm Đông, ở gần sân vận động thôn Mậu Hòa đào móng làm lại ngôi nhà  thì phát hiện một bộ Linga - Yoni bằng đá sa thạch còn nguyên vẹn chôn vùi lẫn lộn cùng đống gạch đá vỡ nát trong lòng đất. Ông Phạm Đông báo ngay sự việc cho chính quyền xã và cơ quan quản lý văn hóa huyện.

Nghi ngờ ở khu vực gò Cấm có nhiều khả năng đang tiềm ẩn không ít vấn đề có liên quan đến nền văn hóa Chămpa, tháng 10-1998, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Duy Xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt tìm kiếm, thăm dò và bước đầu đã phát hiện ra những dấu tích cần phải được các nhà nghiên cứu chuyên ngành can thiệp mới có thể làm sáng tỏ.

... đến các đợt khai quật

Hồ sơ báo cáo khảo cổ được lập và qua phê duyệt của các đơn vị có thẩm quyền, và đến ngày 26-11-2001, đoàn công tác  của Viện Khảo cổ Việt Nam phối hợp với Đại học London, Anh, tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ Gò Cấm. Phía Việt Nam do TS. Nguyễn Kim Dung - nhà khoa học của Viện Khảo cổ làm Trưởng đoàn với sự tham gia của TS. Ian Glover - giảng viên Đại học London.

Khi nhân công đào sâu xuống chừng 1 mét thì phát hiện một lớp than củi trải rộng trên diện tích chừng 100m2. Với các biện pháp khai quật hết sức thận trọng, tỉ mỉ để giữ gìn nguyên trạng các dấu vết, các nhà nghiên cứu khảo cổ kết luận các hòn than này là dấu tích của nguyên căn nhà sàn bị cháy.

Căn cứ vào những vỉa than đen và các chỉ số đo đã cho thấy ngôi nhà sàn này được lắp ghép bằng 17 tấm ván gỗ, mỗi tấm ván rộng chừng 25-35cm, dài từ 13-14m, nhà sàn có 16 cột chống đỡ bằng gỗ tròn, mỗi cột có đường kính từ 20-30cm. Cốt tường nhà sàn được đan bằng các loại que cây, trét đất sét, mái lợp ngói âm dương. Dễ dàng nhận biết đây là chứng tích của một ngôi nhà sàn bị cháy bởi vì các vỉa than gỗ nằm trong lòng đất không bị phân hủy. Tường nhà trét bằng đất sét nên nhiệt độ cao khi cháy nhà đã nung các bức tường đỏ như gốm, rất cứng.

Cùng với việc phát hiện ra ngôi nhà sàn bằng… than nằm trong lòng đất, các đợt khai quật tiếp theo đến cuối năm 2002, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy ở nơi đây một số đồ dùng sành sứ bể nát, các mũi tên được làm bằng đồng, một số đồng tiền cổ…

Qua sao chụp, đối chiếu các hiện vật được thu lượm tại hiện trường, đoàn khai quật nhận thấy những mảnh ngói âm dương của ngôi nhà sàn 3 gian bị cháy có nhiều điểm đồng nhất với loại ngói lợp đã được tìm thấy ở Liên Châu, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và Cổ Loa, Hà Nội. Những mũi tên bằng đồng cũng thuộc nhóm đồng Đông Sơn, bởi nó phù hợp với các mũi tên được chạm, đúc trên trống đồng Đông Sơn, một số bình, lọ, gốm có in chữ Hán. Những đồng tiền cổ có tên gọi là “Ngũ Thù” ra đời vào các niên đại trước Công nguyên.

Nhà bia di tích khảo cổ Gò Cấm (ảnh trái) và nội dung bia. Ảnh: T.M
Nhà bia di tích khảo cổ Gò Cấm (ảnh trái) và nội dung bia. Ảnh: T.M

Bước đầu các nhà khảo cổ đã đưa ra kết luận rằng tất cả các hiện vật được phát hiện ở Gò Cấm đã minh chứng khá rõ về sự xuất hiện của nó rất lâu đời, ngôi nhà sàn bị cháy chỉ còn lại các vỉa than có niên đại trên 2.000 năm, tức vào khoảng thế kỷ I, sau Công nguyên. Có thể ngôi nhà này được dùng làm “trạm kiểm soát” việc giao lưu, buôn bán giữa những người miền biển với miền núi bằng đường thủy của sông Bà Rén. Điều này cho thấy đây là mảnh đất đã diễn ra quá trình hình thành nền văn minh tiền Chămpa, là khu dân cư sinh sống của một bộ phận người Việt cổ, có mối liên hệ, giao lưu, tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ và nam Trung Quốc.

Giữa lúc việc khai quật để tìm kiếm thêm các hiện vật ở giai đoạn tiếp theo thì kinh phí cạn kiệt. Các hố đã được đào bới đành phải lấp lại và chờ đợi khi nào có tiền sẽ khai quật tiếp. Sau khi lấp các hố sâu, người ta dựng tạm tại hiện trường một mái che lợp bằng tôn nhằm bảo vệ di chỉ.

Ngày 21-11-2005, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định số 4265/QĐ-UBND xếp hạng Di tích khảo cổ học Gò Cấm là di tích cấp tỉnh.

13 năm sau, tháng 9-2018, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Duy Xuyên tiến hành xây dựng nhà bia di tích khảo cổ ngay góc sân vận động nằm sát bên con đường làng của thôn Mậu Hòa, cách địa điểm khai quật di chỉ chừng vài chục mét. Bia di tích khẳng định: “Qua khai quật tại nơi đây đã phát hiện ra 2 tầng văn hóa. Tầng trên phát hiện nhiều hiện vật quý và sàn nhà gỗ, kích thước lớn, niên đại nửa sau thế kỷ I, sau Công Nguyên. Tầng dưới là di chỉ văn hóa Sa Huỳnh có nhiều di vật niên đại thế kỷ I, trước Công nguyên…”.

Mái che bảo vệ di tích song sau một vài năm trơ gan cùng tuế nguyệt, mái tôn cũng đã bị mưa vùi, gió giật sụp đổ hoàn toàn và mãi tới nay vẫn chưa có đoàn khảo cổ nào quay trở lại. Và, những câu chuyện bí ẩn của 2 tầng văn hóa vẫn còn chôn vùi trong lòng đất!...

THÁI MỸ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
Thi cong kinh op bep gia re tai HNlắp đặt Gương Phòng Tập Shophouse The Global City Smarthome Bàn học sinh cửa hàng đệm foam chính hãng nệm cao su tự nhiên
.
.
.