Ngôi nhà độc đáo của cậu bé mồ côi

.

Một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ thuở ấu thơ trở thành một thương gia giàu có bậc nhất Hội An đã làm cho không ít người sang trọng lúc bấy giờ nể phục. Sự giàu có ấy đã tạo ra ngôi nhà gỗ với kiến trúc cực kỳ độc đáo để xứng tầm với chủ nhân của nó và tồn tại đến nay đã 278 năm, có giá trị đặc biệt không chỉ về kiến trúc mà còn có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa ở Hội An.

Khách nước ngoài chụp hình lưu niệm trước nhà cổ Tấn Ký. Ảnh: T.M
Khách nước ngoài chụp hình lưu niệm trước nhà cổ Tấn Ký. Ảnh: T.M

Đó là nhà cổ Tấn Ký. Theo Bản lý lịch di tích số 67/ĐK-BQL, ngày 15-4-1992 do Ban quản lý di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) lập và một số nội dung được dịch từ bia mộ của chủ nhân ngôi nhà thì cách đây gần 300 năm, Hội An trở thành thương cảng sầm uất, giao lưu với nhiều nước trong khu vực nên ngôi nhà Tấn Ký ra đời để phục vụ cho việc giao thương.

Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà Tấn Ký là ông Lê Tư Hiên, còn có tên gọi khác là Lê Công, mồ côi cha mẹ từ lúc ông mới 7 tuổi. Ông Hiên được người cậu ruột họ Trương nuôi đến 18 tuổi thì được cậu cho đất dựng ngôi nhà gỗ đơn sơ để tự lập. Nhờ tài trí thông minh, tháo vát, buôn bán lanh lẹ, ông Hiên trở thành một thương gia giàu có ở xã Minh Hương lúc đó. Từ một cậu bé côi cút trở thành doanh nhân thành đạt cao sang và ngôi nhà xứng với tầm với gia đình ông cũng bắt đầu ra đời.

Chuyện kể, làm được ngôi nhà, đúng hơn là hiệu buôn Tấn Ký mà chúng ta thấy bây giờ, ông Hiên phải tích lũy các loại gỗ mít, lim, kiền kiền trong suốt 10 năm trời, thuê các thợ mộc tài hoa làng nghề Kim Bồng đục đẽo ròng rã liên tục 3 năm mới dựng được nhà vào năm 1741. Ngôi nhà xây dựng theo lối kiến trúc hình ống, bao gồm ba nếp nối với nhau liên thông từ đường Nguyễn Thái Học ra đường Bạch Đằng hiện nay.

Nếp một có 6 hàng cột gỗ đứng trên đá táng tròn, đường kính 30cm, chạm hình hoa sen, tạo thành 3 gian nhà. Các cột hiên hình vuông bốn cạnh được lắp ghép với những thanh gỗ mặt tiền của ngôi nhà. Cửa chính ở giữa thông từ mặt trước ra sau, trên mí cửa có gắn hai “mắt cửa” hình xoáy âm dương lá đề. Nóc sát hiên kiến trúc theo kiểu “cột trốn kẻ chuyền” (các cột được trốn bằng cách mọc lên từ các thanh xà ngang), gồm 3 hàng cột cộng với hàng cột hiên. Hai gian hai bên có những bức ván đô lụa và chạm con tiện, tạo thành hai căn buồng dùng để thờ tổ tiên, chính giữa thờ Phật. Hàng cột thứ 4 được kiến trúc theo kiểu “chồng rường giả thủ” (các rường cột chồng lên nhau giống như bàn tay 5 ngón). Giữa hàng cột thứ 5, 6 còn kết cấu “vì vỏ cua” (cong phồng lên như vỏ cua) với giá đỡ được chạm khắc hình tượng hai thanh gươm đan chéo nhau, có dải lụa bao quanh. “Vì vỏ cua” này là giải pháp mở rộng không gian nhà và trang trí đèn.

Nếp hai chạy dọc theo sân trời gồm hai tầng theo kiểu “chồng rường giả thủ” nhưng kích thước nhỏ hơn, cây cột vuông đứng trên đá táng vuông, các tai cột được khắc chạm hình con sóc, chùm nho, trái đào, trái phật thủ, con dơi. Cửa ban công, cửa gác làm theo kiểu “thượng song hạ bản” (phía trên có hàng chấn song, phía dưới được đóng kín) bằng gỗ, chạm hình tứ quý (bốn con dơi bay quanh chữ quý).
Nếp ba xoay ngang, song song với nếp một, gồm 4 hàng cột ăn thông lên mái, kiến trúc theo kiểu “kèo cầu cánh ác” (trụ trốn ở giữa không chống trực tiếp lên chỏm kèo mà bị chặn lại bởi một thanh đòn ngang bên trên) đơn giản, hoa văn trang trí ít hơn, đầu hồi hai tầng uốn cong, mái ngói âm dương, nền lót gạch Bát Tràng, hiên và sân lót đá xứ Thanh.

Theo một số tài liệu cho biết, sở dĩ ông Lê Tư Hiên dựng nhà có 2 mặt tiền, lấy tên hiệu buôn Tấn Ký (nên có tên thường gọi Lê Tấn Ký) ở phía đường Nguyễn Thái Học dùng để giao lưu, tiếp khách quan hệ làm ăn, trà, rượu lúc rảnh rang với bè bạn. Phía đường Bạch Đằng là để vận chuyển hàng hóa lên bến, xuống thuyền vì ngày trước tại đây sông rất sâu, tàu buôn nước ngoài vào neo đậu sát bên nhà của ông. Rồi cửa sông lâu ngày bị phù sa, cát sỏi do lũ lụt bồi lấp làm cho sông cạn dần, tàu thuyền cập bến xa hơn.

Khi tuổi đã quá lục tuần, ông Hiên giao cho người con trai trưởng điều hành việc buôn bán rồi về ở hẳn tại làng Thu Bồn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay để vui thú điền viên và qua đời năm 1895. Không rõ người con trai trưởng mà ông Lê Tư Hiên bàn giao sự nghiệp thương gia đó là ai nhưng người thừa kế được biết về sau là ông Lê Huynh. Ông Huynh tiếp tục duy trì sự giàu có của gia đình và mất năm ông tròn 50 tuổi. Ngôi nhà Tấn Ký tiếp tục thừa kế cho ông Lê Chương, con trai ông Huynh. Ông Chương làm nghề dạy học ở Hội An nhiều năm, người con trai của ông là Lê Dũng cũng là một nhà giáo dạy học ở Đà Nẵng hơn 40 năm.

Khi ông bà Chương qua đời, không còn ai trông coi nhà cửa nên ông Dũng phải quay về Hội An thờ phụng ông bà. Hiện nay, ông Lê Dũng là chủ nhân của nhà cổ Tấn Ký.
Thời kỳ Pháp thuộc, nhà cổ Tấn Ký có số nhà 18 Ruede Cantonnaise, đến trước năm 1975 có số 21 Nguyễn Thái Học và bây giờ là số 101 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An. Nhà cổ Tấn Ký thuộc loại hình kiến trúc đặc sắc về nghệ thuật chạm trổ vô cùng tinh xảo của người xưa, có giá trị về lịch sử, văn hóa lâu đời, góp phần cùng với các di tích tiêu biểu khác để làm cho phố cổ Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới.

Thái Mỹ
 

;
;
.
.
.
.
.