Có một vị Tán tương quân vụ của Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887) được dân chúng tặng biệt danh là “Tướng điều”. Một đời chiến đấu oanh liệt vì nước, vì dân, cuối cùng ông phải gánh chịu kết cục bi tráng mà hơn 130 năm qua vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Vùng căn cứ Chín xã Sông Con thời Nghĩa hội Quảng Nam. Ảnh: VÂN TRÌNH |
Theo tư liệu của tộc Trần Đình làng Gia Cốc, tổng An Lễ, phủ Duy Xuyên (nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), Trần Đỉnh thuộc đời thứ 11, phái Nhất, chi Nhất. Ông đỗ Tú tài khoa Đinh Mão (1867) nên người đời thường gọi là Tú Đỉnh. Ngay khi Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam nổ ra, ông chiêu mộ hương binh trong vùng, lập nên 3 đồn: Cấm Muồng - Hà Nha, Ô Gia và Gia Cốc. Ông là thành viên chủ chốt của Nghĩa hội với chức Tán tương quân vụ nên còn được gọi là Tán Thừa.
“Ai về Chín xã Sông Con…”
Tháng 8-1885, Tú Đỉnh chỉ huy cánh quân tây Quảng Nam kéo về hợp chiếm tỉnh thành La Qua ngay ban ngày, giải tán chính quyền thân Pháp. Sau khi rút khỏi tỉnh thành, Nghĩa hội phân quân làm hai ngả: một kéo về hướng nam, đóng đại bản doanh tại Trung Lộc - Quế Sơn; một theo hướng tây, đóng đại đồn ở Cấm Muồng - Hà Nha.
Tú Đỉnh cầm một cánh quân đến bao vây Trà Kiệu. Về sau, chiến tích của ông ngày càng vang dội khiến người đời tặng ông danh hiệu: Tướng điều của Nghĩa hội. Suốt một dải đất miền tây phủ Điện Bàn và tây nam huyện Hòa Vang ngày ấy đều nằm trong tầm ảnh hưởng quân sự và sự sắp đặt hành chính của Tú Đỉnh. Một nho sĩ đương thời dầu không ưa ông nhưng cũng phải thán phục: “… Có gã tướng điều/ Trời sinh một mắt/ Nhứt thời nhứt khắc/ Trấn thủ Bình Sơn/ Thật là tướng hơn/ Làm nên ông Tán”.
Tán tương Trần Đỉnh là người trực tiếp chỉ huy xây dựng căn cứ Chín xã Sông Con (gồm Hà Tân, Hoằng Phước, Trúc Hà, Trung Đạo, Mậu Lâm, Thạnh Đại, Đại Mỹ, Non Tiên, An Điềm - tức trải dài từ xã Đại Lãnh tới xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc ngày nay). Đây là căn cứ thứ hai của Nghĩa hội sau đại bản doanh Tân tỉnh Trung Lộc. Căn cứ này nằm sâu trong rừng núi phía nam và tây bắc của tỉnh Quảng Nam; từ đây có thể vào miền núi Gia Lai, Kon Tum hoặc ra Thừa Thiên, Quảng Trị.
Hiểu được tầm quan trọng của căn cứ Chín xã Sông Con, quân Pháp và triều đình nhiều lần tổ chức tấn công với quy mô lớn hòng triệt phá cho bằng được. “Ai về chín xã Sông Con/ Hỏi thăm Tú Đỉnh có còn hay không?”, câu ca ấy phản ánh sự lo lắng, thương cảm của người dân đối với vị chủ soái và nghĩa quân miền tây Đại Lộc lúc bấy giờ trước áp lực rất lớn của kẻ thù hùng mạnh.
Theo tư liệu của ông Trần Đình Lộc (cháu gọi Tú Đỉnh là ông nội bác), Tú Đỉnh quản lý quân rất nghiêm. Ông lập đội tiên phong do Lê Hồng Cự và Bá Sáu ở làng Hà Nha làm Đội trưởng. Quân lệnh của đội tiên phong là: Tri tấn, bất tri thối/ Nghe ba tiếng trống: lướt tới xung phong/Nghe ba tiếng chiêng: ngồi xuống cho rập. Các vị chỉ huy và nghĩa quân của ông rất dũng mãnh, mưu lược, được người dân hết lời ca ngợi: Tiếng đồn ông Bá Sáu Hà Nha/ Nhức đầu, đau bụng ăn nồi ba cháo hành.
Lý giải khác nhau về cái chết của Tú Đỉnh
“Tiếng đồn Tú Đỉnh Sông Con/ Nghe lời Đồng Khánh lên non mất đầu”. Câu ca dao ấy được truyền khẩu ám chỉ sự việc Tán tương quân vụ Trần Đỉnh lên Tân tỉnh Trung Lộc để thuyết dụ chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu trở về với Đồng Khánh và bị Nghĩa hội chém đầu đưa trả về Chín xã Sông Con để thị chúng.
Theo Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 1998) của tác giả Nguyễn Sinh Duy, nguyên nhân Tú Đỉnh bị giết là do khi Khâm sai Phan Liêm mang dụ và cáo thị của Đồng Khánh vào “hiểu trấp” (khuyên nhủ, dẫn dắt) kêu gọi thân hào trở về thì Tú Đỉnh lại án binh bất động ở Chín xã Sông Con, tự mình lập một tân tỉnh riêng tại Cấm Muồng - Hà Nha.
Chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu nhiều lần từ Trung Lộc đưa lệnh về cho Tú Đỉnh, yêu cầu ông xuất quân xuống hạ du, đồng bằng để cầm chân không cho quân Pháp và binh Khâm sai của Phan Liêm tiến lên núi có thể làm hỏng căn cứ địa mật khu nhưng Tú Đỉnh im lặng, coi như không có lệnh. Nguyễn Duy Hiệu hai lần cho mời Tú Đỉnh lên Tân tỉnh Trung Lộc vào Văn miếu để phân giải đường ngay lẽ thật và nhận chiếu chỉ sắc phong của vua Hàm Nghi nhưng ông đều trái mệnh không đi (!).
Cũng theo tác giả Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, trong bản án chém Tú Đỉnh, lãnh tụ Nghĩa hội phê: Bất nhập thánh miếu, vô thánh/ Bất nghinh chiếu mạng, vô quân. Nghĩa là: Không chịu vào văn miếu coi như không có thánh hiền/ Không chịu nghinh đón chiếu chỉ (của vua Hàm Nghi) coi như không có vua!
Thế nhưng, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng có cách nhìn khác hẳn. Trong cuốn Huỳnh Thúc Kháng tự truyện (Niên phổ), ông viết: “…
Nghĩa hội bắt đầu thành lập lại, đặt tân tỉnh tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, các xã thôn đều lập đoàn kết quân, hương dũng quân, các địa phương miền nguồn đều về tỉnh mới quy phục, thanh thế có vẻ chấn phát. Chưa được bao lâu, vì nghi kỵ sinh ra chém giết (ông Tú Đỉnh, lãnh tụ chín xã miền nguồn, nay thuộc huyện Đại Lộc, bị Nghĩa hội giết. Lãnh Hậu, huyện Thiện cũng đồng một cảnh như thế)”. Đồng quan điểm này, tác giả cuốn Địa chí Đại Cường (NXB Đà Nẵng, 2005) - nhà nghiên cứu Vu Gia - cho rằng Trần Đỉnh bị giết vì “Nghĩa hội đã bị lọt vào cạm bẫy ly gián của địch”.
Trong bài viết Ai về Chín xã Sông Con… (in trong cuốn Đại Lộc sáng ánh đèn, NXB Đà Nẵng, 2000), Vu Gia nói rõ hơn: “Đến ngày nay chưa có tài liệu nào chứng minh Tú Đỉnh đầu hàng giặc. Nhưng cũng “tiếng đồn”, có người cho rằng, trong các vị Tán tương quân vụ ngày ấy, cánh của Tán Thừa là mạnh nhất, nên họ đã cùng đệ trình lên Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu một số đơn tố Tú Đỉnh đã có những hành động coi thường và hiếp chế họ. Và Hội chủ đã phê vào đơn một câu: “Thập tán bất năng trừ nhất tán”, nghĩa là cả chục ông không thể trừ nổi một Tán Thừa hay sao? Thế là trong một lần về trung tâm chỉ huy họp bàn kế sách chống giặc, những ông Tán ấy phục giết Tú Đỉnh”.
Dẫu còn nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân cái chết của Tú Đỉnh nhưng tên tuổi và những chiến tích lẫy lừng chống Pháp và Nam triều của ông luôn được người dân đất Quảng trân trọng, tôn vinh: Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, các xã (làng) của các tổng: An Lễ, Quảng Hòa, Phú Mỹ của huyện Duy Xuyên (nay thuộc vùng B huyện Đại Lộc và một phần huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được tổ chức thành một đơn vị hành chính mang danh xưng vị Tướng điều của Nghĩa hội Quảng Nam: Khu Tán Thừa.
VÂN TRÌNH