Bên tuyến đường Nhơn Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) có ngôi đình Nhơn Hòa - một di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 và hai người bạn gắn bó keo sơn trong kháng chiến chống Pháp năm xưa.
Đình làng Nhơn Hòa. Ảnh: T.Đ.T |
Từ văn bia một ngôi đình
Văn bia Quốc ngữ trước ngôi đình mới tôn tạo này ghi: “Vào mùa xuân năm Nhâm Thân 1872, đời Tự Đức thứ 26, ông Thủy tổ tộc Phạm là Phạm Đức Tú đến nơi đây mua đất lập vườn thuộc xứ Nhà Đảnh, xã Nhơn Thọ, Tổng Thanh Quất Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Tiếp đó, ông Đỗ Tề, thân phụ của nhà chí sĩ Đỗ Tự (Tú Tự) mua úp bộ xứ đất này để quyết lập viên cư, làm ruộng. Sau này là cơ sở hoạt động của phong trào chí sĩ yêu nước Thái Phiên, Trần Cao Vân, Đỗ Tự…
Nhưng tiếc thay đại sự không thành, nhiều chí sĩ bị giặc Pháp bắt tù đày hay sát hại, nhiều cơ sở bại lộ. Riêng nơi này vẫn giữ được một số tài liệu quan trọng. Cho nên số sĩ phu khác còn sống sót về thăm lại và tâm sự rằng thiên thời, địa lợi, nhân hòa là 3 yếu tố quan trọng của đại sự. Nơi đây nhờ dân tốt nên bảo vệ được cơ sở, tài liệu cho phong trào. Sau này, dân đông lập làng nên đặt tên Nhơn Hòa để lưu niệm...
Ngôi đình đầu tiên làm bằng gỗ đặt tại góc vườn phía đông nam nhà họ Phạm; năm 1943 được chuyển về vị trí này với diện tích 1237,9m2, tọa lạc hướng nam sơn thủy hữu tình tả thanh long, hữu bạch hổ uy nghi bề thế với mái ngói tường vôi, long lân quy phụng đủ đầy. Tên làng Nhơn Hòa được cẩn vào bức hoành phi trưng bày trước tiền đàng… Năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, Nhơn Hòa nhập vào làng Miếu Bông liên cư liên địa theo đơn vị hành chánh. Năm 1993, ngôi đình được xây dựng gọn lại theo hướng cũ nằm giữa hai cây cổ thụ bên dòng sông êm ả hiền hòa tạo nét nên thơ cho một làng quê đất Việt…
Đến mối quan hệ thân tình, đồng chí hướng
Theo hậu duệ của ông Đỗ Tự, ông sinh năm 1881, người làng Diệm Sơn, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông đậu Tú tài nhưng không ra làm quan. Năm 1905, ông tham gia phong trào Duy Tân và bị bắt ở tù tại nhà lao Hội An. Khoảng năm 1910, ông tham gia Việt Nam Quang phục hội cùng các chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên. Sau khi bà Trịnh Thị Nhuận - người vợ đầu của Thái Phiên qua đời, Tú Tự mai mối cho Thái Phiên kết hôn với người vợ thứ hai là bà Trần Thị Băng (tức bà Học Băng, con gái ông Trần Thường Hữu ở làng Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang ngày nay).
Cụ Tú Tự lấy vợ người Miếu Bông (bấy giờ gồm cả Nhơn Hòa) nên việc cha ông là cụ Đỗ Tề “mua úp bộ xứ đất này” để canh tác rồi xây dựng nhà ở là điều dễ hiểu. Hơn nữa, làng Nhơn Hòa - Miếu Bông nằm sát đường Thiên lý, lại khá thuận lợi cho các hoạt động của đôi bạn này. Từ mối thâm giao ấy, theo các tài liệu mà nhà báo quá cố Nguyễn Trương Đàn thu thập được trong tác phẩm của ông, có nhiều sự kiện liên quan khởi nghĩa Duy Tân năm 1916.
Ngày 20-4-1916, theo lời khai của Phan Thành Tài, bản chiếu chỉ của vua Duy Tân đã được mang tới giao cho Thông Phiên và ông này giao lại cho Tú Tự ở Miếu Bông để tu chỉnh (sau đó giao cho Cử Dị, tức cụ Mai Dị, tiếp tục chỉnh lý).
Đêm 27-4-1916, ở làng Miếu Bông, Quảng Nam đã diễn ra một cuộc họp lớn của những người mưu phản… (báo cáo của Khâm sứ Trung kỳ Le Marchand de Trigon). Theo lời khai của Phan Thành Tài, cuộc họp này diễn ra nhân dự đám nhà mới của Tú Tự ở Miếu Bông.
Trước đó, vào tháng 9-1915 tại Huế, Đỗ Tự cùng các đại biểu của Quảng Nam (Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài...) và các thành viên của phong trào ở các tỉnh khác (Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Quảng Bình) tham gia cuộc họp, thống nhất những nội dung quan trọng để chuẩn bị khởi nghĩa.
Một bài viết trên Báo Đà Nẵng dẫn lời các hậu duệ cụ Tú Tự rằng, “biết cuộc khởi nghĩa đã bị lộ, trước đó vài giờ, Tú Tự trở về quê, được một người anh con bác che chở. Địch vây ráp, bắt bớ những người thân trong gia đình và họ tộc của ông, vợ con ông bị quản thúc, cha bị địch bắt trói chân tay khiêng đi. Từ trên gác xếp của nhà người anh nhìn xuống, thấy cảnh cha bị địch bắt trói hành hạ, Tú Tự xót xa: “Chữ Trung không đặng, chữ Hiếu đau lòng, thôi thì em nộp mạng để cứu cha”.
Tú Tự bị bắt giải về Huế. Ông bị kết án tử hình. Gia đình và họ tộc bán hết trâu bò, ruộng vườn để lo, nên án tử hình giảm xuống chung thân và đày ra Côn Lôn. Một lần nữa gia đình lo lót để đưa ông vào giam ở nhà lao Trà Kê, Tuy Hòa. Năm 1919, sức khỏe yếu dần, ông được đưa về quê trước ngày qua đời. Mộ phần của ông tại nghĩa trang tộc Đỗ làng Diệm Sơn. Tên ông được đặt cho một con đường tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Mối quan hệ thân tình, đồng chí hướng và lâu năm của các nhân vật lịch sử Thái Phiên và cả Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Mai Dị… với cụ Tú Tự cho đến sau cuộc khởi nghĩa năm 1916, qua nhiều tài liệu lịch sử còn cho thấy một tầng lớp đông đảo trí thức người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, từ sau thất bại của Phong trào Duy Tân vẫn đau đáu tìm đường cứu nước. Họ hoàn toàn không có ham muốn con đường hoạn lộ, gắn liền cuộc sống và hoạt động của mình với dân nghèo, biết huy động sức mạnh từ nhân dân để tạo ra chính nghĩa.
Có thể nói, cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 tuy không thành nhưng thể hiện một bước nối tiếp hào hùng của những trí thức đất Quảng... Đình làng Nhơn Hòa là một bằng chứng sống động của giai đoạn lịch sử này, thiết nghĩ cần được xếp hạng di tích lịch sử!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG