.
CỬA SỔ TRI THỨC

Có mấy cách nói lái?

* Xin cho biết có mấy cách nói lái? Có thể nói lái bằng tiếng nước ngoài không? (Trần Thị Mỹ, Thanh Khê, Đà Nẵng).

- Nói lái (còn gọi là nói trại) là cách nói kiểu chơi chữ của người Việt. Đối với từng vùng miền khác nhau thì do khác biệt về phương ngữ nên tiếng nói lái sẽ có thay đổi một chút. Wikipedia cho là có nhiều cách nói lái và liệt kê ra 5 cách như sau:

Cách 1: Đổi âm sau, giữ chữ đầu và thanh. Ví dụ: mèo cái → mài kéo; mau co → mo cau; trời cho → trò chơi... Đối với miền Nam, nói lái có khác chút: đơn giản → đang giỡn; đại học → độc hại; vô hàng → giang hồ;...

Cách 2: Đổi toàn bộ, trước ra sau, nhưng giữ thanh. Ví dụ: đầu tiên → tiền đâu; từ đâu → đầu tư;...

Cách 3: Đổi dấu thanh. Ví dụ: Thụy Điển → thủy điện; bí mật → bị mất,...

Cách 4: Đổi phụ âm đầu. Ví dụ: cao đẳng → đau cẳng (đối với miền Nam), giải pháp → phải giáp...

Cách 5: Đổi âm sau và thanh sau, giữ phụ âm đầu. Ví dụ: bí mật → bật mí; một cái → mái cột; mèo cái → mái kèo; trâu đực → trực đâu; trâu cái → trái cau (đối với miền Nam), mắc cười → mười cắc…

Tuy nhiên, theo tác giả Nguyễn Văn Hiệp trong bài “Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam”, trong vài trường hợp người ta nói lái cho cả ba chữ, thì chỉ hoán đổi hai chữ đầu và cuối nhưng giữ nguyên chữ giữa. Chẳng hạn như: “Trần Bá Cương” thành “Trương Bá Cần”, “Chín bến đò” thành “chó bến Đình”, “Âu cái đằng” thành “ăn cái đầu”, “Hương bên đèo” thành “Heo bên đường”…

Theo chúng tôi, còn có một cách nói lái nữa là nói lái theo kiểu… nhảy cóc. Ví dụ: Rượu thuốc Bạch Hổ, uống bổ như hạch,/ Con gái Đà Nẵng, tứ đẳng nõn nà.

Nói lái là lối nói mà chỉ cảm nhận được chớ không công thức hóa được. Nếu nói lái mà đơn giản như đang giỡn (có thêm chữ g và dấu hỏi thành dấu ngã) thì không thể áp dụng công thức nào vào đây cả. Bởi người ta chỉ nói nói lái chớ không ai nói viết lái.

Có thể nói lái tiếng Pháp ra tiếng... Pháp. Vợ Việt cùng chồng Pháp vào cửa hàng. Thấy nhà hàng nói thách quá, vợ bảo: “Très chaud! Très chaud!” (phát âm là t’re sô), nghĩa là nóng quá. Chồng nghe thế, bèn vội chọn hàng, trả tiền và ra ngoài cho mát. Không ngờ, ra ngoài, vợ trách chồng: “Đã bảo đắt quá mà cứ mua!”. Thì ra, vợ không tiện nói rõ ra trước mặt người bán hàng, sợ họ bảo mình là người Việt mà lại dèm pha làm mất món lời của họ, nên mới nói tránh ra là “très chaud”. Très chaud nói lái thành trop cher!” (phát âm là t’rô se), nghĩa là quá đắt.

Cũng có cách nói lái nửa Tây nửa ta. Ví dụ: xô xích le → xe xích lô; dét toa lô → dô toa-lét (vô nhà vệ sinh). Cách nói này lạ, dễ đánh lừa vì người nghe cứ tưởng là tiếng nước ngoài.

Nói thêm, do cái nghĩa của từ nói lái mà đôi lúc người nghe không mấy hài lòng. Ví như khi có ai đó thật lòng chúc “sức khỏe” thì có người (được chúc) lại nghĩ đến nói lái thành “sẽ khuất” (theo kiểu miền Nam). Lời chúc tốt đẹp như vậy mà còn hiểu nhầm, thì cách nói “chúc anh mạnh sự lòi” dẫu có mang ý tốt là mọi sự lành thì cũng không được người khác vui vẻ đón nhận.

Thế nhưng, nghĩa của hai câu thơ này thì chẳng chê vào đâu được: Yêu em từ độ méo trời/ Khi nào méo đất mới rời em ra (!). Chàng tặng nàng câu thơ để khắc ghi mối tình sâu nặng có đất trời làm chứng: yêu em từ thuở “méo trời” mãi đến khi nào “méo đất” mới chịu rời xa em.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.