.

Phong tục đón năm mới của một số nước

.

* Năm mới 2013, kính chúc chuyên mục Cửa sổ Tri thức ngày một “ăn nên làm ra” để gửi đến độc giả nhiều thông tin, kiến thức bổ ích hơn. Nhân đây, xin quý báo giới thiệu phong tục đón năm mới của các nước trên thế giới. (Hoàng Văn Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).

Người Nga đón năm mới. (Ảnh: Internet)
Người Nga đón năm mới. (Ảnh: Internet)

- Thế giới hiện có trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, vì thế cách đón năm mới của mỗi nơi có khác, tùy thuộc vào văn hóa, lối sống và những tập tục thú vị riêng của họ. Do khuôn khổ có hạn, dưới đây chỉ giới thiệu phong tục đón năm mới của một vài nước.

Anh: Mọi người đổ ra đường chờ đợi thời khắc chuông đồng hồ Big Ben (đã được đổi tên thành Tháp Elizabeth kể từ ngày 4 tháng 6 năm 2012) điểm những tiếng đầu tiên của năm mới. Người Anh cũng rất coi trọng tục “xông nhà” trong năm mới: Người đầu tiên bước chân vào nhà trong thời điểm bắt đầu một năm phải là một người đàn ông trẻ, khỏe mạnh, đẹp đẽ và đặc biệt là tóc phải đen. Khi đến xông nhà, người đàn ông tóc đen phải mang theo một trong những thứ như một mẩu than đá, một chút tiền bạc, bánh mì hoặc một chút muối, bởi người Anh quan niệm đó là những vật “hiện thân” của sự giàu có. Ngược lại, nếu người đầu tiên xông nhà là một cô gái tóc vàng, gia chủ sẽ gặp xui xẻo và bất hạnh.

Các cô gái Anh có tục thả lòng trắng trứng vào nước trong đêm giao thừa. Con chữ được tạo hình sẽ là chữ cái đầu tiên trong tên của người đàn ông mà họ sẽ kết hôn.

Ghana: Người Ghana dựng mô hình “ngôi nhà” bằng lá dừa và tụ tập ở đó hát hò, ăn uống vui vẻ. Đúng giao thừa, mọi người phải hét lên thật to, càng to bao nhiêu càng trút bỏ được những muộn phiền năm cũ và đón mừng những may mắn, niềm vui trong năm mới. Năm mới, món ăn được yêu thích nhất là món gà trống rán thơm ngon.

Đức: Người Đức có tục đoán biết số phận của mình trong năm mới rất độc đáo. Người ta nung chảy chì và rót vào một bát nước lạnh; dựa theo hình khối mà chì tạo ra trong nước để đoán biết “vận hạn” của mình trong năm mới: hình trái bóng là may mắn, hình trái tim là đám cưới, hình mỏ neo là cần được giúp đỡ, hình con tàu là đi xa, v.v…

Phần Lan: Thay vì rót chì đã được nung chảy vào bát nước lạnh như người Đức, người Phần Lan thả mẩu sắt đang nóng chảy vào một thùng nước lạnh. “Vận hạn” năm mới được đoán tùy hình dạng miếng sắt sau khi đông cứng: hình trái tim hay chiếc nhẫn thì sẽ có đám cưới, hình chiếc thuyền thì năm mới sẽ có những chuyến du lịch khắp nơi, hình con lợn là tượng trưng cho sự sung túc, no đủ…

Mỹ: Người Mỹ tập trung ở các quảng trường lớn từ rất sớm để đón giao thừa. Khi quả cầu pha lê đẹp lung linh trên nóc Quảng trường Thời Đại được thả xuống, mọi người cùng nhau đếm ngược về thời khắc quan trọng bắt đầu một năm mới. Lúc này, mọi người tung lên trời những mảnh giấy đủ màu sắc, ôm hôn nhau và cùng nhau nói “Chúc mừng năm mới”. Năm mới, không thể thiếu món ăn làm từ cải bắp vì họ tin món ăn này sẽ mang đến may mắn và tiền bạc trong năm tới.

Nga: Năm mới, gia đình nào cũng có một cây thông lớn, thông càng lớn, được trang hoàng càng rực rỡ, đẹp mắt thì gia đình đó càng có nhiều niềm vui, may mắn trong năm mới. Cha mẹ muốn dành bất ngờ cho con cái, nên âm thầm trang trí cây thông vào lúc chúng đi ngủ. Đặc biệt, họ rất chú trọng tặng quà cho con cái trong dịp này. Trẻ em Nga cũng rất thích nhận được quà từ ông già Tuyết và bà chúa Tuyết trong dịp năm mới.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.