.

Ông Ba Mươi

* Tôi có biết một số cách gọi khác chỉ loài cọp, như hùm, hổ... nhưng vẫn thắc mắc tại sao lại còn gọi là “Ông Ba Mươi”. (Trần Văn Hùng, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Có nhiều thuyết giải thích vì sao gọi hổ là Ông Ba Mươi.

Theo tác giả Đặng Tiến trong bài “Vì sao hổ lại được gọi là Ông Ba Mươi?” đăng trên http://nguoihieuco.blogspot.com, cách gọi hổ là Ông Ba Mươi là do tục lệ tế thần Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm, có từ thời Văn Lang nước ta. Theo truyện Mộc tinh trong sách Lĩnh Nam chích quái (Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam), người Văn Lang gọi Mộc tinh, thần Cây cối, là Xương Cuồng, tức thần cây chiên đàn - một loài cây “trải qua hằng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người, hại vật, (…) biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người”.

Lĩnh Nam chích quái chép: “Dân phải lập đền thờ, hằng năm đến ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là thần Xương Cuồng”. Người dịch sách chú thích: Xương Cuồng có nghĩa là hành động một cách bạo ngược, tàn ác, không thể trấn áp được. Mộc tinh, thần Cây cối, hay Xương Cuồng là thần Hổ. Mộc tinh trong hình ảnh cọp là tai họa của rừng núi, cũng như Ngư tinh là tai họa của sông biển và Hồ tinh (chồn cáo) là tai họa của đồng bằng.

Một thuyết khác được biết theo bài “Vì sao gọi hổ là Ông Ba Mươi?” đăng trên http://giacngo.vn. Rằng xưa trên trời có một người tên là Phạm Nhĩ khỏe mạnh lạ thường. Với tài thần thông biến hóa, Nhĩ thường hay gây sự đánh nhau, không một ai chịu nổi một cú đấm thôi sơn của ông. Từ đó, ông ngày một kiêu căng tự phụ, lại lấy làm bực tức vì mình danh tiếng nổi như cồn mà vẫn không được Ngọc Hoàng trao cho một tước vị xứng đáng.

Ngày nọ, Nhĩ nghĩ rằng mình lên làm vua nhà Trời mới phải, bèn tụ tập quanh mình một số bộ hạ gây náo loạn Thiên đình, rắp tâm hạ bệ Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sai các tướng nhà Trời ra ngăn chặn, nhưng không vị nào đối địch với Nhĩ được lâu. Cuối cùng, Ngọc Hoàng phải cầu cứu đến Đức Phật.  

Đức Phật hiện ra giữa thinh không, Nhĩ xông lên toan dùng sức đánh, không ngờ sa ngay vào túi thần của Đức Phật và bị bắt. Đức Phật giao Nhĩ cho Ngọc Hoàng xử trí, căn dặn Ngọc Hoàng phải làm cho Nhĩ hối lỗi chứ đừng giết hại. Ngọc Hoàng bèn đày Nhĩ xuống cõi trần làm kiếp vật. Trước hết, để tước bớt sức mạnh của Nhĩ, Ngọc Hoàng sai cắt bỏ đôi cánh của ông để ông không thể bay về làm loạn Thiên đình, đồng thời làm phép bắt lỗ tai ông mỗi khi tỉnh giấc thì khép kín lại để không thể nghe hết mọi chuyện dù cách xa hàng ngàn dặm.

Tuy nhiên, thể theo lời dặn của Đức Phật, Ngọc Hoàng phong cho Phạm Nhĩ làm Chúa tể sơn lâm nơi trần thế. Tuy ông đã giảm sút tài phép rất nhiều nhưng vẫn giữ được một sức khỏe vô địch khiến mọi thú vật khiếp sợ. Cho đến bây giờ, dòng dõi nhà ông vẫn nối nhau làm Chúa tể sơn lâm. Ngay loài người cũng phải kiềng mặt, không dám gọi thẳng tên “hổ” mà gọi tránh là “Ông Ba Mươi”. Tên gọi này xuất phát từ tích hễ có ai săn được hổ thì vua thưởng cho 30 quan tiền, nhưng vua cũng bắt người đó phải chịu 30 roi để cho vong hồn Phạm Nhĩ được thỏa mà không tác quái nữa.

Cũng có thuyết cho rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy bức, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế hằng ngày mà thoát chết. Về sau, khi lên ngôi, vua Gia Long ban lệnh lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn, dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Tục truyền, vua ban lệnh cấm giết hổ, nếu kẻ nào lỡ tay giết chết thì bị phạt 30 trượng, còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là Ông Ba Mươi.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.