.

Toa căn bản có bổ thận?

- Chào bác Lang Vè năm mới! Vừa ăn Tết xong, ta thử bàn về bổ thận một chút bác nhé. Em đọc trong cuốn Châu ngọc Cách ngôn, thấy Hải Thượng Lãn Ông viết: “Thận là cội nguồn của tạng phủ, là gốc rễ của 12 kinh mạch; là cơ sở cho sinh mệnh; là bể chứa của tinh huyết, tinh thần của tâm, khí của phế, sự quyết đoán của can đởm, sự thu nạp và vận hóa của tỳ vị, sự truyền tống của đại tiểu trường, sự hóa khí của bàng quang, sự thăng giáng của tam tiêu, tất thảy đều phải nhờ vào một điểm chân dương của thận làm chủ trì”. Do vậy, Lãn Ông từng chủ trương dùng bài thuốc Lục vị, Bát vị để điều hòa âm dương thủy hỏa ứng dụng điều trị phân nửa các loại hình bệnh tật. Trước đây chúng ta đã bàn về tác dụng điều hòa chức năng hai tạng can tỳ của Toa căn bản. Còn đối với tạng thận, vốn được Đông y xem là nguồn gốc của tiên thiên, liệu Toa căn bản có vai trò gì không?

- Sao lại không? Nội Kinh từng nói “Thận làm chủ phần thủy dịch của cơ thể, lại chủ về hỏa ở mệnh môn… Thận là cửa ngõ của Vị, cửa ngõ không thông thì nước tụ lại mà sinh ra bệnh phù thũng”. Rõ ràng, người xưa đã thấy rõ thận không đơn thuần là cơ quan bài tiết nước tiểu, mà còn có chức năng chuyển hóa nước và điều hòa nội môi của cơ thể.

- Có phải bác muốn nói đến lý thuyết nội môi của y học hiện đại?

- Đúng, đây không phải là vấn đề mới, nhưng có điều còn ít khảo sát về nó. Hơn một trăm năm về trước nhà sinh lý học lỗi lạc của thế giới là Claude Bernard phát hiện rằng môi trường mà cơ thể ta đang sống không phải chỉ là bầu không khí bao quanh mà còn là dịch nội môi, tức là máu và dịch gian bào tắm đầy mọi cơ quan phủ tạng và mọi tế bào cơ thể. Tui đọc được điều này trong cuốn sách “Tuổi già và thận” của TS Hoàng Tuấn (NXB Y học, 1983), và chợt liên tưởng, phải chăng Toa căn bản là bài thuốc tuyệt vời chống lại tình trạng ô nhiễm nội môi, là một trong những nguyên nhân căn bản làm lão hóa tế bào và phát sinh bệnh tật?

- Bác có thể nói rõ hơn?

- Mọi tế bào trong cơ thể con người đều sống và hoạt động được một cách hài hòa, trật tự là nhờ chúng cùng ở trong một không gian thống nhất, đó là dung dịch nội môi. Quá trình hoạt động sống của tế bào trong cơ thể luôn thải ra nhiều cặn bã độc tố, nếu bộ máy điều chỉnh và thanh khiết nội môi không đảm bảo chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng ô nhiễm nội môi gây ra rối loạn chuyển hóa và bệnh tật.

- Cụ thể Toa căn bản có đóng góp gì để khắc phục sự ô nhiễm đó?

- Toa căn bản đã có 3 vị thuốc giải độc cơ thể (Cam thảo đất, Ké đầu ngựa, Cỏ mần chầu), lại kết hợp với 3 vị thuốc nhuận gan (rau má), nhuận tràng (muồng trâu), nhuận tiểu (rễ tranh), chẳng phải là toa thuốc chủ công tăng cường chức năng tạng thận bằng con đường bài tiết thải độc, thanh khiết nội môi, giữ vững hàng nghìn hàng vạn yếu tố của cuộc sống mà mọi tế bào đã chấp nhận luôn luôn ở mức không đổi.

- Như vậy ta có thể cho rằng Toa căn bản bổ thận?
- Tùy chú thôi, thiên hạ vốn quen nghĩ bổ là phải thêm vào một cái gì đó. Nhưng ngẫm kỹ ở đời nhiều khi việc bỏ bớt đi lại quan trọng và hữu ích hơn nhiều, còn hơn cả bổ...

PHAN LANG 

;
.
.
.
.
.