* Xin cho hỏi, dưới thời phong kiến Việt Nam việc “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa” như câu ca dân gian đã diễn ra như thế nào? (Nguyễn Quang, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Về đề tài này, xin dẫn lại bài viết khá lý thú “Con ông cháu cha thời phong kiến Việt Nam” đăng trên trang https://sites.google.com/site/dinhlanghc (Google Sites của Đình làng Hải Châu, Đà Nẵng) liên quan đến chế độ quan tước và thế tập thời phong kiến, tài liệu lấy từ cuốn Việt Nam Văn hóa Sử cương của Đào Duy Anh bản in 14-8-1938 ở Huế. Nội dung cụ thể như sau:
Ấm thọ, ấm sinh. Xét phương pháp dụng nhân của lịch triều thì là thấy đồng thời vẫn có hai đường: một là theo thế tập, hai là theo nhân tài.
Các triều Lý, Trần, Lê vẫn có lệ thừa ấm, hễ con các quan thì lại được bổ làm quan. Ở triều Lê vẫn có lệ thừa ấm, có khoa nhiệm tử, cốt lấy con các quan mà bổ dụng.
(Theo daitudien.net, nhiệm tử là một trong những cách thức tuyển chọn, bổ dụng quan lại ở Việt Nam và Trung Quốc thời phong kiến. Khi chưa có khoa cử, hoặc ở những triều đại mới lập chưa kịp có khoa cử để tuyển chọn nhân tài, việc bổ sung hàng ngũ quan lại phải lấy từ các con của quan lại đang tại chức. Việc làm ấy gọi là tập ấm, ấm sinh hay nhiệm tử. Nhưng khác với ấm sinh và tập ấm, nhiệm tử được ưu tiên đặc biệt, không phải qua sát hạch - ĐNCT).
Triều Nguyễn cũng có lệ tập ấm, phàm quan chính nhất phẩm thì còn được tập ấm theo hàng tùng lục, gọi là ấm thọ, đó là bậc cao nhất; còn bậc thấp nhất thì các quan tùng ngũ được một người con tập ấm gọi là ấm sinh.
Tuy nhiên, phép thế tập ở nước ta không giống như phép thế tập của quý tộc các nước châu Âu, vì lệ tập ấm chỉ hưởng được một hai đời...
Cách chọn nhân tài thì mỗi đời một khác. Ngoài chế độ khoa cử đặt từ triều Lý thì các triều Lý, Lê lại có phép tiến cử và phép bảo cử, phàm các quan to ai cũng phải cử một người có tài đức hoặc người có danh vọng để triều đình bổ dụng.
Dân chi phụ mẫu. Các quan tại triều là những người giúp đỡ nhà vua mà đảm đương quốc chính. Các quan ngoại chức (tỉnh, phủ, huyện, châu) vâng mệnh thay mặt vua để cai trị nhân dân.
Bởi thế nên các quan cũng như nhà vua, người dân thường gọi là cha mẹ dân... là hạng người có những đặc quyền xứng đáng với tư cách “dân chi phụ mẫu”.
Quan không phải chịu thuế thân; ngoài tiền lương quan còn có tiền dưỡng liêm cấp cho các quan địa phương khi họ túng thiếu để họ khỏi nhũng lạm của dân.
Quan lại tuy nhiều đặc quyền song cũng không phải là ở trên pháp luật.
Chống địa phương chủ nghĩa. Nhà vua sợ các quan lạm dụng những đặc quyền ấy mà vũ uy tác tệ cho nên đã đặt ra nhiều điều lệ để chế tài các quan.
Ví dụ pháp luật cấm quan địa phương không được thụ nhiệm ở tỉnh nhà hay ở nơi cách nhà không đầy 500 dặm để cho thân thích bằng hữu khỏi cậy thế cậy thần mà làm ngang.
Cấm quan không được lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình nhà vợ nhũng nhiễu.
Cấm không cho tậu ruộng vườn nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp bách kẻ trị hạ để mua rẻ.
Cấm không được tư giao với đàn bà con gái trị hạt để đừng treo gương xấu cho nhân dân.
Cấm quan lại hồi hưu không được lui tới cửa công để thỉnh thác cầu cạnh.
Ngoài ra nhiều điều trừng trị các quan hối lộ và nịch chức (không làm nổi chức vụ được giao phó - ĐNCT), nếu thi hành cho nghiêm mật cũng có thể tránh được những tệ tham quan ô lại làm cực khổ nhân dân.
ĐNCT