.

Nhất kiểm lâm, nhì khâm sứ

* Xin quý báo giải thích câu nói dân gian “Nhất kiểm lâm, nhì khâm sứ”. (Trần Văn Lương, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng).

- Trước hết hãy tìm hiểu ý nghĩa các từ kiểm lâm, khâm sứ.

Theo Từ điển tiếng Việt, kiểm lâm là “kiểm soát việc chấp hành pháp luật trong việc khai thác và bảo vệ rừng” (động từ) hoặc “tổ chức trong ngành lâm nghiệp có chức năng quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật” (danh từ).

Khâm sứ là “viên quan cai trị người Pháp đứng đầu bộ máy hành chính ở Trung Bộ trong thời Pháp thuộc”.

Theo Wikipedia, khâm sứ Trung Kỳ (tiếng Pháp: Résident supérieur de l’Annam) là viên chức người Pháp đại diện cho chính quyền bảo hộ ở Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc. Trên danh nghĩa khâm sứ Trung Kỳ không nắm quyền nội trị nhưng thực chất là viên chức này điều hành việc cai trị, điều hành các công sứ Pháp ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Quyền lực của khâm sứ ghê gớm như thế, nhưng vì sao dân gian lại xếp khâm sứ đứng sau kiểm lâm?

Hãy tham khảo bài giảng “Tổ chức quản lý các loại rừng” (2009) của T.S Trần Minh Đức, Khoa Lâm nghiệp của Trường ĐH Nông Lâm Huế (2009), ở thời kỳ thuộc Pháp (trước 1945) như sau:

“Nhiều địa điểm nghỉ mát nổi tiếng đã được phát hiện và xây dựng phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của bộ máy đô hộ và thống trị đương thời (như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Bà Nà...), cảnh quan ở đây được bảo vệ tốt và cũng là tiền đề cho nhiều khu rừng đặc dụng sau này. Về tổ chức quản lý các loại rừng, từ năm 1859 các chế độ, thể lệ, chính sách lâm nghiệp đã được người Pháp xây dựng, sau đó được bổ sung và chỉnh sửa; đến năm 1938, các văn bản về lâm nghiệp đã thể hiện được những nội dung chính như sau:

+ Về xác định các loại lâm phận, người Pháp phân ra:

(1)- Lâm phận ổn định, lâu dài: Là những diện tích đất lâm nghiệp có rừng hoặc chưa có rừng để làm nhiệm vụ cung cấp gỗ và các lâm sản khác; trồng rừng bảo đảm yêu cầu về phòng hộ và về văn hóa và cảnh quan...

(2)- Lâm phận tạm thời: Là những diện tích có khả năng chuyển sang mục đích nông nghiệp, việc chuyển đổi thành đất canh tác này chỉ thực hiện khi thực sự có nhu cầu và có đủ điều kiện cho phép.

(3)- Các khu trồng rừng: Là những diện tích đất trống và nơi có rừng nghèo kiệt cần cải tạo.

(4)- Các khu rừng cấm: Là những diện tích rừng không được tự do khai thác, đây được xem là những khu rừng dự trữ. Chỉ có một số rất ít diện tích khu rừng cấm được phép khai thác khi thật sự có nhu cầu.

+ Về quy định trong quản lý lâm nghiệp: Quy định về cấp giấy phép khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản; về thể lệ săn bắn; về các giải pháp lâm sinh để tái sinh rừng sau khai thác, về trồng rừng; về tố tụng và các hình phạt đối với các vi phạm pháp luật về lâm nghiệp”.

Sau khi liệt kê, mô tả quyền hạn, nhiệm vụ của ngành kiểm lâm, tác giả đã kết luận: “Trong thời kỳ này, quyền lực của cơ quan bảo vệ rừng (Kiểm lâm/ Kiểm sự) rất tập trung và rất lớn (“Nhất kiểm lâm, nhì khâm sứ”)”.

Tuy xét về quyền lực thực tế thì chưa hẳn kiểm lâm “qua mặt” được khâm sứ, nhưng đây là một cách nói ví von của dân gian Việt Nam.

Bài viết “Rừng cho tôi cuộc sống trong veo” đăng trên báo Sài Gòn giải phóng ngày 12-3-2007 kể chuyện về T.S Viên Ngọc Nam, rằng ngày xưa ông này chẳng biết gì về rừng nhưng theo phong trào “Nhất kiểm lâm, nhì khâm sứ” lúc đó nên thử thi vào học ngành lâm nghiệp. Chính cái sự “xếp hạng” đầy thực dụng đó đã làm cho câu nói có từ hồi Pháp thuộc này có một “phiên bản” thời hiện đại: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.