.

Toyota khởi nghiệp bằng nghề mộc?

* Bạn tôi vừa mua chiếc ô-tô Toyota thì một người bạn khác hỏi rằng có biết cái hãng xe nổi tiếng thế giới này nó bắt đầu bằng kinh doanh nghề mộc không? Nghe thiệt lạ. Mong quý báo nói rõ hơn về chuyện này. (Nguyễn Thành, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Đúng vậy, mặc dù Toyota cực kỳ nổi tiếng khắp thế giới trong công nghệ sản xuất ô-tô nhưng ít ai biết rằng hơn thế kỷ trước ông tổ của hãng này đã khởi nghiệp bằng nghề mộc và là người phát minh ra chiếc máy dệt hiện đại đầu tiên của Nhật Bản.

Dưới đây là đầu đuôi câu chuyện, dẫn theo Tạp chí Tri Thức Trẻ và một số tài liệu khác.

Ông tổ của Toyota là Sakichi Toyoda sinh năm 1867 tại một làng quê của tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản, nơi có một làng nghề dệt vải truyền thống, bố là một thợ mộc khéo léo, mẹ ở nhà dệt vải.

Những năm cuối của thế kỷ XIX, kinh tế Nhật Bản bùng nổ, nhiều nhà máy, công xưởng lớn ra đời khiến cho nhiều làng quê nghèo rơi vào cảnh khó khăn. Thương mẹ vất vả, Sakichi đã phát minh ra chiếc máy dệt đầu tiên vào năm 1890 với lòng tự hào dân tộc. 7 năm sau, ông lại gây bất ngờ với sản phẩm máy dệt động lực bằng gỗ nhưng chạy bằng năng lượng hơi nước, đưa năng suất dệt tăng gấp nhiều lần.

Sau khi xưởng chế tạo máy dệt Toyoda của mình chính thức trở thành nhà máy, Sakichi Toyoda xây thêm một nhà máy sản xuất máy dệt nữa tại Nagoya.

Vào đầu thế kỷ XX, kỹ thuật phương Tây phát triển, Sakichi cho con trai mình là Kiichiro Toyoda (sinh năm 1897) theo học ngành cơ khí chế tạo máy. Nhờ đó, năm 1924, hai cha con Sakichi - Kiichiro đã chế tạo ra chiếc máy dệt tự động hiệu quả và rẻ hơn máy gỗ cùng loại thời đó. 5 năm sau, họ đã bán bằng sáng chế chiếc máy này cho công ty Anh quốc Platt Brother và thu về 100.000 bảng Anh.

Trong một lần sang Mỹ để tìm hiểu thông tin cho dự án máy dệt tự động mà ông đang nghiên cứu, tình cờ, Sakichi Toyoda nhận thấy ô-tô đã xuất hiện ở Mỹ khá nhiều mà Nhật Bản chưa có. Sau đó, khi biết tin nhà nước Nhật Bản phải nhập 800 ô-tô của hãng Ford thì một lần nữa lòng tự ái dân tộc của Sakichi Toyoda lại nổi lên. Ông dành rất nhiều tiền để cho con trai lập một trung tâm nghiên cứu về ô-tô bên cạnh trung tâm nghiên cứu về máy dệt do ông điều hành.

Theo lời khuyên của cha, Kiichiro Toyoda sang Mỹ để nghiên cứu công nghệ sản xuất xe hơi. Sau đó, cha con nhà Toyoda mua nhiều động cơ ô-tô về để tháo ra rồi lắp ráp lại nhằm tìm hiểu kỹ càng từng chi tiết. Từ những năm đầu 1930, với một quyết tâm và sự cần mẫn, họ đã âm thầm chuẩn bị cho dây chuyền sản xuất ô-tô đầu tiên của Nhật Bản.

Sau khi cha qua đời, Kiichiro mua một chiếc Chevrolet mới và cho một số kỹ sư hàng đầu của Nhật Bản tháo rời ra rồi lắp ráp lại. Ðến năm 1934, Kiichiro và nhóm của ông đã thiết kế và xây dựng động cơ chạy bằng xăng đầu tiên của mình. Một năm sau, ông xây dựng nguyên mẫu chiếc xe đầu tiên, chính là chiếc Toyota A1 sau này – mô hình khởi thủy của tập đoàn khi tiến vào kỷ nguyên mới trong ngành công nghiệp ô-tô.

Kiichiro đã đổi tên công ty từ “Toyoda” sang “Toyota” vì cho rằng cái tên mới dễ gọi hơn. Tháng 7-1935, xe Toyota chính thức được sản xuất. Năm 1937, Công ty Toyota Motor được thành lập, Kiichiro Toyoda giữ vai trò phó chủ tịch và 4 năm sau thành chủ tịch.

Sau hơn 75 năm ra đời và phát triển, Toyota hiện là tập đoàn ô-tô lớn nhất thế giới, công ty lớn nhất châu Á. Đó là kết quả từ lòng tự tôn dân tộc của một người thợ mộc Nhật Bản, người luôn nung nấu ý thức rằng Nhật Bản cũng sẽ phát minh ra được nhiều thứ không kém cạnh gì phương Tây.

ĐNCT
 

;
.
.
.
.
.