* Trong bài “Cụm núi vua Minh Mạng ba lần ngự du” đăng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 25-1-2015 có từ “vãng cảnh” ( “…Ngay lần đến vãng cảnh đầu tiên, vị hoàng đế năng động và quyết đoán này đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi…). Trong trường hợp này, cũng có nhiều tài liệu viết là “vãn cảnh”, vậy từ nào đúng? (Trần Văn Thành, Hải Châu, Đà Nẵng).
- “Vãng cảnh” (cụm động từ) là từ gốc Hán (Vãng: đi đến. Cảnh: phong cảnh). Vãng cảnh: đi đến ngắm cảnh. Ví dụ: Vãng cảnh chùa; Vãng lai (qua lại)…
Như vậy, viết “vãn cảnh” là sai, bởi “vãn” nghĩa là chiều tối - nghĩa này không liên quan.
Dưới đây là một số từ ngữ tiếng Việt thường hay nhầm lẫn, có tham khảo tư liệu của tác giả Quỳnh Trâm trên trang nguyenquynhtram.blogtiengviet.net:
+ “Vô hình trung” hay “vô hình chung”? “vô hình dung”?
“Vô hình trung” là một từ mới, mới được đưa vào một số từ điển trong thời gian gần đây; được Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1988, giảng là: “Tuy không có chủ đích, không cố ý, nhưng tự nhiên lại là (tạo ra, gây ra việc nói đến)”.
Hiện nay, “vô hình trung” được hiểu theo nghĩa Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê. Ví dụ: “Không nói gì, vô hình trung là tỏ ý tán thành”.
Như vậy, “Vô hình chung” hay “Vô hình dung” đều là cách viết sai.
+ “Khoái chá” hay “Khoái trá”?
“Khoái chá”: danh từ gốc Hán (Khoái: thịt cắt ra thành từng miếng nhỏ. Chá: nướng). Khoái chá: Miếng thịt nướng, chả nướng – một món ăn ngon nhiều người ưa thích. Khi chuyển thành tính từ có nghĩa là sung sướng, thỏa mãn (như khi được ăn món ngon).
Như vậy, viết “Khoái trá” là sai (trá: lừa dối - không liên quan đến nghĩa trên).
+ “Tiên tiến” và “Tiền tiến”
Cả 2 từ này đều có yếu tố “tiến”, nghĩa là “tiến lên”. “Tiên” và “tiền” đều có nghĩa là “phía trước”. Tuy nhiên, điểm khác nhau của 2 từ này là: Tiên tiến: Tiến lên phía trước; Tiền tiến: Dẫn đầu.
+ “Xán lạn” hay “sáng lạng”? “sán lạn”?
“Xán lạn”: tính từ, gốc Hán (Xán: rực rỡ. Lạn: sáng sủa). Xán lạn: sáng sủa, tươi đẹp. (Ví dụ: tương lai xán lạn).
Như vậy, “sáng lạng” hay “sán lạn” đều là cách viết sai.
+ “Xuất” và “Suất”
Xuất (động từ): ra (trái nghĩa với “nhập” là vào). Ví dụ: Xuất bản; xuất khẩu; xuất hành; xuất phát…
Suất (danh từ): một phần được chia. Ví dụ: Suất ăn, suất quà…
+ “Giấu” và “Dấu”:
Giấu (động từ): để vào nơi kín đáo nhằm làm cho người ta không thấy được, không tìm ra được. Ví dụ: Cất giấu; giấu giếm.
Dấu (tính từ/ động từ): Từ cổ, nghĩa là “yêu”. Theo thói quen sử dụng, người Việt hay nói: yêu dấu, nghĩa là rất yêu quý.
Dấu (danh từ): cái còn lưu lại của sự vật, sự việc đã qua, qua đó có thể nhận ra sự vật, sự việc ấy. Ví dụ: Dấu vân tay.
+ “Lãng mạn” hay “Lãng mạng”?
Lãng mạn: Từ gốc Hán (Lãng: bát ngát. Mạn: dài rộng, mênh mang). Lãng mạn, hiểu theo nghĩa chuyển: Lý tưởng hóa hiện thực, vượt lên trên hiện thực.
Như vậy, viết “Lãng mạng” là sai.
+ “Yếu điểm” và “Điểm yếu”
Yếu điểm (danh từ): Từ gốc Hán (Yếu: quan trọng; Điểm: chỗ, vị trí). Yếu điểm: Chỗ quan trọng. (Yếu nhân: người quan trọng).
Điểm yếu (từ thuần Việt): Điểm chưa mạnh (nhược điểm). “Yếu” ở đây chỉ mức độ kém.
+ “Tham quan” hay “Thăm quan”?
Tham quan (động từ): Từ gốc Hán (Tham: thêm vào; Quan: nhìn nhận, quan sát). Tham quan: Xem tận mắt để mở rộng hiểu biết, thêm kinh nghiệm sống. Ví dụ: Tham quan du lịch. Từ này đồng âm khác nghĩa với “tham quan” (danh từ) chỉ viên quan tham lam.
Như vậy, viết “thăm quan” là sai.
+ “Phiêu lưu” hay “phưu lưu”?
Phiêu lưu (tính từ/ động từ): từ gốc Hán (Phiêu: trôi nổi, bồng bềnh; Lưu: chảy, trôi).
Phiêu lưu (động từ): Sống rày đây mai đó, tìm đến những nơi xa lạ. Ví dụ: Dế Mèn phiêu lưu ký (tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi).
Phiêu lưu (tính từ): Có tính chất liều lĩnh, vội vàng, không tính toán kỹ trước khi làm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Kế hoạch của anh thật phiêu lưu mạo hiểm.
Như vậy, viết “phưu lưu” là sai.
ĐNCT