.

Cách đặt tên, họ của người Anh

* Hôm rồi ăn bánh mì sandwich, có anh bạn nói rằng tên gọi của loại bánh mì kẹp thịt này là họ của một nhà quý tộc người Anh. Cứ tưởng đùa, té ra sự thật là thế. Xin quý báo nói thêm về cách đặt tên họ của người Anh. (Mỹ An, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Đó là cách người Anh (và cả người Mỹ) ngày nay dùng tên của một người để đặt tên cho một vật. Loại bánh mì gồm hai lát kẹp thịt xông khói, xà lách, cà chua, pho-mát này được gọi là sandwich lần đầu tiên là vào năm 1726, theo tên của Bá tước Sandwich đệ tứ, John Montague.

Nhà quý tộc mê chơi bài này trong một lần “ngồi sòng”, vì không muốn phải dừng chơi để ăn mà vừa chơi vừa ăn nên đã bảo người phục vụ kẹp vài miếng thịt bò vào giữa hai lát bánh mì rồi mang lên cho ông. Những tay chơi khác thấy vậy cũng gọi món ăn “giống như Sandwich” để họ có thể vừa cầm bài vừa ăn mà không sợ bẩn tay.

Thầy Nguyễn Văn Gia, nguyên giáo viên Trường THPT Thái Phiên, Đà Nẵng, trong một bài viết dẫn nguồn theo English Teaching Forum - Volume XI đăng trên tập san Kỷ niệm 50 thành lập trường (1963-2013), cho biết ngày xưa ở nước Anh chỉ có giới quý tộc mới có họ và tên riêng, còn giới bình dân chỉ có tên riêng cha mẹ đặt cho mà thôi.

Ở những thị trấn nhỏ hay vùng quê, khi gọi ai đó là Ralph hay Robert, mọi người đều biết ngay người đó là ai rồi. Vào thế kỷ XI, sau khi người Norman xâm chiếm nước Anh, nhà vua William cho rằng ai ai cũng phải có tên riêng và họ thì mới dễ dàng xác định được người đó là ai, ở đâu để dễ bề thu thuế. Vì vậy nhà vua ra lệnh cho giới bình dân tự chọn cho mình một cái họ.

Từ đó, người bình dân có bốn cách để chọn cho mình một cái họ (surname hay family name):

1- Sử dụng tên của người cha. Ví dụ đứa bé tên là Tom và cha là John, như vậy tên và họ đứa bé sẽ là “Tom, son of John” (Tom con của ông John) và nói theo cách sở hữu của người Anh là “Tom, John’s son” và dần dần tên họ đứa bé trở thành Tom Johnson. Các họ khác như: Emerson, Jackson, Jefferson, Robinson và Wilson cũng theo cách đó mà hình thành…

2- Căn cứ vào đặc điểm của cơ thể. Một người tên là John nhưng vì quá thấp và nhỏ con nên có thể được gọi là “Little John” (John nhí).

Một người tên là Jack, vì quá khỏe mạnh và vạm vỡ nên được gọi là “Jack with the strong arms” (Jack có đôi tay khỏe). Một người tên là Jerry có nước da ngăm đen có thể được gọi là “Black Jerry” (Jerry đen). Một người tên là Tom làm việc gì cũng nhanh nhẩu nên được gọi là “Swift Tom” (Tom liến hay Tom lanh)

Một thời gian sau, thứ tự cách gọi tên họ sẽ được đảo lại và những nhân vật trên trở thành John Little, Jack Armstrong, Jerry Blackman và Tom Swift.

3- Căn cứ vào nơi họ đang sinh sống. Ví như một ông tên Robert có nhà trên một ngọn đồi (hill), người ta sẽ gọi ông ta là Robert Hill. Một ông Robert khác có nhà nằm giữa hai con sông (rivers) thì tên họ của ông ta sẽ là Robert Rivers.

Ông Robert sống bên cạnh dòng sông Churchill, vậy tên họ ông ta sẽ là Robert Churchill. Ông Shirley sống bên cạnh một ngôi đền (temple) vậy tên họ ông ta sẽ là Shirley Temple. Ông Henry nhà ở cạnh một khúc sông cạn (ford) nên tên họ ông ta là Henry Ford.

4- Căn cứ vào nghề nghiệp của mình. Một anh thợ rèn (blacksmith) tên là Walter, người ta sẽ gọi anh ta là “Walter, the smith” (Walter thợ rèn) , rồi dần dần người ta chỉ còn gọi anh ta là Walter Smith.
Một số họ khác xuất phát từ nghề nghiệp như là Baker (thợ làm bánh), Barber (thợ cạo), Brewer (thợ nấu bia), Carpenter (thợ mộc), Shoemaker (thợ đóng giày), Weaver (thợ dệt)…

Anh và Mỹ là hai quốc gia có biết bao điều kỳ diệu nhưng cũng có lắm điều kỳ dị; bởi vậy cách đặt tên, họ của người Anh, người Mỹ quả thật là thú vị nhưng cũng chẳng giống ai.

ĐNCT

;
.
.
.
.
  • Chiếc thuyền của lứa đôi Việt - Nhật
    Khu không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản ở Quảng trường Sông Hoài, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An đang trưng bày một chiếc thuyền buồm sơn son với lối kiến trúc cổ xưa khá đẹp. Đây là chiếc thuyền buôn do người Nhật Bản phục dựng để trưng bày ở thành phố Nagasaki từ nhiều năm qua nhằm thể hiện mối bang giao, tình hữu nghị hai nước Việt - Nhật đã có từ lâu đời.
    .
  • Chuyện ông Thất Sáu
  • Ruộng bậc thang 'ở lưng chừng núi'
.
  • Rượu Bàu Đá
    Công viên 29-3 Đà Nẵng từng diễn ra Festival "Làng nghề Việt 2009" với sự tham gia của 60 làng nghề tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tôi nhớ về rượu lần đó có 3 đại diện gồm: rượu Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen. Rượu Bàu Đá nổi trội ra sao mà được đại diện cho miền Trung? Hai loại rượu kia có gì đặc biệt? (Phan Mỹ, Hòa Vang, Đà Nẵng).
    .
  • Sơ học Yếu lược thời Pháp thuộc
  • Tháp Bánh Ít
.
  • Màu hoa đỏ tháng Tư
    Tháng Tư, giàn hoa giấy trước nhà ông Năm đỏ rực. Ai ngang qua cũng ngoái cổ nhìn rồi xuýt xoa khen chủ nhà mát tay trồng được giàn hoa đẹp quá. Mấy bà hàng xóm thường nói, ông Năm già rồi mà lãng mạn quá chừng, suốt ngày chăm chút cho mấy cây bông. Mỗi lần nghe, ông Năm chỉ móm mém cười mà không nói gì. Dưới giàn hoa giấy ông kê cái bàn tre, sáng nào cô con gái tên Hạnh cũng pha cho ông tách trà. Ông vừa nhâm nhi vừa ngó lên những cụm hoa khoe màu trong nắng rồi nghĩ ngợi xa xăm.
    .
  • Các khối lực lượng vũ trang hợp luyện diễu binh, diễu hành
  • Người má
.

Đọc nhiều

.
.