.

Cao Biền dậy non

* Mỗi khi thấy ai đó làm một việc vội vàng, hấp tấp, các cụ cao niên thường bảo: “Coi chừng như Cao Biền dậy non”. Xin cho hỏi, Cao Biền là ai và “Cao Biền dậy non” nghĩa là gì? (Tú Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

- Cao Biền là một thầy địa lý rất giỏi, có tài hô thần tróc quỷ. Chuyện của nhân vật người Trung Quốc này được tác giả Nguyễn Đổng Chi kể lại trong truyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” (ở số thứ tự 39) của cuốn Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.

Theo đó, sau khi được hoàng đế Trung Quốc gợi ý ban thưởng vì tìm được cho vua một ngôi đất xây dựng lăng tẩm, Cao Biền không nhận vàng bạc chỉ xin một cây bút thần trong kho tàng nhà vua. Có được bút, ông liền vẽ thử một con rồng lên mặt tường, chừa hai con mắt.

Đến khi điểm nhãn, rồng tự nhiên cuộn mình, tách ra khỏi bức tường và  bay vụt lên trời, biến vào đám mây. Ông vẽ thêm nhiều con vật nữa, tất cả đều hoạt động không khác gì những con vật có thực. Sau cùng ông vẽ một con diều rất lớn, dùng bút thần nhúng mực điểm mắt cho diều. Diều đập cánh, lập tức ông cưỡi lên lưng, diều đưa vút lên trên không, vượt qua muôn trùng núi sông sang đến nước Nam.

Ở trên cao, ông nhìn xuống tìm thấy một huyệt đất phát đế vương, đó là một cái hàm con rồng khuất dưới nước, nếu táng hài cốt cha vào đó thì con một nghìn ngày sau sẽ phát đế vương. Nghĩ mình đã già lại không có con trai, ông tính sẽ nhường cho con rể. Ông trở về Trung Quốc bảo con rể đào lấy hài cốt cha y đem sang nước Nam để cải táng. Ông bàn chuyện riêng chỉ với một học trò tín cẩn, người này đào luôn hài cốt cha mình và mang sang nước Nam cùng với hài cốt cha của con rể thầy.

Bấy giờ hàm rồng đang thời kỳ há miệng. Khi được thầy bảo lặn xuống ném gói xương vào giữa miệng rồng, người học trò đem gói xương của cha mình đánh tráo vào, còn gói xương kia thì bỏ ở một bên mép.

Xong, Cao Biền bảo rể mang đến huyệt hàm rồng năm cái thúng, mỗi thúng một giống lúa, chôn vào chỗ vai rồng thành năm cái huyệt, lấp lại thành năm ngôi mộ. Ông giao cho rể một ngàn nén hương, dặn mỗi ngày thắp một nén, đúng hai năm chín tháng mười ngày thì tự khắc quân gia dưới huyệt sẽ nhất tề dậy cả. Dặn đâu đấy, ông trở về Trung Quốc.

Lúc chỉ còn mười ngày nữa là hết hạn nghìn ngày thì tự nhiên con gái Cao Biền ở nước Nam đẻ luôn một lúc ba bé trai, mặt mũi dị kỳ. Vừa mới lọt lòng cả ba đã biết đi biết nói; một mặt đỏ tay cầm ấn, một mặt màu thiếc, một mặt màu xanh, đều cầm dao sáng quắc. Cả ba tót lên bàn thờ ngồi, đòi đem quân thu phục thiên hạ. Người nhà ai nấy xanh mặt.

Tiếng đồn rầm lên. Thiên hạ đổ tới xem như đám hội. Người rể Cao Biền sợ quá, cho rằng vợ mình đẻ ra ma ra quỷ, bèn chém chết cả ba. Quá bối rối nên y đốt luôn một lúc hết thảy những nén hương còn lại. Bỗng dưng mặt đất chuyển động. Chỗ năm ngôi mộ có tiếng rầm rầm mỗi lúc một lớn rồi nắp mộ bật tung, quân gia lớp lớp từ dưới đó nhảy lên; vì còn non ngày nên sức yếu, đứng chưa vững, người nào người ấy đi lại bổ nghiêng bổ ngửa, cuối cùng đều chết sạch cả…

Theo sách thượng dẫn thì Cao Biền rấm lúa, nhưng một số nguồn khác lại cho rằng ông rấm đậu, như thành ngữ “tản đậu thành binh” (rấm đậu thành binh). Khi cần quân, Cao Biền rấm đậu vào đất, đủ thời gian thì đọc thần chú, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Có lần chưa đến hạn mà ông đã đọc thần chú, những hạt đậu cũng thành binh nhưng còn non, chưa đủ sức nên đi lẩy bẩy.

Từ chuyện Cao Biền, dân gian có thành ngữ “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” để chỉ những người sức yếu, tay chân cử động run rẩy, hoặc hàm ý nếu nóng nẩy vội vàng sẽ thiếu chu đáo, dễ dẫn đến thất bại.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.