* Giữa hai huyện Duy Xuyên và Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) có một “ốc đảo” tên là Vạn Buồng. Xin cho biết xuất xứ của địa danh này. Vạn trong “Vạn Buồng” có cùng nghĩa với vạn trong “cửu vạn” không? (Hạnh Như, Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng).
Quân bài “Cửu Vạn” (rìa phải) vẽ hình người vác hàng (chữ Nho trên quân bài, đọc từ phải sang là “cửu vạn”). Nguồn: Internet. |
- Vạn, theo Từ điển tiếng Việt, có một nét nghĩa là “làng của những người làm thuyền chài, thường ở trên mặt sông”. Ví dụ: vạn chài; vạn ghe.
Theo Hán - Việt từ điển trích dẫn (tra trực tuyến tại http://www.hanviet.org), vạn 澫 là danh từ chữ Nôm, có nghĩa là xóm chài, làng chài; được ghép từ chữ vạn 萬 (mười nghìn) với bộ thủy 水 (chỉ các hiện tượng, sự vật liên quan đến sông nước).
Để minh họa nghĩa của từ vạn 澫 chỉ xóm chài, làng chài này, từ điển nói trên dẫn một câu của Phạm Đình Hổ (nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn và nhà thơ của Việt Nam ở khoảng cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX) trong tác phẩm Vũ trung tùy bút (Tùy bút trong mưa): “Do thị Thái Cực, Đông Hà, Đông Các chư tân, phường thất lân bí, nhi hàm tra nhị vạn, cập Tây Long tân, hất kim vi đô hội yên” (由是太極, 東河, 東閣諸津, 坊室鱗比, 而鹹槎二澫, 及西龍津, 迄今為都會焉). Dịch nghĩa: Bởi thế, những phường Thái Cực, Đông Hà, Đông Các, nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến hai vạn hàng mắm hàng bè, bến Tây Long, đều trở thành phố phường đô hội cả. (hàm tra nhị vạn 鹹槎二澫 nghĩa là hai vạn hàng mắm, hàng bè).
Với “vạn buồng”, theo chúng tôi, cũng xuất phát từ nghĩa của từ vạn chữ Nôm này, như cách lý giải của tác giả bài viết “Bỏ trốn phố thị tìm về ốc đảo Vạn Buồng “đốn tim” bao du khách tại Quảng Nam” đăng trên trang tamky.com ngày 3-7-2016. Theo đó, địa danh Vạn Buồng nghe rất lạ lẫm. Ngày trước, khi chưa có cầu Vạn Buồng (do một dân làng đứng ra kêu gọi quyên góp xây dựng), nơi đây được xem là “xóm biệt lập”, “xóm ốc đảo”, dưới sông là hàng vạn chiếc thuyền qua lại, trên bờ là những cô gái đôi mươi ươm tơ dệt lụa. Đất phù sa màu mỡ, nghề chăn tằm phát triển, để tiện cho các cô gái ở lại làm việc, ven bờ sông dần dần xuất hiện những buồng tắm dành riêng cho các thôn nữ. Có lẽ vì thế mà cái tên Vạn Buồng xuất hiện và tồn tại đến bây giờ.
Từ vạn trong “cửu vạn” có một xuất xứ hoàn toàn khác. Là từ chỉ người làm nghề bốc vác hoặc làm một công việc gì đó nặng nhọc, nhưng “cửu vạn” lại xuất phát từ... tên một con bài trong bộ tổ tôm, có hình người đang vác một vật nặng.
Bài tổ tôm có 120 quân, gồm có 3 hàng Vạn (萬), Văn (文), Sách (索), được viết bằng chữ Nho và cách nhận biết 3 hàng quân này theo câu nói dân gian “Vạn vuông, Văn chéo, Sách loằng ngoằng”. Bên phải các quân bài có chữ số từ Nhất đến Cửu.
Hàng Vạn có 9 quân bài, từ Nhất Vạn đến Cửu Vạn. Quân “Cửu Vạn” vẽ người vác một kiện hàng trên vai. Hình ảnh vác hàng này đã từ quân bài tổ tôm dần dà bước ra đời sống dân gian và những người làm nghề bốc vác hàng hóa được dân gian gán cho một cái tên là “cửu vạn”.
ĐNCT