.

Bánh chì hay bánh quy?

.

* Thành ngữ “Bánh ít trao đi, bánh chì trao lại”, tôi thấy cũng có nhiều người viết là “Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại”. Xin cho hỏi, bánh chì và bánh quy, bánh nào đúng trong trường hợp này? Bánh chì là bánh gì? (Mỹ Anh, Đại học Đà Nẵng).

Bánh chì. (Nguồn: Internet)
Bánh chì. (Nguồn: Internet)

- Thành ngữ đang xét cũng được viết gọn thành “Bánh ít đi, bánh chì/quy lại”. Giữa bánh chì và bánh quy thì bánh chì có “niên đại” lâu hơn.

Bánh chì là một loại bánh miền Trung, giống như bánh dầy của miền Bắc. Bài viết “Hương vị quê nhà: Bánh chì” đăng trên Báo Quảng Trị số ra ngày 26-8-2012 hướng dẫn cách làm bánh chì như sau:
“Để làm bánh, các mẹ, các chị phải dậy từ hai ba giờ sáng, đồ xôi trong những chiếc nồi to. Cối, chày đã soạn sẵn. Người ta dùng hai miếng mo cau loại to, một chiếc buộc vào đầu chày, chiếc còn lại lót vào lòng cối.

Khi xôi chín tới, một người cho xôi vào cối, rồi xoay mo cau theo nhịp giã của chày, theo sự chỉ dẫn của người kiểm tra độ nhuyễn của xôi. Một khuôn nếp được giã trong khoảng mười lăm phút với sự phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý giữa người giã, người xoay mo cau, người kiểm tra độ dẻo của nếp. Phải giã trong lúc xôi còn nóng bánh mới có độ dẻo và không bị lại gạo. Khi xôi đã nhuyễn, vừa dẻo, dai và còn nóng hổi, các mẹ, các chị nhanh tay bắt từng viên tròn, cho vào đó nhân bánh, hoặc là nhân vị ngọt với đậu xanh ngào đường, hoặc vị mặn cũng với đậu xanh nêm chút gia vị muối, mì chính, ít hạt tiêu giã nhỏ. Lá chuối được cắt từng miếng nhỏ vuông vức, để sẵn làm đế cho bánh”.

Theo bài đã dẫn, người làng Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị hiện vẫn còn giữ lệ làm bánh chì dâng lên tổ tiên mỗi khi giỗ chạp, tuy không ai hiểu vì sao loại bánh cổ truyền này có tên như thế.

Bánh quy là tên gọi một loại bánh 2 lần nấu chín mới xuất hiện ở nước ta, sớm nhất là từ thời Pháp thuộc, có tên tiếng Pháp là biscuit (gồm bis là thêm lần nữa và cuire là nấu chín), phiên âm thành bix-quy và đọc ngắn gọn thành quy.

Bánh chì trong thành ngữ đang xét đã “cao tuổi” và không còn phổ biến nữa. Trong khi đó lại nổi lên loại bánh thời thượng là bánh quy. Vả lại, bánh chì và bánh quy lại cùng vần với nhau nên dân gian đã “cập nhật” thành ngữ xưa bằng cách thay chì bằng quy.

Thành ngữ đang xét cũng có nhiều dị bản: Bánh đúc đưa đi, bánh chì đưa lại; Bánh đúc trao qua, bánh đa trao lại; Bánh ú trao đi bánh chì trao lại; Bánh sáp trao đi, bánh chì đáp lại… (Bánh sáp là loại bánh làm bằng sáp ong mật).

Nói thêm, còn có một dị bản không liên quan gì đến bánh: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Nếu từ “trao” hay “đưa” trong các dị bản trên nói đến một sự trao đổi nhẹ nhàng, tình cảm (“có đi có lại mới toại lòng nhau”) thì từ “ném” trong “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” mang nghĩa tiêu cực, có tính cách ân oán giang hồ. Đất và chì, một bên nhẹ, một bên nặng. Nếu anh ném ai đó một hòn đất thì sẽ bị người ta ném trả bằng một hòn chì. Anh phát đi một lực mạnh cỡ nào thì sẽ nhận lại một phản lực mạnh hơn.

Nói chung, tất cả các thành ngữ này đều mang ý nghĩa “gieo gì gặt nấy”, “gieo gió gặt bão”, cho đi cái gì thì sẽ nhận lại điều tương tự... thể hiện luật nhân quả - giáo lý nền tảng của đạo Phật.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.