.

Về nhân vật Hàn Dũ

* Trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu có hai câu: “Thương ông Hàn Dũ chẳng may/ Sớm dâng lời biểu, tối đày đi xa”. Xin cho biết, cuộc đời Hàn Dũ như thế nào mà được cụ Đồ Chiểu đưa vào trong tác phẩm của mình? (An Huy, Thanh Khê, Đà Nẵng).

- Hàn Dũ (768 - 824) là một vị quan đời vua Đường Hiến Tông, nước Trung Hoa. Về mặt văn học, họ Hàn để lại ít thơ nhưng là một văn gia kiệt xuất của Ðường triều. Câu thơ “sớm dâng lời biểu, tối đày đi xa” nói về việc Hàn Dũ “cãi” lời vua mà bị đày.

Chuyện là, Ðường Hiến Tông vào những năm cuối đời rất tin đạo Phật. Nghe nói trong ngôi chùa nọ có thờ một đốt ngón tay của đức Phật, cứ 30 năm mới mở ra một lần cho mọi người vào chiêm bái, Hiến Tông lập tức cho rước đốt xương đó vào cung thờ phụng, sau lại rước ra chùa cho mọi người xem. Những cuộc đưa rước, chiêm bái của ông được quan viên hùa theo, hết sức linh đình, xa xỉ...

Hàn Dũ viết một bài biểu dâng lên can gián vua, lời lẽ rất đanh thép, khuyên vua nên ném xương Phật vào nước lửa, Phật có giáng tội ông xin chịu hết. Hiến Tông nổi cơn thịnh nộ, truyền đem ông ra chém, may nhờ có nhiều người can gián ông mới thoát chết, chỉ bị giáng chức, đày đi làm Thứ sử ở Triều Châu, nay thuộc tỉnh Quảng Tây. Tại đây, ông để lại bài Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương (Bị giáng chức đi xa, đến ải Lam dặn lại cháu Tương). Tương truyền, hai câu luận (5 và 6) trong bài thất ngôn bát cú này nguyên là hai câu thơ cháu ông tặng.

Sách Liệt tiên truyện kể rằng, lần nọ Hàn Dũ mở tiệc mừng thọ, muốn uống trà sen nhưng đang mùa đông nên chẳng tìm đâu ra sen. Cháu ông là Hàn Tương (truyền thuyết cho rằng Tương là một trong bát tiên) lấy một mảnh lụa phủ lên chiếc lọ cắm hoa, phút chốc lọ nở ra mấy đóa sen, trên cánh có câu thơ “Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại/ Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền” (Mây ngang Tần Lĩnh nhà đâu tá?/ Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua). Xem qua thơ, Hàn nói: Hai câu thơ rất hay nhưng không có ý nghĩa gì cả. Tương thưa: Xin chú cứ nghiệm về sau sẽ rõ.

Khi truyền lệnh đày họ Hàn đi Triều Châu, vua cho hạn trong 8 ngày phải có mặt tại nhiệm sở, nếu trễ sẽ chết chém. Đường từ Trường An (kinh đô nhà Đường) ra đến Triều Châu đến 8 ngàn dặm, đường sá lại gập ghềnh hiểm trở, đèo núi cheo leo. Đi ngựa cả tháng chưa chắc đã đến nơi, thế mà lệnh vua chỉ có 8 ngày. Tuy vậy, Hàn không dám trái lệnh, lập tức cùng hai gia nhân lủi thủi lên đường. Đi suốt ngày đêm, ăn cơm khô, uống nước bầu trên lưng ngựa mà qua ngày thứ 8 mới đến Lam Quan.

Bấy giờ tuyết xuống đầy núi, ngựa không thể bước lên được. Trên đỉnh núi Tần Lĩnh mây trắng lững lờ trôi. Hàn mới chợt nhớ đến hai câu thơ trong bông sen cháu tặng mình năm trước, thật là đúng với cảnh ngộ của mình lúc này. Trong lúc tấn thối lưỡng nan, trời mịt mù sắp tối, thì tự nhiên thấy Hàn Tương xuất hiện. Tương bảo mọi người bỏ ngựa đi thuyền sẽ đến đúng hạn. Thầy trò đưa nhau ra bến Chương Giang. Tương bảo mọi người lên thuyền và nhắm mắt lại. Tương dùng phép thuật, chỉ sau 1 giờ mọi người mở mắt ra đã thấy Triều Châu trước mặt và Hàn ung dung bước vào dinh nhậm chức.

Chuyện xưa nối chuyện nay, Hàn làm bài thơ Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương, trong đó có hai câu luận như đã nói trên.

Từ đó “Mây Tần” trở thành điển tích, chỉ sự mong nhớ quê nhà. Trong Đoạn trường tân thanh của cụ Nguyễn Du, có câu “Đoái trông muốn dặm tử phần/ Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” chỉ tâm trạng của Kiều khi nhìn thấy giải mây bàng bạc xa xa lại nhớ đến gia đình, cha mẹ.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.