* Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An quê tôi đã khôi phục Lễ hội Kỳ phúc từ năm 2012. Tôi nghe nói ở Thanh Hóa cũng có một lễ hội tương tự. Xin cho hỏi, Lễ hội Kỳ phúc tại hai địa phương này có nét gì giống nhau, khác nhau? (Nguyễn Thị Mỹ Anh, Hải Châu, Đà Nẵng).
Lễ Rước kiệu là một trong nét chung của lễ hội Kỳ phúc ở Quỳnh Đôi và Hà Lương. Nguồn: Internet |
- Lễ hội Kỳ phúc nguyên là Tế Kỳ phúc – một lễ tế phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Hồng và bắc Trung Bộ nước ta. Sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính (NXB Văn học – 2006) dành các trang từ 81 đến 86 nói về Tế Kỳ phúc như sau:
“Mỗi năm trong tứ thời hoặc hai kỳ Xuân, Thu có một tuần đại tế gọi là tế kỳ phúc, nghĩa là cầu cho dân được bình an. (…) Trước khi tế phải rước văn. Dân làng đem long đình cờ quạt, tài tử đồng văn và cắt một người viên chức đội mũ, mặc áo thụng đến tại nhà người điển văn (người coi việc tả văn tế) mà rước bản văn về đình. Người tả văn cũng phải đội mũ mặc áo thụng đi theo sau long đình.
Vào đến cửa đình, người tế chủ phải ra tại cửa ngoài mà nghênh tiếp bản văn đem vào an trí trong nội hương án, đâu đấy mới tế. Tế phải có một người làm tế chủ, kén người nào có chức tước ngôi thứ cao nhất trong làng mới được làm. Có làng thì lại kén người ngôi thứ cao mà vợ chồng song toàn, con trai con gái đề huề mới được làm tế chủ...”.
Trong sách, tác giả mô tả chi tiết từng nghi thức cúng tế, các lễ phẩm, nghi thức xướng tế...
Lễ hội Kỳ phúc ở làng Quỳnh Đôi (khôi phục năm 2012) tổ chức vào những ngày đầu tháng Giêng (mồng 9 và 10 Tết) cũng mang ý nghĩa cầu chúc cho người người may mắn, hạnh phúc trong năm mới, sâu xa hơn là sự đồng tâm hợp lực, đoàn kết cộng đồng. Lễ hội được tổ chức tại đền Thần và sân đình làng với hai nội dung chính gồm phần lễ và phần hội.
Phần lễ gồm 6 lễ: Lễ khai quang - lễ cáo yết, lễ rước kiệu, lễ tạ, lễ cầu an, lễ dâng hương, lễ tất. Phần tế lễ tổ chức long trọng, trang nghiêm, thực hiện theo nghi lễ truyền thống thành kính, giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa trong tế lễ. Lễ rước theo thứ tự mang tính truyền thống diễn tả được nét đẹp phong tục tập quán truyền thống của quê hương, biểu dương sức mạnh cộng đồng.
Phần hội vừa mang tính dân gian vừa có tính hiện đại, hầu hết mọi người dân đều có thể tham gia như các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian: biểu diễn môn võ thuật cổ truyền, đẩy gậy, kéo co, vật cù, trò chơi xay tai lĩnh thưởng, bịt mắt đập niêu.
Lễ hội Kỳ phúc ở Thanh Hóa (diễn ra ở làng Hà Lương – một làng cổ thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc) là một tên gọi khác của lễ hội Rước kiệu ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, diễn ra trong hai ngày (13 và 14 tháng 2 âm lịch hằng năm).
Phần lễ có các các làn điệu, lời hát tế lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cầu phúc lộc và sức khỏe cho mọi người. Lễ Rước gồm có ba kiệu: Kiệu Long Bành, kiệu Bát Cống, và kiệu Long Đình. Mỗi kiệu có 8 người khiêng, gồm các thanh niên, trai tráng khỏe mạnh trong làng. Ngoài phần Rước kiệu, trong hai đêm của ngày 13 và ngày 14, làng còn tổ chức hát Bội ở sân Nghè, hay còn gọi là hát hầu thần.
Phần hội diễn ra ngay sau khi kết thúc phần lễ Rước kiệu với một số trò chơi như: bài điếm (còn gọi là tổ tôm điếm), kéo co, hát múa...
Lễ hội Kỳ phúc ở Quỳnh Đôi và Hà Lương dù có những nét khác nhau nhưng tựu trung vẫn hướng đến một ý nghĩa nhân văn là cầu cho nhân dân bình an, hạnh phúc.
ĐNCT