.

"Tứ hỉ" và "Tứ thống khổ"

* Xin cho biết xuất xứ bài thơ cổ “Cửu hạn phùng cam vũ/ Tha hương ngộ cố tri/ Động phòng hoa chúc dạ/ Kim bảng quải danh thì”. Tôi nghe nói bài thơ này có một số giai thoại rất lý thú? (Lê Văn Bình, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Bài thơ nói trên được chép trong sách Ấu học ngũ ngôn thi, một cuốn sách thơ 5 chữ gồm 278 câu, nội dung khuyên học trò chăm chỉ học hành để đỗ đạt cao và ra làm quan, hưởng vinh hoa phú quý. Đây là cuốn sách được các thầy đồ ngày xưa ở nước ta dạy cho học trò học chữ Hán, sau khi đã học xong cuốn Tam tự kinh. “Dung trai tùy bút” của Hồng Mại đời Tống chép rằng đây là bài thơ của một tác giả vô danh, có thể ra đời từ thời Bắc Tống (960 – 1127) hoặc sớm hơn nữa. Bài thơ dân gian này thường được dạy trong các trường ở thôn quê Trung Hoa ngày xưa.

Tất cả các bài thơ trong sách Ấu học ngũ ngôn thi đều có đầu đề là câu thơ đầu tiên. Ví như bài thơ đang xét có đầu đề là “Cửu hạn phùng cam vũ”. Toàn bài được dịch thơ: “Nắng hạn gặp mưa rào/ Xa quê gặp bạn cũ/ Động phòng đêm hoa chúc/ Bảng vàng thi đỗ cao”. Từ nội dung bài thơ, người đời sau đặt đầu đề là “Tứ hỉ” (Bốn điều mừng vui).

Có một giai thoại văn chương về bài thơ nổi tiếng này, được cho là có xuất xứ từ nhà thơ, nhà soạn tuồng đất Đồng Nai Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), làm quan dưới thời nhà Nguyễn. Năm 1835, ông đỗ Giải nguyên (Thủ khoa) kỳ thi Hương ở Gia Định, vì thế ông được gọi là Thủ khoa Nghĩa.

Bùi Hữu Nghĩa nổi tiếng thơ hay. Để chế giễu những người tỏ vẻ coi thường thơ Việt, lúc nào cũng cho thơ Tàu là tuyệt cú, là khuôn vàng thước ngọc để người làm thơ Việt phải học theo, ông đem bài thơ “Tứ hỉ” ra “mổ xẻ”. Rằng, nắng hạn lâu ngày mà gặp mưa rào thì có gì để gọi là quá mừng. Rằng, xa quê, đi qua làng khác mà gặp người quen cũ thì cũng không đến nỗi phải mừng vui ghê gớm đến thế. Rằng, lấy vợ thì tất nhiên được động phòng, cũng là lẽ thường tình ở đời thôi. Rằng, học giỏi mà thi đậu thì mừng nhưng cũng không phải quá đỗi mừng vui như thế.

Ông bảo, phải thêm vào đầu mỗi câu 2 chữ nữa thì mới đúng nghĩa là “Tứ hỉ”.

“Thập niên cửu hạn phùng cam vũ”. Nắng mười năm mà có một trận mưa cho ra mưa (cam vũ là mưa lành, mưa hợp thời) thì quả là không còn gì bằng.

“Thiên lý tha hương ngộ cố tri”. Xa quê nghìn dặm mà gặp người quen cũ mới gọi là mừng hết biết.

“Thục nữ động phòng hoa chúc dạ”. Người con gái trong trắng dịu dàng được động phòng đêm hợp cẩn.

“Nột nho kim bảng quải danh thì”. Học trò dốt đi thi nắm chắc mười mươi là hỏng nhưng lại được đỗ.

Chưa hết, cũng bài thơ này, nhà thơ đất Đồng Nai bàn tiếp, nếu thêm vào hai chữ khác vào đầu mỗi câu thì nội dung bài thơ sẽ “quay ngược 180 độ” thành “Tứ thống khổ” (Bốn điều đau khổ).

“Diêm điền cửu hạn phùng cam vũ”. Ruộng muối nắng lâu gặp trận mưa đổ xuống, phá sản tới nơi.

“Đào trái tha hương ngộ cố tri”. Trốn nợ chạy tới nơi xa mà gặp người quen thì hỏi có khổ không?

“Yểm hoạn động phòng hoa chúc dạ”. Người bị hoạn mà động phòng thì không biết là cay đắng đến nhường nào!

“Cừu nhân kim bảng quải danh thì”. Kẻ thù (với ta) lại được đề tên trên bảng vàng, thiệt là đau khổ (cho ta).

Từ một bài ngũ ngôn tứ tuyệt ban đầu, cụ Thủ khoa Nghĩa đã biến thành hai bài thất ngôn tứ tuyệt với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau, quả chẳng hổ danh nhà thơ nổi tiếng đất Đồng Nai mà dân gian còn nhắc: “Đồng Nai có bốn rồng vàng,/ Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.