.

Hòn Hồng ở đâu trong vịnh Hàn?

.

* Cháu tôi thu thập tư liệu để làm luận văn tốt nghiệp ngành du lịch, hỏi tôi rằng trong bài ca dao “Hải Vân bát ngát nghìn trùng/ Hòn Hồng ở đấy là trong vịnh Hàn/ Xưa nay qua đấy còn truyền/ Lối đi lô giản thẳng miền ra khơi” thì Hòn Hồng ở đâu? Thú thực, tôi “bí”, đành nhờ quý báo trả lời giúp. (Hà Ngọc Thành, Liên Chiểu, Đà Nẵng)

Hòn Hành là một núi nhỏ, có hình dáng trông tựa củ hành, đứng nhô ra biển che khuất một vũng nước cạn nơi chân đèo Hải Vân. Ảnh: V.T.L
Hòn Hành là một núi nhỏ, có hình dáng trông tựa củ hành, đứng nhô ra biển che khuất một vũng nước cạn nơi chân đèo Hải Vân. Ảnh: V.T.L

- Đây là bài ca dao được nhiều tài liệu trưng dẫn, trong đó có nhiều tài liệu thuộc dạng nghiên cứu, giáo dục. Chẳng hạn như trang thông tin điện tử Thư viện Bài giảng điện tử, phần Tập đọc 3, tuần 12 chủ đề “Cảnh đẹp non sông” (tra trực tuyến tại địa chỉ baigiang.violet.vn/present/show/entry_id/2678829), tại trang 38/63 của bài giảng này, có ghi: “Hải Vân bát ngát nghìn trùng/ Hòn Hồng sừng sững đứng trong vịnh Hàn” với lời giảng: “Hòn Hồng: núi Hồng ở Đà Nẵng”.

Trang Tài liệu – Ebook (doc.edu.vn) được giới thiệu là “Thư viện tài liệu, ebook, đồ án, luận văn, giáo trình tham khảo cho học sinh, sinh viên”, trong bài “Đề tài Đặc trưng của không gian, thời gian trong ca dao Việt Nam” cũng ghi về Hòn Hồng như thế.

Trong cuốn “Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng” (Tập 1) in lần thứ hai, Sở Văn hóa và Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng 1985, tại trang 151 (phần Đất nước, Lịch sử, Con người) tác giả Nguyên Văn Bổn cũng ghi lại 4 câu này thành một cụm như bài ca dao đã dẫn ở trên, chỉ thay từ “đấy” ở câu 2 và câu 3 thành “đó” và viết hoa từ Lô Giản. Trong khi địa danh Hòn Hồng bị “lờ” đi, không được chú giải thì Lô Giản được tác giả chú giải cặn kẽ: “Lô Giản thực ra là Lỗ Giản, trong dân gian đọc trại ra là Lô Giản. Theo Lê Quý Đôn (Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, tr.84) thì vào thời chúa Nguyễn, huyện Hòa Vang gồm có 3 tổng là Hà Khúc, Lệ Sơn, Lỗ Giản. Tổng Lỗ Giản gồm có 10 xã vùng duyên hải”.

Thực ra, trong vịnh/vũng Hàn của Đà Nẵng không có núi/đảo nào có tên là Hòn Hồng, mà chỉ có Hòn Hành nằm dưới chân núi Hải Vân.

Sách Đại Nam nhất thống chí (Quyển VII, tỉnh Quảng Nam, phần Núi sông) chép: “… trên có cửa Hải Vân, là chỗ tiếp giáp giữa Thừa Thiên và Quảng Nam (…), phía Nam cửa quan chừng vài ba trượng, đá núi dựng đứng rất là hiểm dốc. (…) Phía Nam chân núi là núi Thông Sơn, tục gọi Hòn Hành,…”.

Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng (danang.gov.vn), ở mục “Quảng Nam - Đà Nẵng qua các địa danh (phần 8)” có chú giải cụ thể hơn về Hòn Hành: “Núi nhỏ, có hình dáng trông tựa củ hành, đứng nhô ra biển che khuất một vũng nước cạn nơi chân đèo Hải Vân, tên chữ là Thông Sơn. Thời Minh Mạng, một pháo đài phòng thủ được xây dựng trên đỉnh hòn Hành. Ca dao xưa: Hải Vân bát ngát ngàn trùng/ Hòn Hành ở đó là trong vũng Hàn”.

Một trong thuộc tính của ca dao là có khá nhiều dị bản. Trong bài ca dao đang xét, Hòn Hành ban đầu, qua quá trình “tam sao thất bản” đã biến thành Hòn Hồng một cách lạ lẫm.

Có một dị bản khác khá nhiều so với các bản còn lại, được một số trang thông tin điện tử trích dẫn, như Diễn đàn Học mãi (diendan.hocmai.vn) của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Giáo dục (Hà Nội): Hải Vân bát ngát trùng trùng/ Hòn Hồng ở đấy, thuộc trong Vịnh Hàn/ Xưa nay qua đấy còn troàn/ Lối đi Lô Giản thẳng đàng ra khơi.

Theo chúng tôi, đây mới đúng là bản ban đầu, trừ sự nhầm lẫn đáng tiếc Hòn Hành thành Hòn Hồng như đã nói trên. Đây là một bài ca dao 4 câu lục bát hoàn chỉnh, vì thế các câu phải hiệp vần theo thể thơ. Từ truyền đã được dân gian đọc trại thành troàn để hiệp vần với Hàn ở câu trên và đàng ở câu dưới.

Biến âm uyền thành oàn trong thơ ca Việt không hiếm, một trong chứng cứ cụ thể là Truyện Kiều của Nguyễn Du, từ câu 510 đến câu 513: “Một ngày lạ thόi sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền/ Sao cho cốt nhục vẹn tuyền/ Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao?”. Tra từ điển sẽ thấy vẹn tuyền có nghĩa như vẹn toàn.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.