* Sáng 14-11 vừa rồi, 20 nhà giáo tiêu biểu của Đà Nẵng được trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần 1 năm 2016. Xin cho biết về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân được đặt tên cho giải thưởng nhà giáo lần đầu tiên được tổ chức ở Đà Nẵng này? (Hoàng Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).
Tượng Võ Trường Toản, phía trên là 4 chữ Hán “Lương sư hưng quốc”, nghĩa là người thầy giỏi (ngành giáo dục tốt) sẽ làm cho quốc gia hưng thịnh. (Nguồn: Internet) |
- Võ Trường Toản (? – 1792) là một nhà giáo nổi tiếng của Việt Nam, được các nhân sĩ trí thức, các nhà nghiên cứu gọi là “Ông tổ ngành giáo dục Nam Kỳ”.
Sách “Địa chí Bến Tre” (Thạch Phương – Đoàn Từ chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội – 2001, tái bản lần thứ nhất có sửa chữa và bổ sung, tr. 1149-1150) cho biết “ông người huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (không rõ năm sinh, cũng như không rõ gốc gác, chỉ biết ông là người học rộng, tài cao, thông đạt kim cổ…)”.
Theo sách đã dẫn, trong thời chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh, ông ẩn cư mở trường dạy học nơi quê nhà, không tham gia vào chính sự. Trong hàng trăm học trò được ông đào tạo, có những người nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định (thời bấy giờ được gọi là “Gia Định tam gia thi”), Ngô Tùng Châu, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm… Những nho sĩ tiết tháo thuộc thế hệ sau như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị cũng chịu ảnh hưởng về đạo đức, học phong, sĩ khí của nhà giáo họ Võ.
Võ Trường Toản mất ngày mùng 9 tháng 5 năm Nhâm Tý (nhằm ngày 27-7-1792) tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và được an táng tại đây. Hay tin ông mất, chúa Nguyễn Ánh cảm mến, tiếc thương, ban từ hiệu để ghi vào bia mộ ông là “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” (Võ tiên sinh – Bậc xử sĩ đất Gia Định, người thờ kính đức độ). Sách Quốc triều sử toát yếu (NXB Văn học, 2002, tr. 149) chép rằng, mãi đến tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long (tức chúa Nguyễn Ánh) còn đồng ý tha thuế cho cháu Xử sĩ Võ Trường Toản là Võ Tài Đồng, để tỏ lòng ngưỡng mộ người thầy đất Gia Định.
Tưởng nhớ công đức của thầy, học trò cũ của ông đã tặng đôi liễn: “Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử/ Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong” (Lúc sống, dạy dỗ được người, không con mà như có/ Khi mất, tiếng tăm lưu thế, thân mất danh vẫn còn).
Sau khi 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay giặc Pháp (năm 1862), một số sĩ phu Gia Định (trong đó có Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông, Phạm Hữu Chánh, Trương Gia Hội) không muốn hài cốt của bậc lương sư nằm trong vùng đất bị giặc chiếm, đã cùng nhau dời mộ ông về xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ngày cải táng, Nguyễn Thông, bấy giờ là Đốc học Vĩnh Long, đã thay mặt các nho sĩ đứng làm chủ lễ và viết lời tường thuật cuộc cải táng (sau đó được khắc ở mặt sau bia mộ).
Hài cốt người vợ cùng ấu nữ (vợ chồng ông chỉ sinh được một gái, bị bệnh mất từ nhỏ) cũng được cải táng cạnh mộ của ông. Mộ của cả ba xây theo hướng đông - bắc ngó về tây nam, xây dựng theo dạng voi phục, trên một gò đất cao ráo, trong khuôn viên thoáng rộng, có cây che bóng mát, có nhà thờ mái cong 2 tầng để thờ Võ Trường Toản và làm nơi khách thập phương đến tưởng niệm ông. Đến nay, khu di tích này đã được trùng tu tôn tạo và xây mới thêm một đền thờ, bên trong có đặt tượng thờ ông.
Trước tác của ông hầu như bị thất lạc... Đến nay chỉ còn lưu truyền một bài phú duy nhất, bài Hoài cổ dài 24 câu. Tuy nhiên, cuộc đời và nhân cách của ông còn mãi tạc vào sử xanh, vào trái tim người dân Nam Bộ. “Vạn thế sư biểu”, “Kẻ sĩ Gia Định”, “Sùng đức xử sĩ”, “Ông tổ ngành giáo dục Nam Kỳ”... là những mỹ hiệu mà người dân vùng này dành cho tặng cho ông với lòng tôn kính, ngưỡng mộ, tự hào về một người thầy đã làm rạng danh cho quê hương, đất nước.
Nói thêm, Giải thưởng Võ Trường Toản được Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi động từ năm 1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra trước Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 nhằm tôn vinh các giáo viên dạy giỏi và tâm huyết với nghề. Năm 2016, giải thưởng mở rộng quy mô ở khu vực miền Trung với lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng.
ĐNCT