* Có người cho rằng tục đốt vàng mã là một chủ trương của Phật giáo, như vậy có đúng không? (Trương Thị Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Hiện vẫn chưa xác định được tập tục đốt vàng mã xuất hiện ở nước ta vào thời nào. Thời Lê Thánh Tông (1442-1497) tuy đã có dấu hiệu của tục “thí thực” (dân gian gọi là “cúng cô hồn” tức là cúng cho các vong hồn bơ vơ, không được ai thờ cúng), nhưng trong áng văn “Thập giới Cô hồn Quốc ngữ văn” của ông vua này vẫn chưa có dấu hiệu dân tộc Việt sử dụng vàng mã.
Đến thế kỷ VIII, tục đốt vàng mã đã khá phổ biến và các Nho gia lại cho là xuất phát từ chủ trương của nhà Phật. Phạm Đình Hổ (1786-1839) viết trong “Vũ trung Tùy bút”: “… Lễ Trung nguyên đốt mã, những lễ tiết ấy đều theo lễ nhà Phật, chứ không phải là lễ cổ nhân” (bản dịch do NXB Trẻ in lại năm 1987, tr.171;). Nguyễn Du (1765-1820) trong “Văn tế Thập loại chúng sanh” cũng có đoạn tương tự ở các câu 173 - 176): “Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo/ Của có chi, bát cháo nén nhang/ Gọi là manh áo, thoi vàng/ Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên”.
Truyện Kiều được Nguyễn Du phóng tác từ tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Hoa. Thế nhưng, trong nguyên tác, ở đoạn tương ứng, không hề thấy Thanh Tâm Tài Nhân nói đến việc rải đốt vàng mã. Điều này cho thấy, có lẽ căn cứ vào hiện thực lễ tiết trong nước bấy giờ mà Nguyễn Du đã “sáng tạo” ra hình ảnh đốt vàng mã như mô tả ở các câu 49 – 50 trong Truyện Kiều: “Ngổn ngang gò đống kéo lên/ Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”.
Trong “Việt Nam phong tục” (NXB Văn hóa 2006), Phan Kế Bính cũng cho rằng tục đốt vàng mã xuất phát từ Phật giáo: “Ta lại tin theo Phật thuyết bày ra vàng mã, nào mũ Ngọc Hoàng, nào tượng Minh Vương, nào âm quan quỷ tốt chiến khí binh thuyền. Sự quỷ thần huyền viễn thì chưa biết đâu mà sự tiền thật mua đồ giả thì đã rõ, uổng tiền quá!”.
Thực ra, Phật giáo không hề chủ trương đốt vàng mã.
Câu hỏi “Tục lệ đốt vàng mã có phải là của Phật giáo không?” cũng là nhan đề bài viết đăng trên trang phatgiao.org.vn (Ban Thông tin Truyền thông - Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đã được tác giả Thích Phước Thái trả lời như sau:
“Tôi xin trả lời khẳng định một cách dứt khoát rằng, tục lệ này không phải do Phật giáo bày ra. Theo chỗ chúng tôi được biết, đây là một tục lệ có từ lâu đời trong dân gian. Truy nguyên về nguồn gốc của tục lệ đốt giấy tiền vàng mã này, chúng tôi thấy, xuất phát từ thời cổ đại trong xã hội Trung Hoa. Theo nhà tư tưởng Vương Dư đời Đường cho rằng: “Từ thời nhà Hán, đã có tục chôn tiền và đời sau lấy giấy thay tiền”. Theo niềm tin thuần phác của người Trung Hoa ở vào thời cổ đại thì, người ta tin rằng, người chết không phải là mất hẳn mà biến thành quỷ (nhân tử viết quỷ – Nguyễn Tôn Nhan, Kinh Lễ, Thiên Tế pháp, NXB. Văn Học, 1999, tr.192 ). “Quan niệm nhân tử viết quỷ” được hình thành từ thời Ngũ đại (khoảng hơn 2.000 năm trước Tây lịch). Từ quan niệm này, người ta tin rằng, người chết cũng như người sống, tức sự sinh như sự tử. Những gì mà người ta lúc còn sống tiêu xài như thế nào, thì khi chết cũng cần đến như thế đó. Do tin tưởng như vậy, nên sau khi chết đi, thân nhân của người chết họ chôn theo những vật dụng cần thiết kể cả tiền bạc để cho người chết tiêu xài. Đây là họ biểu lộ mối thâm tình sâu đậm khi sống sao thì lúc chết cũng như thế”.
Phan Kế Bính, trong sách đã dẫn, cũng cho rằng tục này đầy chất mê tín: “Chỉ mong sao cho người nước mình phá hết được những dị đoan để hết sức lo về việc trước mắt thì mới có ngày hay được”.
Với Đà Nẵng, không phải gần đây mới vận động cán bộ, người dân không đốt/rải vàng mã mà ngay từ 10 năm trước, ngày 25-5-2006, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị 16/2006/CT-UBND về việc “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị và tăng cường biện pháp xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Theo đó, những hành vi không được thực hiện là: Không rải giấy vàng mã, tiền âm phủ, gạo muối vật cúng trên đường, không đặt am miếu thờ và các vật thờ cúng ở nơi công cộng…
ĐNCT