* Xin cho biết xuất xứ của hai câu “Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc/ Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam”. Vân hương mỹ tửu là loại rượu của địa phương nào, cách chế biến ra sao? (Trần Hà, Hải Châu, Đà Nẵng).
Rượu Làng Vân nức tiếng từ xưa. Nguồn: Internet |
- Đó là hai câu đối ghi ở cổng làng Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cánh đồng làng Vân Xá nổi tiếng với gạo nếp cái hoa vàng hạt to tròn, có màu vàng tự nhiên. Từ loại gạo nếp thơm ngon này, với men rượu bí truyền, dân làng nấu thành rượu Làng Vân, được xếp vào danh tửu của xứ Bắc Hà.
Để giữ bí quyết của nghề nấu rượu, ngay từ xa xưa, người dân Vân Hà đã có ý thức bảo vệ nghề truyền thống của mình. Trong gia đình, cha mẹ chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu. Tập tục này được tuân thủ nghiêm ngặt và trở thành một điều thề ước lâu đời ở làng Vân.
Chưa ai xác quyết rượu Làng Vân chính thức ra đời lúc nào. Chỉ biết loại rượu lừng danh này xuất hiện ít nhất cũng từ thời Triệu Quang Phục đánh giặc Lương vào thế kỷ VI. Tương truyền, khi vị tướng được người dân tôn vinh là Dạ Trạch Vương (vua Đầm Đêm) này đưa quân đến mai phục bên đầm Dạ Trạch, lúc qua một ruộng dưa, ông đã khao quân bằng dưa đỏ và rượu gạo Làng Vân. Ngày nay, hằng năm cứ đến ngày Rằm tháng Tư âm lịch, dân làng Vân vẫn mở hội đấu vật, ăn dưa và uống rượu để tưởng nhớ công đức người xưa.
Làng Vân nằm ngay bên sông Cầu, còn gọi là sông Như Nguyệt. Trên dòng sông lịch sử này, năm 1077, quân đội nhà Lý do danh tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy đã đánh bại 30 vạn quân xâm lược của nhà Bắc Tống (Trung Hoa) do Quách Quỳ chỉ huy. Câu đối ở cổng làng Vân Xá đã ghi dấu bản anh hùng ca gần nghìn năm trước với sản vật nức tiếng của thời nay: “Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc/ Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam”.
Phải chăng vì sự “sánh đôi” đó mà ngày nay người ta cho rằng rượu làng Vân phải nấu bằng nước sông Cầu mới ngon. Ngày trước vì thiếu gạo nên dân làng nấu rượu bằng sắn, gần đây mới khôi phục lại nghề nấu rượu bằng gạo nếp cái hoa vàng đặc biệt thơm ngon, hòa cùng men rượu bí truyền của làng Vân được chế biến từ 36 vị thuốc Bắc quý hiếm.
Tất cả được ngâm ủ đủ 72 giờ, với nghệ thuật nấu rượu tài tình, người làng Vân đã tạo ra một thứ nước trong vắt với hương vị êm dịu, lắng đọng đã chinh phục cả những vị khách khó tính nhất. Từ hàng chục thế kỷ qua, hương vị đặc biệt của rượu Làng Vân luôn được nhiều du khách chọn mua về làm quà khi lên vùng Kinh Bắc.
Ngày trước, rượu Làng Vân từng được tiến vua, thường xuyên được sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình. Theo bài viết “Đậm đà hương rượu làng Vân” đăng trên vanhoabacgiang.vn (Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang) ngày 5-12-2010, “Vân hương mỹ tửu” là 4 mỹ tự còn lưu truyền trong nhân dân, do vua Lê Hy Tông sắc phong cho sản vật lừng danh này vào năm Chính Hòa thứ hai mươi bốn (1703).
Gần đây, dưới thời vua Bảo Đại, “Vân hương mỹ tửu” đã vào tận triều đình để bá quan văn võ chiêu đãi các quan Tây. Các quan lại người Pháp bấy giờ mê rượu Làng Vân còn hơn cả champagne của mẫu quốc. Chính vì thế rượu Làng Vân đã được nhà nước bảo hộ cho phép nấu công khai với cái nhãn “ông tiên” đầu râu tóc bạc, da dẻ hồng hào, tay cầm gậy trúc, lưng đeo bầu rượu, lửng lơ đi giữa tầng mây. Ngày nay, rượu Làng Vân vẫn giữ vững được danh hiệu của mình và góp mặt trong làng mỹ tửu của Việt Nam.
ĐNCT