.

Ông già Khottabych

.

* Nhiều người, nhất là người miền Bắc, khi nói chuyện với nhau thường hay nhắc đến cụ Khốt hay lão Khốt. Xin cho hỏi, ông già này là ai? (Lê Ngọc Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Bìa cuốn “Ông già Khốttabít” do NXB Văn học tái bản năm 2012.
Bìa cuốn “Ông già Khốttabít” do NXB Văn học tái bản năm 2012.

- Cụ Khốt hay lão Khốt là cách gọi vắn tắt của ông già Khốt-ta-bít (Khottabych).

Khottabych (tiếng Nga: Гассан Абдуррахман ибн Хоттаб) là một nhân vật trong truyện cổ tích hiện đại viết cho thiếu nhi Ông già Khottabych (Старик Хоттабыч – Starik Khottabych trong tiếng Anh) của nhà văn Liên Xô Lazar Lagin (1903-1979), đã được dựng thành phim năm 1956 và năm 2006.

Lời giới thiệu “L. Laghin tuyển tập” (NXB Văn học nghệ thuật Mátxcơva, 1975) nhận xét về ông: “Sáng tác của L. Laghin đặc sắc và độc đáo. Trong các tác phẩm của ông, tính sắc sảo trào lộng kết hợp chặt chẽ với tính xác thực của vấn đề được miêu tả. Tính giả tưởng và tính hiện thực ở các tác phẩm của ông gắn bó hữu cơ với tính giản dị có sức thuyết phục và tính tự nhiên”.

Khottabych là một vị thần trong truyện cổ Nghìn lẻ một đêm, bị nhốt trong một cái bình gốm phủ rêu đã yểm bùa có khắc tên đức Allah hàng nghìn năm dưới đáy sông Moskva. Ông được Volka, một đội viên thiếu niên 12 tuổi mò lên và giải thoát. Tên đầy đủ của ông là Hassan Abdul-rahman ibn Khattab (Гассан Абдуррахман ибн Хоттаб), nhưng được chú bé Volka gọi vắn tắt là ông già Khốt-ta-bít. Ông là một vị thần (gin), con của Khottab (Хоттаб) hùng mạnh, đã cùng em trai là Omar Asaf Khottabych chống lại vua Solomon (Sulayman) con trai của David.

Khottabych được miêu tả là một người nhỏ bé, gầy, da đen (màu da của dân xứ Ba Tư), đặc biệt có bộ râu dài đến tận thắt lưng. Đầu đội khăn xếp truyền thống của xứ Ba Tư, mặc áo len dài màu trắng có thêu viền chỉ vàng bạc, quần lụa cũng màu trắng, đi giày da dê thuộc màu hồng với mũi giày vểnh lên. Do bị giam cầm lâu dưới đáy biển sâu lạnh nên bị mắc chứng viêm họng kinh niên, suốt ngày hắt xì.
Ông già Khottabych là câu chuyện kể vui nhộn về những cuộc phiêu lưu của một ông thần từ xứ sở cổ tích lạc vào cuộc sống của một thành phố hiện đại; về tình bạn giữa ông già Khốt-ta-bít với cậu bé Volka mà ông không thể làm vừa lòng bằng phép thuật của mình, bởi lẽ quan niệm của ông về cuộc sống và hạnh phúc (thời cổ tích) không có gì phù hợp với cách nhìn nhận của cậu bé (thời hiện đại) này.

Được mệnh danh là truyện Nghìn lẻ một đêm của văn học thiếu nhi Nga, “Ông già Khottabych” rất hài hước, hấp dẫn, được nhiều thế hệ bạn đọc Nga cũng như nước ngoài cực kỳ yêu thích, trong đó có cả Việt Nam. Xoay quanh các nhân vật chính là những mẩu chuyện ngộ nghĩnh, cảm động, đem lại những bài học hay về lối sống trung thực, về tình bạn, tình yêu thương gia đình và nhiều điều cần thiết để phát triển nhân cách cho bạn đọc trẻ tuổi, cũng như những bất ngờ thú vị cho cả người đọc trưởng thành.
“Ông già Khốt-ta-bít” được in nhiều lần ở Liên Xô trước đây và ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, đồng thời được dựng thành phim. Các từ “Cụ Khốt”, “Lão Khốt” quen thuộc ở nước ta bắt nguồn từ tác phẩm này.

Tác giả bản dịch tiếng Việt “Ông già Khốt-ta-bít” là nhà văn Trần Đăng Thái (1941-2011), bút danh Minh Đăng Khánh. Ông giỏi 5 thứ tiếng, dịch rất nhiều sách, nổi tiếng nhất là tác phẩm “Ông già Khốt-ta-bít” được NXB Măng Non (tiền thân của NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh) in năm 1984, NXB Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1985, NXB Cầu Vồng (Matxcơva) hợp tác với NXB Kim Đồng (Hà Nội) tái bản năm 1990, NXB Văn học tái bản năm 2012...

Từ bản dịch nổi tiếng này, nhà văn Trần Đăng Thái được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến “Ông già Khốt-ta-bít Việt Nam”. Trang facebook “Khốt Đăng Khánh” của ông lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười của những bạn trẻ khắp nơi.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.