* Tôi nghe nói khi con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng có phát một bản nhạc để gửi lời chào đến vũ trụ. Bản nhạc này của nhạc sĩ nào và vì sao nó được chọn? (Hà Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Trong 10 năm, Beethoven đã ấp ủ và viết lại nhiều lần để hoàn thành bản Giao hưởng số 9. (Nguồn: Internet) |
- Ngày 20-7-1969, tàu vũ trụ Apollo 11 của Hoa Kỳ đổ bộ lên Mặt Trăng và lần đầu tiên con người đặt chân lên bề mặt đến đây. Các nhà phi hành đã để lại trên đó một đĩa nhỏ ở một khu vực gọi là Sea of Tranquility (Biển Tĩnh lặng/ Biển Bình yên). Bên trong đĩa ghi lời chào mừng của lãnh đạo nước Mỹ và trên 70 quốc gia khác. Cùng với đó là bản Giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức Ludwig van Beethoven. Đây là thông điệp hòa bình và thân ái mà loài người trên Trái Đất gửi tới vũ trụ với ước mong con người ở các hành tinh khác cũng có thể thấu hiểu được tâm tư của mình, bởi âm nhạc là ngôn ngữ trừu tượng nhất, dễ cảm nhận nhất.
Giao hưởng số 9 (Symphony No. 9), tác phẩm cuối cùng của Beethoven (1770 – 1827), được chọn làm thông điệp hòa bình và thân ái mà loài người gửi vào vũ trụ bởi chương cuối Ode to Joy của bản giao hưởng lừng danh này được đánh giá là đỉnh cao của văn minh nhân loại. Bản Giao hưởng số 9 của Beethoven sáng tác năm 1824. Khi ấy, Beethoven đã bị điếc hoàn toàn. Điều đó càng làm cho nhân loại nghiêng mình thán phục trước một thiên tài âm nhạc vĩ đại.
Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ, Op. 125 bắt nguồn từ hai tác phẩm riêng biệt – một bản giao hưởng với chương kết có hợp xướng và một tác phẩm khí nhạc thuần túy giọng Rê thứ. Beethoven đã làm việc với chúng trong gần 10 năm trước khi quyết định kết hợp hai ý tưởng lại thành một bản giao hưởng với lời thơ An die Freude (Tụng ca niềm vui) của Schiller như là chương kết.
Bản Giao hưởng số 9 cung Rê thứ (được biết đến dưới nhiều tên gọi như Giao hưởng Niềm vui, Hướng tới Niềm vui, Tụng ca Niềm vui…) được Beethoven hoàn thành vào năm 1824 có sử dụng một phần nội dung bài thơ Ode an die Freude (nguyên văn tiếng Đức) của Friedrich Schiller làm lời ca cho những người đơn ca và đồng ca thể hiện trong chương cuối.
Ode an die Freude (tiếng Anh: Ode to Joy; tiếng Việt: Khải hoàn ca) là một bài ode (bài thơ ca ngợi) được Friedrich Schiller – nhà thơ, nhà viết kịch và nhà sử học người Đức – viết vào mùa hè năm 1785, được xuất bản cùng năm trong tạp chí của ông mang tên Thalia. Bài ode này được biết đến nhiều nhất với bản phổ nhạc của Ludwig van Beethoven trong chương thứ tư và cũng là chương cuối của bản Giao hưởng số 9 nói trên.
Nếu Giao hưởng số 9 là ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc cổ điển châu Âu thì Ode to Joy là viên ngọc của tác phẩm được xem là một trong những kiệt tác của Beethoven được soạn khi ông điếc hoàn toàn.
Năm 1989, khi bức tường Berlin ngăn cách giữa Đông Đức và Tây Đức bị phá dỡ, bản Giao hưởng số 9 trở thành bài ngợi ca giải phóng. Năm 2003, Ode to Joy được Liên minh châu Âu (EU) chọn phần phổ nhạc của Beethoven cho bài thơ này làm bài ca chính thức cho EU (không có phần lời bằng tiếng Đức, vì ngày càng có nhiều thứ tiếng được dùng trong EU). Trong nhiều sinh hoạt quốc tế, giai điệu Ode to Joy được tấu lên để khẳng định tinh thần bác ái và hiếu hòa của nhân loại. Ode to Joy (cùng với Giao hưởng số 5 cũng của Beethoven) được xếp vào Top 10 bản nhạc nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới).
Giao hưởng số 9 dài hơn một giờ trình tấu, là một hiện tượng âm nhạc của nhân loại, có thể tham khảo tại địa chỉ youtube.com/watch?v=t3217H8JppI. Ode to Joy, chương cuối của tác phẩm vĩ đại này có thể tham khảo tại youtube.com/watch?v=a23945btJYw.
ĐNCT