* Nhân nói chuyện ăn Tết, một ông bạn khuyên nếu ăn gà thì nên chọn gà ta, nhất là gà Ri, bởi dân gian có câu “Nuôi gà phải chọn giống gà/ Gà Ri giống bé nhưng mà đẻ sai”. Xin quý báo giới thiệu đôi nét về gà Ri. Trên thị trường hiện có những loại gà ta nào? (Phan Thị Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).
Gà Ri. Nguồn: Internet |
- Gà Ri (gà ta vàng) là giống gà địa phương đã có từ lâu, được nuôi phổ biến ở khắp mọi miền đất nước nhưng nhiều nhất là ở vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ và Trung Nam Bộ.
Phần lớn gà Ri có màu lông vàng rơm, chân vàng, đầu nhỏ, thanh, có mào đơn. Gà trống có lông màu đỏ tía, cánh và đuôi có lông đen, dáng chắc khỏe, ngực vuông, mào đứng. Gà mái có lông màu vàng rơm, vàng đất hoặc nâu nhạt, có đốm đen ở cổ, đuôi và đầu cánh.
Gà Ri có hai dòng: Gà Ri hoa mơ và Gà Ri vàng rơm. Gà Ri hoa mơ có mào cờ, màu da vàng, màu lông chủ yếu có màu hoa mơ. Gà Ri vàng rơm có 2 loại: Gà Ri vàng rơm sinh sản và gà Ri vàng rơm lấy thịt. Giống gà Ri vàng rơm của Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi (Viện Chăn nuôi Việt Nam) - một trong những sản phẩm đoạt giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ nhất năm 2012, đang phát triển rất mạnh tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nước ta.
Thịt gà Ri thơm, ngon, có màu trắng. Với ưu điểm này, gà Ri được sử dụng phổ biến để lai với các giống gà lông màu có năng suất cao hơn như gà Lương Phượng, gà Sasso, gà Kabir, gà Mía... tạo tổ hợp gà Ri lai phục vụ sản xuất chăn nuôi gà thương phẩm lấy thịt. Hiện gà Ri lai là một trong những đối tượng vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, được nuôi khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương...
Tết đến, gà Ri đặc sản luôn thắng lớn do nắm bắt được đúng thị hiếu của người tiêu dùng. Dân nuôi gà Ri thu được hàng vài trăm triệu đồng tiền lãi trong mùa Tết.
Gà ta là giống gà bản địa, ngoài gà Ri còn có nhiều giống khác nhau như: gà Tre (khá phổ biến tại khu vực miền Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ); gà Mía (gốc Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Tây nay thuộc xã Sơn Tây, Hà Tây, Hà Nội), gà Đông Tảo (gốc làng Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên); gà Hồ (gốc làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); gà Lạc Thủy (gốc huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình); gà H’Mông (còn gọi là gà Mèo, có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc, được dân tộc H’Mông nuôi thả quảng canh); gà đồi Yên Thế (gốc vùng Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang)...
Có loại gà ban đầu nhập ngoại là gà Tàu vàng có nguồn gốc lâu đời từ Trung Quốc, được nuôi dưỡng thuần hóa và lai tạo để sống chủ yếu ở phía Nam nước ta, nay hoàn toàn là giống gà bản địa của Việt Nam với tên gọi là gà Ta vàng.
Cũng có loại gà mang tên từ truyền thuyết như gà chín cựa hay gà nhiều cựa. Loại gà này được nuôi xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn và vùng Thanh Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Gà chín cựa cùng với voi chín ngà và ngựa chín hồng mao được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh như là một sính lễ mà vua Hùng “thách cưới” cho những ai muốn cầu hôn con gái ngài là nàng Mỵ Nương.
Ở vùng Quảng Nam cũng có một số gà ta đặc sản, trong đó nổi tiếng có gà Đèo Le, được nuôi ở chân con đèo cùng tên, thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
ĐNCT