Bến Dược hay Bến Vượt?

.

* Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, có người cho rằng tên gọi đúng phải là Bến Vượt. Xin quý báo cho biết ý kiến về hai cách gọi này. (Ngô Văn Tâm, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Tam quan đền Bến Dược. Nguồn: Internet
Tam quan đền Bến Dược. Nguồn: Internet

- Bến vượt là tên gọi chung chỉ một địa điểm ở bên này sông có thể vượt qua bên kia sông. Như phía bờ nam sông Thạch Hãn, quãng gần Thành cổ Quảng Trị, có một khúc sông nước cạn, ngày trước bộ đội thường chọn nơi này để vượt sông, lâu ngày có tên là “Bến Vượt”.

Có lẽ tương tự như thế, địa điểm vượt sông Sài Gòn ở địa phận huyện Củ Chi cũng có tên là “Bến Vượt”, như phần giới thiệu về Địa đạo Củ Chi đăng trên trang yesvietnam.vn (Thông tin du lịch Việt Nam) như sau:

“Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi gồm có hệ thống địa đạo (Bến Dược, Bến Đình), đền Bến Dược, khu quản trị, khu dịch vụ, khu vực tái hiện vùng giải phóng và vành đai diệt quân Mỹ, khu du lịch sinh thái – giải trí ven sông Sài Gòn.

Đền Bến Dược trước đây, nơi đây là địa điểm vượt qua sông Sài Gòn để đi qua các tỉnh Đông Nam Bộ khác. Nhưng do người ở đây là người Nam Bộ nên từ “Bến Vượt” đã bị nói trại đi thành “Bến Dược”.
Tuy nhiên, bài viết “Địa danh Bến Dược có từ bao giờ?” của tác giả Diệp Hồng Phương đăng trên trang nhavantphcm.com.vn (Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh) ngày 26-12-2015 lại cho một ý khác.

Theo bài báo đã dẫn, năm 1997, ông Nguyễn Ba (thiếu tá nghỉ hưu) sau khi đọc đoạn “Bến Dược đúng ra là Bến Vượt do cách phát âm dân Nam bộ mà ra Bến Dược. Chữ Vượt ý nói thời đánh Mỹ, bộ đội tập kết ở đây để vượt qua cửa tử là sông Sài Gòn…” trong bài báo “Cần trả lại đúng tên cho Bến Vượt”, ông cười mà rằng: “Vượt sông mà tụ tập cả đám cho máy bay Mỹ bỏ bom, tàu tuần nó bắn chết ráo trọi sao?”.

Sau đó ông Nguyễn Ba nghĩ lại rồi giật mình lo ngại bài báo có thể làm người ta hiểu sai địa danh quê ông. Ông làm đơn và cầm tờ báo đến tòa soạn báo đăng bài này “xin đính chính” và nói lại cho đúng tên của quê ông là Bến Dược. Ông dẫn gia phả của ba họ Phan, Cao, Nguyễn là những họ tiền hiền khai khẩn đất này, xác định tên của nó là Bến Dược.

Tác giả Diệp Hồng Phương dẫn lời một người dân địa phương là ông Tám Điệp, cho biết tên Bến Dược có từ 200 năm trước. Thời Pháp đã có đò Bến Dược đưa khách bên này qua bên kia sông. Bến Dược ban đầu là tên bến ghe xuồng, về sau là tên của một vùng đất. Ông Tám Điệp nói cha mình và nhiều người lớn tuổi từng kể lại hồi xưa ở đây là vùng rừng rậm hoang vu, chỉ có người Miên cư ngụ, có sóc Miên, có cái bàu chứa nước mưa gọi là Bàu Mên (gọi trại chữ Miên). Dân Hóc Môn, Lái Thiêu theo sông Sài Gòn lên Trảng Bàng bẻ cây lá thuốc Nam thường ghé lại bến sông này. Lúc dân cư đông dần, ở đây là nơi sơ chế dược liệu và có một xóm nhà gọi là xóm Dược chuyên sơ chế cây thuốc. Vị trí Xóm Dược ngày nay bên tỉnh lộ 15, gần ngã ba Dược.

Ngày xưa, ở khu vực ngã ba Dược có một sóc người Miên tên là sóc Dược vì cạnh sóc Miên có ba cây cao to gọi là cây Dược. Dân Miên lấy nhựa cây trét ghe xuồng nên người Việt gọi là cây chai dược. Cả ba cây đều có thân lên thẳng và tròn hai người dang tay nối nhau ôm không hết. Cây mọc suôn sẻ, trên cao chót vót là tán lá hình cây dù xòe ra. Ở Phú Hòa Đông, Bời Lời, Bến Củi đều thấy rõ tán cây. Đây cũng là điểm dừng lại nghỉ ngơi của ghe xuồng các tỉnh miền Đông ngược xuôi trên sông Sài Gòn. Bến ghe xuồng đó là bến Dược.

Tác giả kết luận: Tên Bến Dược được giải thích với nhiều chuyện kể gọi là “truyền thuyết”, sản sinh từ cuộc sống của cha ông thời khai hoang, khẩn đất 200 năm trước. Về mặt hành chính, địa danh Bến Dược được người Pháp chính thức ghi vào bản đồ địa chính hai làng Mỹ Hưng và Phú Thạnh với tên Bến Duộc.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.