* Chuyên mục Chuyện xưa xứ Quảng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 24-6 vừa rồi có nói về trái lòn bon được vua Minh Mạng cho khắc trên Nhân đỉnh trong Cửu đỉnh đặt ở Thế miếu, Huế. Xin cho hỏi, về hoa thì nhà vua đã chọn các loài hoa nào để “vinh danh” trên Cửu đỉnh? (Hoàng Thị Mai, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Vua Minh Mạng chọn 9 loài hoa, theo thứ tự được khắc trên các đỉnh gồm: hoa tử vi, hoa sen, hoa nhài, hoa hồng, hoa hải đường, hoa hướng dương, hoa sói, hoa dâm bụt, hoa ngọc lan.
Bài “Vua Minh Mạng chọn hoa cho Cửu đỉnh” đăng trong sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế” (NXB Thi Thức, 2011) của Dương Phước Thu giới thiệu về 9 loài hoa này như sau:
Hoa tử vi khắc ở Cao đỉnh, là loài hoa được vua quý nhất, vừa có hoa, có hương, lại là vị thuốc, được coi là “kỳ hoa dị thảo”. Hoa có mùi thơm dịu, phảng phất, nhẹ nhàng, thường nở vào mùa thu. Hoa tươi lâu, nên ngày xưa vua chúa Trung Quốc, Việt Nam rất ưa thích loại hoa này, cho trồng nhiều ở các tiền sảnh trong cung cấm.
Hoa sen khắc ở Nhân đỉnh, còn gọi Thủy chi hoa, Tịnh khách hoa, Lục nguyệt xuân... Từ cổ xưa hoa sen đã được người Việt chọn làm biểu trưng cho sự tinh khiết, cao quý, thể hiện khí tiết của bậc quân tử (liên hoa chi quân tử). Hình ảnh hoa sen được chạm khắc trên nhiều công trình xây dựng, đình, chùa... được vẽ trên những bức tranh, được ca ngợi trong những áng thơ văn tuyệt tác...
Hoa nhài, hoa lài (Mạt lỵ hoa) khắc ở Chương đỉnh. Loài hoa này có nguồn gốc ở Ấn Độ, được trồng ở nhiều nơi của châu Á để làm cảnh, buổi sớm lấy hoa ướp trà và làm thuốc. Hoa nở màu trắng, thơm ngát, có loại đơn, có loại kép. Vì mùi thơm đậm của hoa (nhất là lúc đêm khuya) nên một số văn nhân thi sĩ ví loài hoa này với kỹ nữ. Hoa nhài còn được xem là biểu trưng cho sự thanh lịch, tao nhã.
Hoa hồng (Mai khôi hoa) là hình ảnh thứ nhất trong 17 hình ảnh được khắc ở Anh đỉnh. Hoa Hồng có dáng đẹp mỹ miều, hương thơm dịu, được người phương Đông quý chuộng vì nó là biểu tượng của sự hoàn mỹ, thanh cao, sự thành đạt, vinh hiển, quyền quý. Đây là hoa của tình yêu, là tiếng nói của con tim.
Hoa hải đường khắc ở Nghị đỉnh, là một loài hoa có dáng đẹp, sang trọng và quý phái. Cánh hoa cân đối, cứng cáp, màu đỏ hồng tươi thắm. lòng hoa có nhị, cánh hoa lớn mà dày. Hoa hải đường nở từ cuối Đông đến cuối Xuân, cương quyết đứng vững trước những cơn gió rét để dâng tặng cho đời nét đẹp hài hòa, tươi thắm và đầy cương nghị của mình.
Hoa hướng dương (Quỳ hoa) khắc ở Thuần đỉnh, còn gọi là Nghinh dương hoa, Thái dương hoa, hoa Mặt trời... Hoa hướng dương có nguồn gốc ở Trung Mỹ, được trồng nhiều ở châu Âu vào thế kỷ XVI để lấy hạt làm dầu. Hoa đóa lớn, sang trọng. Hạt ăn được như hạt dưa. Có thể dùng làm thuốc trị ngộ độc nhẹ, chữa cao huyết áp, chóng mặt, đau răng, viêm khớp, rất tốt cho tim mạch.
Hoa sói, hoa hòe (Trân châu hoa) được khắc ở Tuyên đỉnh. Còn gọi là Kim tác lan. Trân châu hoa mọc thành từng bụi, hình hoa giống như ống chân gà, sắc trắng mà thơm. Là loại hoa quý, người Việt nhiều nơi trồng để làm cảnh. Hoa sói là hoa kép (gié) ở ngọn, màu xanh hay vàng xanh. Do trái cây sói có hình tròn, nhỏ, màu đẹp như hạt ngọc nên người xưa gọi là Trân châu. Hoa trân châu có thể làm thuốc trị bệnh suy huyết ở trên đầu và mặt, nhức buốt không ngủ...
Hoa dâm bụt (Thuấn hoa) khắc ở Dụ đỉnh. Còn gọi là Bông bụt, Bông cẩn, Bông bụp, Triêu khai mộ lạc hoa (hoa sáng nở, chiều rụng), Mộc cẩn hoa. Được trồng làm cảnh, làm hàng rào ở nông thôn, hoa dâm bụt to, có năm cánh, màu hồng, đỏ, đỏ thẫm, hồng nhạt... tươi thắm, rực rỡ, thanh tú. Bông, lá, rễ hoa dâm bụt có nhiều dược tính quý như trị viêm da đầu, chữa mụt nhọt đang mưng mủ, chữa cầm máu, kích thích lưu thông máu, lợi tiểu...
Hoa ngọc lan (Ngũ diệp lan) khắc ở Huyền đỉnh. Ngọc lan cây gỗ thân cao to. Trồng 3 năm thì ra hoa. Hoa ngọc lan màu trắng, hương thơm ngát khắp một vùng, thường nở vào mùa hè. Do dáng hoa đẹp, thanh nhã, trắng tinh khiết nên ngọc lan thường được trồng làm cảnh trong vườn để thưởng thức hương hoa. Ngày nay ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định... ngọc lan được trồng rất nhiều trong khuôn viên đình chùa, công sở... Hoa ngọc lan còn được dùng để bày tỏ lòng thành kính sâu xa khi dâng cúng lên Trời Phật, tổ tiên...
ĐNCT