Cách gọi thời gian theo sách cũ

.

* Trong sớ văn, gia phả, bi ký... thường có những cụm từ ghi thời gian theo chữ Hán, ví dụ như: “Canh Tý niên, quế nguyệt trung hoán”. Trong đó có một số từ không thông dụng. Xin quý báo giải thích giùm. (Nguyenhonghanh@...)

Tết Trung thu rơi vào giữa tháng tám âm lịch, gọi là tháng Trọng thu hay tháng Quế nguyệt. Nguồn: Internet
Tết Trung thu rơi vào giữa tháng tám âm lịch, gọi là tháng Trọng thu hay tháng Quế nguyệt. Nguồn: Internet

- Trong câu trích dẫn ở trên, “Canh Tý niên” là dễ hiểu, nghĩa là năm Canh Tý. Tuy nhiên, “quế nguyệt” và “trung hoán” là những chữ dùng không phổ biến, không phải ai cũng biết.

Quế nguyệt (桂月) là cách gọi khác chỉ tháng tám âm lịch.

Trung hoán (中浣) còn gọi là trung tuần, chỉ quãng thời gian từ 11 đến 20 âm lịch hằng tháng. Người xưa chia mỗi tháng ra làm 3 tuần (không phải tuần lễ trong dương lịch), gồm: thượng tuần (từ mồng 1 đến 10) gọi là thượng hoán; trung tuần (từ 11 đến 20) gọi là trung hoán; hạ tuần (từ 21 đến 30) gọi là hạ hoán.

“Canh Tý niên, quế nguyệt trung hoán” nghĩa là: trung tuần tháng Tám năm Canh Tý.

Trong âm lịch, mỗi tháng có nhiều cách gọi.

Tháng Giêng: Chính nguyệt; Mạnh xuân; Sơ xuân; Khai tuế; Phương tuế; Đoan nguyệt; Chinh nguyệt.

Tháng hai: Trọng xuân; Hạnh nguyệt; Lệ nguyệt; Hoa triêu; Trung xuân; Hoa nguyệt; Lịnh nguyệt.

Tháng ba: Quý xuân; Mộ xuân; Đào nguyệt; Tàm nguyệt; Đào lãng; Mạt xuân; Vãn xuân.

Tháng tư: Mạnh hạ; Hòe nguyệt; Mạch nguyệt; Mạch thu; Thanh hòa nguyệt; Mai nguyệt; Chu minh.

Tháng năm: Trọng hạ; Lựu nguyệt; Bồ nguyệt; Trung hạ; Thiên trung.

Tháng sáu: Quý hạ; Mộ hạ; Hà nguyệt; Thử nguyệt; Nhục thử; Ưu nguyệt.

Tháng bảy: Mạnh thu; Qua nguyệt; Lương nguyệt; Lan nguyệt; Lan thu; Thủ thu; Xảo nguyệt.

Tháng tám:    Trọng thu; Trung thu; Quế nguyệt; Sảng nguyệt; Quế thu.

Tháng chín:    Quý thu; Mộ thu; Cúc nguyệt; Vịnh nguyệt; Cúc thu; Huyền nguyệt; Thanh nữ nguyệt.

Tháng mười: Mạnh đông; Sơ đông; Lương nguyệt; Khai đông; Cát nguyệt; Thượng đông:

Tháng mười một: Trọng đông; Sướng nguyệt; Trung đông; Tuyết nguyệt; Hàn nguyệt; Long tiềm nguyệt.

Tháng chạp: Quý đông; Tàn đông; Lạp nguyệt; Băng nguyệt; Mộ đông

Để phân chia thời gian mỗi tháng trong một mùa, người xưa dùng các từ Mạnh (đầu tháng), Trọng (giữa tháng) và Quý (cuối tháng). Ví dụ: Mạnh xuân nghĩa là đầu xuân; Trọng hạ là giữa mùa hạ; Quý đông là cuối đông. Nhiều người đặt tên cho con cũng áp dụng theo cách gọi này. Ví dụ: Nguyễn Mạnh Tường (người con đầu tên Tường, họ Nguyễn)...

Về các mùa, mùa xuân chia làm: Sơ xuân; Tảo xuân; Dương xuân; Phương xuân; Mộ xuân. Mùa hạ chia làm: Sơ hạ; Trung hạ; Hạ mộ; Cửu hạ; Thịnh hạ. Mùa thu chia làm: Sơ thu; Kim thu; Tam thu; Mộ thu; Trung thu. Mùa đông chia làm: Sơ đông; Hàn đông; Cửu đông; Mộ đông; Trung đông.

Một số ngày đặc biệt trong năm cũng được gọi theo cách riêng. Mồng một tháng Giêng: Nguyên đán; Đoan nhật. Mồng bảy tháng Giêng: Nhân nhật. Rằm tháng Giêng: Thượng nguyên; Nguyên tiêu nhật. Rằm tháng bảy: Trung nguyên (người miền Nam gọi là Trung ngươn).

Rằm tháng mười: Hạ nguyên. Mồng ba tháng ba: Trùng tam. Mồng tám tháng tư: Dục phí. Mồng năm tháng năm: Đoan ngọ; Trùng dương; Đoan dương. Mồng bảy tháng bảy: Thất tịch. Rằm tháng tám: Trung thu.

Mồng chín tháng chín: Trùng cửu; Trùng dương. Mồng tám tháng chạp: Lạp bát. Ba mươi tháng Chạp: Trừ tịch. Mồng một hằng tháng: Sóc nhật; rằm hằng tháng: Vọng nhật; ba mươi hằng tháng: Hối nhật.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.