Các đồ ăn, thức uống giã thuốc

.

* Tôi nghe nói khi đang uống thuốc thì không được ăn bưởi, đậu xanh, vì các loại này làm cho thuốc mất tác dụng chữa bệnh? Chuyện này thực hư thế nào? (Nguyễn Mỹ Vân, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

Bưởi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nhưng không nên ăn, uống nước ép bưởi khi đang dùng thuốc chữa bệnh. Ảnh: V.T.L
Bưởi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nhưng không nên ăn, uống nước ép bưởi khi đang dùng thuốc chữa bệnh. Ảnh: V.T.L

- Rất nhiều tài liệu khuyến cáo khi đang dùng thuốc chữa bệnh thì không được ăn bưởi hay uống nước ép bưởi. Ví dụ như bài viết “Chớ nên uống nước bưởi khi dùng thuốc” đăng trên Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) ngày 22-2-2019 của DS Nguyễn Bá Huy Cường (Khoa Dược - Đại học Murdoch, Úc).

Bài báo cho hay, gần 20 năm nay, các bác sĩ và dược sĩ đã đếm được có trên 50 loại thuốc được kê toa và không cần kê toa bị ảnh hưởng bởi dịch ép bưởi. Những nghiên cứu về sự tương tác giữa nước bưởi và dược phẩm đã đặt giả thuyết rằng, những hợp chất có trong nước bưởi có tên gọi là furanocoumarins chịu trách nhiệm chính trong việc tương tác với dược phẩm.

Sự tương tác giữa nước ép bưởi và các loại dược phẩm được khám phá một cách rất tình cờ cách đây vài thập kỷ. Lúc đó, một loại thuốc trị cao huyết áp là felodipine đã nổi đình nổi đám và là “cứu tinh” của không biết bao nhiêu bệnh nhân cao huyết áp. Các nhà bào chế ra dược phẩm này trong lúc nghiên cứu đã xem rượu hoặc các chất cồn (alcohol) có tác động gì trên loại thuốc này hay không.

Nhóm nghiên cứu người Canada đã dùng một dung dịch chứa cồn, bỏ thêm một ít nước ép bưởi nhằm che bớt mùi vị khó ưa của alcohol. Bỗng nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy nồng độ của felodipine trong máu tăng gấp nhiều lần so với những lần nghiên cứu trước đó. Sự gia tăng nồng độ của felodipine trong máu có thể làm tăng tác động và các tác dụng phụ của loại thuốc này. Những nghiên cứu sâu hơn nữa cho thấy rằng, chính nước ép bưởi làm tăng nồng độ trong máu của các loại thuốc được nghiên cứu.

Chỉ cần một ly nước bưởi chừng 200ml là đủ để có thể “sinh sự” với thuốc. Tác động này có thể kéo dài tới 24 giờ. Không giống như những dạng tương tác thuốc khác vốn có thể tránh được bằng cách sử dụng 2 tác nhân gây ra sự tương tác thuốc cách nhau vài giờ. Đối với nước bưởi này, khoảng cách thời gian từ khi uống nước bưởi cho đến khi sử dụng các loại dược phẩm (vốn có sự tương tác với nước bưởi) phải trên 24 giờ.

DS Nguyễn Bá Huy Cường kết luận: Tốt nhất là uống thuốc với nước lọc.

Về tác dụng giã thuốc của đậu xanh, các tài liệu cho rằng những ai dùng thuốc Tây y thì không phải kiêng cữ, riêng dùng thuốc Đông y thì tuyệt đối không nên dùng.

Báo VnExpress ngày 22-8-2002, dẫn lời BS Lê Quang Hồng trong bài “Cháo đỗ xanh có giã thuốc không?” cho rằng, “Để dùng thuốc Đông y có hiệu quả, ngoài yêu cầu chuẩn xác trong việc định bệnh, chỉ định thuốc, kỹ thuật bào chế, sao tẩm... thì kiêng kỵ khi dùng thuốc cũng rất quan trọng. Các lương y khuyên khi dùng thuốc nên kiêng thịt gà, thịt cá chép, ba ba và tuyệt đối không được ăn đậu xanh, đậu đen, rau muống vì cho rằng những thực phẩm này sẽ làm mất tác dụng của thuốc. Trong điều trị Tây y không có những kiêng kỵ này. Nếu bạn đang điều trị bằng Tây y thì có thể tiếp tục ăn cháo đỗ xanh thoải mái”.

Báo Lao động ngày 24-6-2017 đưa ra tín hiệu cảnh báo qua bài “Mang họa vào người khi ăn đậu xanh không đúng cách”. Theo đó, đậu xanh có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe, nhưng ăn đậu xanh không đúng cách có thể gây những tác dụng phụ khôn lường. Ăn đậu xanh khi uống thuốc Đông y sẽ hóa giải toàn bộ thảo mộc có trong thuốc. Vì vậy, khi uống thuốc không nên ăn đậu xanh, để tránh thuốc mất tác dụng.

ĐNCT

 

;
;
.
.
.
.
.