* Sau khi nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời (ngày 19-9-2020 tại Hà Nội), một số anh em văn nghệ sĩ Đà Nẵng chuyện trò lúc trà dư tửu hậu, người cho rằng nhạc sĩ của Hồ trên núi này là một trong “Bộ tứ sông Hồng”, người cho rằng đó là một trong “Tứ quái sông Hồng”. Xin cho biết 4 người đó là ai và cách gọi nào đúng? (Trần Khánh, quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Bức ảnh khởi nguồn cho cái tên “Tứ quái sông Hồng” xuất hiện trong làng nhạc Việt (từ phải qua: Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường và Phó Đức Phương). Nguồn: Internet |
- “Tứ quái sông Hồng”, theo nhạc sĩ Trần Tiến được Báo Dân Việt (danviet.vn) ngày 22-9-2016 dẫn lời trong bài Bất ngờ về “Tứ quái sông Hồng” qua lời kể của NS Trần Tiến, bắt nguồn từ một lần ông cùng ba người bạn thân là các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Dương Thụ, Phó Đức Phương hẹn nhau giao lưu ở Hà Nội. Tình cờ, một người bạn khác là nhà văn, nhà báo Nguyễn Thụy Kha đã đề nghị cả 4 ông cùng đứng lại trước cửa quán để chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm. Không lâu sau, bức ảnh đó được Nguyễn Thụy Kha đăng kèm bài báo và ông cao hứng gọi 4 nhạc sĩ này là nhóm “tứ quái”.
Nhà văn Nguyễn Thụy Kha còn đặt cho 4 thành viên trong nhóm những biệt danh rất “kêu” như Phương “gàn”, Cường “cuồng nhiệt”, Tiến “bụi” và Thụ “giáo sư”. Nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, khi đó cả 4 nhạc sĩ đều rất bất ngờ trước cái tên “Tứ quái sông Hồng” nhưng cũng vui vẻ chấp nhận biệt danh mà nhà văn Nguyễn Thụy Kha đặt cho. Sau này, nhiều người còn gọi lái sang là “Bộ tứ sông Hồng” bởi cả 4 người nhạc sĩ này đều có những sáng tác rất hay, lấy cảm hứng và chất liệu dân gian đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Tuy nhiên, bài viết Câu chuyện của Bộ tứ sông Hồng đăng trên Báo Thanh Niên ngày 2-6-2018 có chút khác biệt. Theo đó, nhạc sĩ Dương Thụ kể, một lần, ông và 3 nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương đi chơi ở Hồ Tây (Hà Nội), một người nhiếp ảnh dạo đã nhanh tay chụp ảnh cho 4 ông để lấy tiền. Sau này, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha dùng bức ảnh được chụp một cách tình cờ ấy đưa vào bài viết âm nhạc về 4 nhạc sĩ đăng trên báo và gọi họ là “Tứ quái sông Hồng”. Vậy là họ vô tình gắn kết với nhau cùng cái tên được nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đặt cho.
Dương Thụ theo học khoa Văn và Phó Đức Phương theo học khoa Toán - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, năm 1965, Phó Đức Phương vào nông trường làm công nhân chăn nuôi. Một năm sau, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Cũng trong năm đó, ông nổi tiếng với ca khúc Những cô gái quan họ sáng tác giữa lúc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.
Đến năm 1972, khi Phó Đức Phương đã tốt nghiệp, Dương Thụ mới thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm ấy, Trần Tiến đi bộ đội bị sốt rét ác tính trở ra Bắc rồi thi vào trường này cùng với Nguyễn Cường và cả hai cùng đỗ khoa sáng tác. Rời trường âm nhạc, mỗi người đi theo những hướng khác nhau. Con đường và phong cách âm nhạc của mỗi người cũng mỗi khác.
Theo nhận định của tác giả bài đã dẫn trên Báo Thanh Niên, nhạc sĩ Phó Đức Phương là người nổi tiếng sớm nhất “bộ tứ”. Vừa ra trường, ông đã là nhạc sĩ đắt đơn đặt hàng ở các đoàn kịch, ca múa nhạc nổi tiếng. Chất âm nhạc dân tộc, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ thấm vào trong những ca khúc của Phó Đức Phương cho thấy tâm hồn vừa hào sảng, vừa dung dị với tình quê, tình đất.
ĐNCT