Bút danh và bia mộ nhà thơ trào phúng Tú Xương

.

* Có bao nhiêu bút danh bắt đầu bằng từ “Tú”, mô phỏng theo bút danh Tú Xương của nhà thơ trào lộng Trần Tế Xương? (Nguyễn Trần Văn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

* Tôi nghe nói khi Trần Tế Xương mất, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến có viếng một câu đối được người sau cho khắc lên mặt sau tấm bia ở mộ nhà thơ. Xin cho biết nội dung câu đối này. (Trương Ngọc Quang, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Mộ Trần Tế Xương ở vườn hoa Hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định. Ảnh: V.T.L
Mộ Trần Tế Xương ở vườn hoa Hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định. Ảnh: V.T.L

- Tú Xương ban đầu là cách gọi tắt “Tú tài Trần Tế Xương”. Về sau, “Tú Xương” được dùng như một bút danh.

Trần Tế Xương (1870 - 1907) chào đời tại số nhà 247 phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định). Tiểu sử cho thấy ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn người họ Phạm. Tổ tiên ông do lập công lớn vào đời nhà Trần nên được phong quốc tính - tức là được vua cho đổi theo họ nhà vua, ở đây là họ Trần.

Theo bài viết Trần Tế Xương, “bậc thần thơ thánh chữ” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 23-12-2012, Tú Xương được xem là hiện tượng hiếm trong lịch sử tác gia Việt Nam, là người tạo ra “môn phái” thơ ca riêng với nhiều “môn đệ” hậu sinh. Chữ Xương trong tên ông có nghĩa là “thịnh vượng” (còn có nghĩa là đẹp, thẳng); nhưng những người chuyên làm thơ trào phúng về sau đã cố tình “xuyên tạc” một cách đáng yêu, cho đó có nghĩa là xương thịt. Từ đó, họ tự nguyện suy tôn Tú Xương (thịt) lên bậc tổ sư một “môn phái” quy tụ những môn đệ “ăn theo” học vị khoa bảng như: Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu); Tú Sụn (Phùng Văn Thịnh), Tú Thịt (Lê Văn Chính),...

Ngoài ra, còn có một số bút danh khác không theo “trường phái xương thịt” như: Tú Cận (Vũ Văn Hân), Tú Đạp (Phạm Hậu), Tú Hói (Nguyễn Xuân Thiều), Tú Kếu (Trần Đức Uyển), Tú Quỳ (Huỳnh Quỳ), Tú Xe (Phạm Văn Tươi),…

Khi Tú Xương mất ở tuổi 37, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến có viếng câu đối, được người đời sau chép lại và cho khắc lên mặt sau tấm bia ở mộ ông: “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”. Tuy nhiên, một số văn nghệ sĩ tỏ ý lăn tăn về từ "ngàn" trong vế thứ hai câu đối này, như tác giả Trần Đức Tiến trong bài Về mấy câu thơ trên bia mộ cụ Tú Xương đăng trên Văn nghệ Công an Xuân 2011.

Theo đó, giữa hai từ đồng nghĩa “nghìn” và “ngàn” thì người miền Nam hay nói “ngàn”. Dân vùng Nam Định - Hà Nam (có thể cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ) ít khi nói “ngàn” mà quen nói “nghìn”. Nghìn năm, nghìn thu, trăm nghìn vạn mớ… Cụ Nguyễn Khuyến người Hà Nam, chữ nghĩa cụ dùng luôn tự nhiên, hồn nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân quê cụ. Nếu đúng hai câu trên là của cụ, chắc cụ chả dại gì viết “ngàn”. Theo tác giả, nên thay “ngàn” bằng “nghìn”.

Sau phản ánh của văn nghệ sĩ, Báo Hànộimới cho biết, chiều 27-4-2011, ông Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, đã yêu cầu UBND thành phố Nam Định chỉ đạo các phòng và đơn vị liên quan cho sửa ngay mấy từ chưa chuẩn trong câu đối khắc trên bia mộ nhà thơ Trần Tế Xương nằm bên hồ thuộc công viên Vị Xuyên.

Theo một số tài liệu, mộ cụ Trần Tế Xương được xây bên hồ Vị Xuyên vào cuối năm 1977, do Công ty Xây lắp công nghiệp tỉnh Hà Nam Ninh tài trợ. Kiến trúc ngôi mộ do họa sĩ Vũ Dũng, Ty Văn hóa Hà Nam Ninh (cũ) vẽ kiểu và trực tiếp giám sát việc tạc bia và đài hương. Bia là một tấm đá đặt nằm nghiêng trên mặt mộ, khắc tên nhà thơ.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích