.

Người của cuộc sống

.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ở bất cứ cương vị công tác nào, Hồ Nghinh luôn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, luôn sống trong sáng giản dị, gần gũi, rất mực thương yêu đồng chí, đồng đội, thương yêu con người nên luôn được mọi người tin yêu và kính trọng. Cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi của ông có biết bao nhiêu điều để nói, để học. Một điều muốn nói ở đây, ông là con người luôn trăn trở suy nghĩ về cuộc sống và bằng giá nào cũng phải bám sát thực tiễn để lãnh đạo và chỉ đạo.

Hai ông bà Hồ Nghinh. (Ảnh tư liệu)
Hai ông bà Hồ Nghinh. (Ảnh tư liệu)

Bắt đầu tham gia cách mạng, là một công dân, một cán bộ tình nghĩa với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, Hồ Nghinh lập nên ngôi trường làng để dạy con em trong làng chưa có điều kiện ra khỏi làng để tìm thầy học kiếm cái chữ, cái lẽ sống ở đời. Đến cuối cuộc đời, sau bao chiêm nghiệm, theo ý ông, con cháu làm nhà thờ tộc Hồ tại quê nhà. Khi qua đời, ông lại về quê an nghỉ với ông bà. Trọn nghĩa trọn tình với vợ, với con, với gia đình tộc họ, với quê nhà.

Theo xu thế trên thế giới, Việt Nam sẽ không tránh khỏi sự già hóa dân số trong tương lai. Mối quan tâm giữa con người với con người ngày càng rạn vỡ. Những mặt trái của xã hội cùng với những kỹ thuật tân thời như Internet, điện thoại di động… tạo nên những không gian ảo, biệt lập mà người ta không cần có quan hệ trực tiếp mặt đối mặt để nhìn nhau, trao cho nhau một nụ cười. Hiện tại, ở Việt Nam, gia đình đang giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế, có nhiệm vụ và khả năng giữ gìn nếp sống văn hóa, phát huy giá trị những truyền thống tốt đẹp của cha ông, mà còn là chỗ dựa cho con trẻ và cho người già.

Tình cảm, suy nghĩ và cách đối nhân xử thế của ông đóng vai trò vô cùng quan trọng để có một gia đình trong ấm, ngoài êm. Ta có được những chính sách thích hợp, xây dựng ngày một nhiều những gia đình có nếp sống có văn hóa, những gia đình hạnh phúc, sẽ góp phần vô cùng quan trọng giúp cho xã hội có cuộc sống hài hòa và bình an.

Thương yêu và trọng dụng cán bộ

Vốn là con nhà thuộc thành phần địa chủ, phú nông, lại là một trí thức, Hồ Nghinh tự nguyện dấn thân theo cuộc cách mạng để giải phóng áp bức, bóc lột, tức là ông phải vượt qua chính mình để có thể gia nhập và đứng vững trong hàng ngũ của những người cộng sản chân chính. Ông xung phong trụ lại để cùng nhân dân đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve, kẻ thù xé Hiệp định, ông lại vượt qua vĩ tuyến 17. Rồi ông rời miền Bắc trở lại miền Nam sau khi có Nghị quyết 15. Khi Mỹ-Diệm ra luật số 10-59, với chính sách “tố cộng”, đưa cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.

 Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà, Hồ Nghinh luôn bám sát dân, sát trận địa để làm gương, để sâu sát thực tế mà chỉ huy, chỉ đạo đúng đắn. Ông vào sát các khu dồn ở Duy Hòa, ở Hiệp Đức, mời cơ sở ra gặp, nói chuyện để hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân bị nhốt trong khu dồn. Rồi ông lại xuống tận Duy Ninh, làng dân cách đồn giặc ở đầu cầu Bà Rén chừng 700 mét để làm việc với cơ sở từ Đà Nẵng vào, không phải qua báo cáo mà để nghe tiếng nói trực tiếp từ người Đà Nẵng.

 Gò Nổi là vùng đất bao quanh sông nước, cách căn cứ quân sự Mỹ và tay sai chừng 40 cây số, đất không dân, từ năm 1969 bị địch cày trắng, thả cả B.52, Hồ Nghinh quyết trụ ở đây, buộc cán bộ phải rời núi xuống đồng bằng, bám vào vùng tranh chấp để vận động quần chúng, để kéo dân về sản xuất, làm chỗ dựa cho du kích đánh địch.

Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, ông xin vào tận nội thành Đà Nẵng để chỉ đạo nổi dậy và ông đã được cơ sở tận tình che giấu, bảo vệ, không để ông rơi vào tay quân thù bao vây tứ bề.

Nhờ sâu sát cán bộ, thương yêu cán bộ thật lòng, và biết trọng dụng cán bộ, ông chọn được cán bộ có năng lực để bố trí vào nhiệm vụ thích hợp. Năm Dừa, Sáu Hưng, Mười Nhạn, Tuyết Mai, Hồng Quang, Hồng Thắng, Nguyễn Văn Dương, Phan Thanh Thủ, Mai Đăng Chơn, Nguyễn Bá Tùng, Hoàng Văn Lai… là những cán bộ đã đứng vững trong kháng chiến ác liệt, đóng góp rất nhiều cho kháng chiến, khi hòa bình, không bị rơi vào thoái hóa, biến chất. Hầu hết được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Khi phụ trách thành phố, ông rất quan tâm chú ý đến cán bộ là người từ thành phố, là trí thức, là sinh viên, là thương gia. Họ là người có thực tế, am hiểu tình hình trong nội thành như Vĩnh Linh, Lê Công Cơ, Phan Duy Nhân, Hồ An và hàng trăm cơ sở cách mạng trung kiên đã được tin dùng, đều phát huy khả năng của mình.

Từ thất bại thấy được thành công

Giai đoạn làm Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN, Hồ Nghinh là người chăm lo cho đời sống của nông dân, người lao động. Khai hoang vỡ hóa, phá gỡ bom mìn. Khi Tỉnh ủy chủ trương “di dời mồ mả, dành đất cho cây lúa”, thì đụng đến “cha ông”, Hồ Nghinh xuống tận nhà, tận thôn, tận làng, gặp các thân hào, nhân sĩ để giải thích, vận động họ ủng hộ chủ trương của Tỉnh ủy. Thời gian này, ông vừa thực hiện nghị quyết, vừa lắng nghe tâm tư, vừa đương đầu với những thành công và cả những việc không thành công.

Về thủy lợi, Phú Ninh và rất nhiều công trình thủy lợi khác có vai trò lớn lao của Hồ Nghinh và những người đồng sự luôn đem hết công sức và tình cảm đã làm nên thành công trên mặt trận phục hồi sản xuất sau chiến tranh, góp phần quan trọng cho Quảng Nam không bị đói gạo triền miên. Đào sông Bà Rén và lấp dòng Trường Giang là khát vọng của đồng đất vốn thiếu nước của đất Quảng, tuy không mang lại thành công như sự mong mỏi của người nông dân, song đã cho Hồ Nghinh và cán bộ lãnh đạo hiểu được rằng, không bao giờ có thể cưỡng lại sức mạnh của thiên nhiên mà phải bằng mọi cách dựa vào thiên nhiên, khắc phục kịp thời và có hiệu quả thảm họa do thiên nhiên gây ra.

Về thâm canh tăng vụ, thành công nhất là tăng đáng kể sản lượng lương thực, thoát cảnh đói giáp hạt. Nhưng vẫn chạy theo thành tích: làm đại trà hợp tác xã, nhiều hợp tác xã chết khi chưa đáng gọi là hợp tác xã; đề  cao các hợp tác xã làm ăn khá, giỏi như Duy Phước, Đại Nghĩa, Duy Sơn. Đây là thời kỳ chỉ thấy ưu, hài lòng quá mức với cái ưu, cái được mà không dám nhận ra khuyết, nhược điểm khi năng suất lao động thấp, đời sống của xã viên ngày càng khó khăn, không gắn bó với hợp tác xã, dẫn đến hàng loạt hợp tác xã tan rã. Tất nhiên đây là chủ trương lớn của Trung ương. Nhưng, Hồ Nghinh giữ vai trò là người chỉ huy, tổ chức thực hiện, nên trước những chủ trương không thành công, Hồ Nghinh luôn trăn trở, suy nghĩ.

Từ ngày đầu chỉ đạo khai hoang, vỡ hóa phục hồi sản xuất, Hồ Nghinh và Tỉnh ủy sớm thấy rõ vai trò của nông thôn và nông dân nhưng vẫn chưa có chủ trương hợp lý và chính sách đúng đắn đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, kể cả với miền núi - căn cứ địa của cách mạng. Từ Phú Ninh, Bà Rén, sông Trường Giang đến A Vương, sông Tranh là bài học thành công và thất bại trong khai thác nguồn nước, bấy giờ Đảng đóng vai trò trực tiếp.

Vị trí vô cùng quan trọng của nông thôn và nông nghiệp không chỉ là vấn đề đất đai, cây trồng mà quan trọng hơn là chính sách đối với nông dân, là ơn nghĩa, là thủy chung, là điều mà các nhà lãnh đạo của QN-ĐN từng nhắc: “Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình”.

Suy nghĩ trên đồng ruộng

Hồ Nghinh là người chịu đọc, chịu nghiên cứu, có suy nghĩ và trăn trở về  đường lối kinh tế, chính sách và cơ chế. Sớm đổi mới tư duy, cả tư duy kinh tế và tư duy chính trị: Khi làm Phó Ban kinh tế Trung ương, Hồ Nghinh tiếp tục suy nghĩ về nền công nghiệp yếu ớt, nền thương nghiệp nặng bao cấp và “suy nghĩ trên đồng ruộng của mình”. Không chịu rập khuôn, máy móc, duy ý chí. Đây cũng là quan điểm cụ thể, đi sâu, đi sát, nhìn từ đời sống và sản xuất của người lao động. Ông từng nói với cán bộ cơ sở: Đừng nói thắng lợi chung chung mà hãy nhìn vào đồng ruộng và nồi cơm của người nông dân.

Về cải tạo công thương nghiệp, thấy nhược điểm, thiếu sót, ông cùng Ban Kinh tế nêu lên vấn đề quản lý theo cơ chế mới, đề ra chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả kinh doanh của ngành ngân hàng và thương nghiệp.

Hồ Nghinh cho rằng nên học và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Song, chủ nghĩa Mác thì, học cái gì, cái gì cần phải xem xét có còn phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hay không, để tránh giáo điều, rập khuôn. Lúc bấy giờ, suy nghĩ và can đảm đề xuất của Hồ Nghinh không được nghiêm túc xem xét, không phát huy khả năng và tư duy của Hồ Nghinh. Hồ Nghinh thấy sự bất ổn của đời sống kinh tế, nhưng, lực bất tòng tâm. Có thời gian không đánh giá đúng suy tư và tình cảm của Hồ Nghinh với người dân, nếu không nói là “tránh né” ông đã làm ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhiều người yêu mến ông.

Chủ trương xây dựng một nông thôn mới là đúng, tuy muộn. Tiêu chí quan trọng là nâng cao chất lượng của sản phẩm, chất lượng sống của người dân nông thôn. Thực hiện được “tiêu chí” này tức là thực hiện được nhiệm vụ từ lâu nói nhiều mà không làm được, là rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo, giữa thành thị và nông thôn, tạo ra sức hấp dẫn, làm giảm áp lực tăng dân số ở các đô thị.

Giai đoạn này, nhắc đến Hồ Nghinh, ngoài bài học bám sát thực tiễn, bám sát cuộc sống, là nói đến phát huy dân chủ trong Đảng, là học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng lãnh đạo, đề ra những cơ chế, chính sách thích hợp, rõ ràng và công khai để chọn người tài, người giỏi để thực thi công vụ. Biết và chịu khó lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến của chuyên gia giỏi. Cần có kiến thức, có bản lĩnh để tranh luận, phản biện để tìm ra chân lý phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

HỒ DUY LỆ
 

;
.
.
.
.
.