.

Thơm lừng vị biển

.

Một trong những thú vui không thể bỏ qua khi tới Đà Nẵng là thưởng thức những món ăn hải sản. Ngoài yếu tố tươi, rẻ, cách chế biến thức ăn nơi đây luôn hấp dẫn. Người ta sẵn sàng kéo ghế ngồi ngay trên vỉa hè, hoặc chấp nhận bỏ kha khá tiền để được nếm món ăn từ biển ở các nhà hàng hạng sang.

Khu bày biện để khách hàng lựa chọn nguyên liệu trước khi chế biến tại nhà hàng hải sản Hải Anh ở đường Trường Sa.
Khu bày biện để khách hàng lựa chọn nguyên liệu trước khi chế biến tại nhà hàng hải sản Hải Anh ở đường Trường Sa.

Đi ăn “món chỉ”

Vừa kết thúc chuyến du lịch 4 ngày tại Đà Nẵng, anh Nguyễn Hùng Long (Hà Nội) thích thú chia sẻ trên trang facebook cá nhân rằng, điều anh cảm thấy tuyệt vời nhất khi đến thành phố này là ăn hải sản. Anh viết “Bước vào nhà hàng For You trên đường Trường Sa, người phục vụ không mời chúng tôi thẳng đến bàn ăn mà dẫn vào khu bày biện các loài cá, cua, tôm, mực, nghêu, sò… còn bơi tung tăng trong nước rồi bảo chúng tôi có thể chọn nguyên liệu tại đây và nhà bếp sẽ chế biến theo đúng thực đơn yêu cầu. Điều này quả là rất tuyệt vì chúng tôi không phải lo mình ăn phải hải sản bị ướp các loại hóa chất giữ tươi”.

Không chỉ được ăn ngon, vợ anh Long còn được đầu bếp nhà hàng hướng dẫn cách chế biến sò điệp thế nào cho ngon. Anh chia sẻ với bạn bè: “Sò điệp sau khi cạy miệng rửa sạch nhớt, ướp thêm ít gia vị tiêu, nước mắm ngon rồi đặt lên vỉ nướng. Thấy vừa sôi riu riu thì gắp xuống, chấm với muối tiêu chanh, nước mắm chanh tỏi hay tương ớt tùy sở thích. Muốn ăn tái thì nước trong thân sò vừa sôi là lấy xuống, ăn lúc này thịt sò còn đầy đặn, mềm, ngọt và có chút vị tanh của biển. Đầu bếp khuyên, nếu muốn giữ lại mùi vị của sò điệp, tốt nhất nên nướng mộc rồi chấm muối tiêu chanh”.

Cũng như anh Long, hầu hết du khách đến từ các tỉnh, thành không có được diễm phúc ở ngay cạnh biển đều mê mẩn vị tươi ngon của hải sản và phong cách phục vụ “tận răng” này. Anh An, quản lý nhà hàng cho biết, For You đầu tư hệ thống sục khí, nuôi hải sản tại tầng trệt để khách vào có thể tự do chọn, chỉ nguyên liệu mình thích. Đấy là một trong những yếu tố quyết định thành công của nhà hàng. Anh An khẳng định: “Thực khách lần đầu đến For You đều thắc mắc, nếu để hải sản quá lâu trong bể sục sẽ bị gầy đi, không còn béo, thịt nhạt và dai nhưng nếu bạn từng ăn ở nhà hàng For You, điều lo lắng ấy không cần thiết”.

Là loài hải sản có giá khá mắc (trên dưới 1 triệu đồng/kg tùy trọng lượng) nhưng tôm hùm biển vẫn là món được nhiều du khách lựa chọn hiện nay. Chị Hà tại Nhà hàng Biển Đông, địa chỉ khá nổi tiếng cũng trên đường Trường Sa với món buffet tôm hùm cho biết,  khách vào nhà hàng thường gọi món tôm hùm luộc. Với cách này, đầu bếp sẽ để tôm hùm nguyên con, luộc trong vòng 15 phút rồi trình bày ra đĩa, ăn kèm cần tây, hành tây, dầu, nước cốt chanh kèm muối, tiêu. Cách này giúp tôm giữ được hương vị tự nhiên nhất. Bên cạnh đó, để giúp thực khách dễ dàng lựa chọn, nhà hàng còn phục vụ một số thực đơn khác từ tôm hùm như nướng bơ tỏi, nướng chanh, hấp rượu vang trắng, rang tỏi ớt, nướng phô-mai, hấp bia, nướng Mayonnaise kiểu Ý… Cách chế biến nào cũng được ưa chuộng bởi sự hấp dẫn ở mùi vị biển tự nhiên, ngọt lịm và bổ dưỡng.

Đi tìm những điểm cộng

Là thành phố biển, Đà Nẵng có nhiều lợi thế trong việc khai thác nguồn hải sản tươi sống với giá thành thấp. Có gì thú vị bằng việc ngồi trước biển, ăn đồ biển giữa không khí ươn ướt của gió mang theo hơi muối phả vào người. Những nhà hàng, quán ăn có “mặt tiền” hướng ra biển luôn nằm trong yêu cầu của du khách khi đăng ký tour đi Đà Nẵng. Ngoài ra, để làm phong phú thêm thực đơn “ngoài hợp đồng” của mình, họ thường tìm đến các nhà hàng hải sản tươi sống dọc bãi biển Mỹ Khê như Mỹ Hạnh, San Hô, For You, Cá Voi Xanh, Sơn Hào Hải Vị… để tự lựa chọn cho mình một thực đơn ưng ý.

Gần 20 năm công tác trong ngành du lịch, bà Hồ Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Du lịch nước ngoài, Công ty Cổ phần du lịch Việt Nam (Vitours) đúc kết, ẩm thực biển ở Đà Nẵng giữ vai trò chủ đạo với nhiều “điểm cộng” so với các địa phương khác. Đó là nguyên liệu phong phú, giá rẻ, luôn tươi ngon vì ở gần cảng cá và nhà hàng hải sản nằm rải rác trên bãi biển. Đặc biệt, các nhà hàng hạng sang có kỹ thuật chế biến và phong cách phục vụ khá tốt. Cũng theo chị Thủy, khách hàng lớn tuổi thường thích những món ăn chế biến từ cá, đặc biệt là cá cu hấp cách thủy, lẩu, nướng. Trong đó, cháo cá cu là món ăn bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe người già vì chứa nhiều chất dinh dưỡng, canxi... “Để chọn một nhà hàng phục vụ hải sản ngon ở Đà Nẵng không khó. Họ có sẵn thực đơn phong phú và tươi ngon. Đó đã là điểm cộng rồi. Điều còn lại là cách quảng bá của nhà quản lý lẫn người làm trong ngành du lịch, sao cho ẩm thực biển Đà Nẵng đến được với du khách xa gần”, bà Thủy nói.

Khi ăn hải sản, yếu tố tươi, ngon và giữ được hương vị biển mặn mòi luôn được du khách quan tâm. Những món ăn có mặt từ vỉa hè đến nhà hàng sang trọng như tôm hùm, cháo cá cu, chíp chíp hấp, cua bể, gỏi cá Nam Ô… là sự lựa chọn không thể thiếu. Tạm kết về ẩm thực biển Đà Nẵng, chúng tôi xin mượn lời nhận xét của Vua đầu bếp châu Á Martin Yan khi ông đặt chân đến thành phố này hồi cuối năm 2012: “Ở mỗi địa phương, mỗi món ăn đều có những đặc trưng rất riêng, và họ biết kết hợp với những nguyên liệu có sẵn ở địa phương của mình tạo nên sự khác biệt. Ví dụ, miếng chả cá được làm từ cá tươi của vùng biển Đà Nẵng nên giữ được hương vị rất thơm, ngon, cộng với việc chế biến được quết khéo nên khi cho vào miệng cảm giác rất đặc biệt, ngon không gì bằng”.    

Bà Đinh Thị Thi, Trưởng khoa Du lịch Trường Cao Đẳng nghề Đà Nẵng: Dù có nhiều ưu điểm, nhưng Đà Nẵng vẫn chưa có “nhạc trưởng” trong việc quảng bá ẩm thực biển. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được chú trọng cũng như thiếu chiến lược trong quản lý khai thác tài nguyên biển, dễ dẫn đến cạn kiệt nguồn lực. Có loại trong danh sách đỏ như cua đá vẫn được bán. Đã có khách nước ngoài đến Đà Nẵng ngạc nhiên vì các món ăn biển ở đây được chế biến từ nguyên liệu tuổi “thiếu niên nhi đồng”, loại hải sản nhỏ mà nước họ cấm khai thác và chế biến. Họ hỏi rằng khai thác kiểu này thì nguồn lợi biển trong tương lai sẽ ra sao?

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.