1. Sáng tạo thực ra không gắn với tuổi tác, nên sáng tạo không phải là độc quyền của tuổi trẻ mà cũng chẳng phải là đặc sản của tuổi già. Nói một cách đơn giản, sáng tạo chỉ gắn với người đam mê sáng tạo và có năng lực sáng tạo.
Tuy nhiên, sản phẩm của sáng tạo là cái mới, cái khác trước, vậy nên muốn sáng tạo thì điều đầu tiên là phải tránh được cái nhìn thiên kiến/định kiến cho rằng mọi thứ đã nhất thành bất biến. Chính vì thế mà người trẻ tuổi thường dễ đến gần với sáng tạo, dễ sung sức trong sáng tạo hơn là người lớn tuổi, vì so với người lớn tuổi, người càng trẻ tuổi càng ít bị ám ảnh bởi quán tính của tư duy.
Sáng tạo thường khởi đầu từ những ý tưởng khi rõ rệt lúc mơ hồ, vậy nên người sáng tạo phải là người ưa suy ngẫm thấu đáo, thích nghĩ ngợi sâu xa. Nghĩ ngợi và suy ngẫm một cách rất thực tế mà cũng rất chi lãng mạn bay bổng. Không phải lúc nào lãng mạn bay bổng cũng viển vông vớ vẩn. Thậm chí có thể nói, thiếu bay bổng lãng mạn thì khó có được những ý tưởng thật sự độc đáo. Đây cũng chính là điểm mạnh mà người trẻ tuổi có thể tận dụng để bù lại sự từng trải lịch lãm vốn là ưu thế của người lớn tuổi.
2. Karl Marx khi trả lời con gái đã khẳng định khẩu hiệu hành động của mình: “Hãy hoài nghi tất cả!”. Karl Jaspers cũng cho rằng trong triết học câu hỏi quan trọng hơn câu trả lời và mỗi câu trả lời phải gợi lên những câu hỏi mới. Theo cách nói của hai triết gia nổi tiếng người Đức này, cũng có thể hình dung sự hoài nghi khoa học và các câu hỏi thể hiện sự hoài nghi khoa học có một vai trò rất đáng kể trong sáng tạo. Vì thế muốn sáng tạo, cả người trẻ tuổi lẫn người lớn tuổi đều phải được học cách hỏi và biết hỏi từ khi còn rất… trẻ. Cho nên ngay trong trường tiểu học, thầy cô phải chịu khó hỏi để học sinh trả lời. Và phải làm cho học sinh biết hỏi. Càng lên cấp học cao hơn càng phải như vậy.
Phụ huynh học sinh nước ta cứ hay tìm hiểu con mình hôm nay được mấy điểm và hài lòng khi con nói 9, 10; không thật vui khi con nói 7, 8; và phiền lòng khi con nói 5, 6 - phiền lòng vì họ hiểu và hầu như ai cũng hiểu trung bình tức là rất kém. Phụ huynh học sinh các nước không như vậy, cách nghĩ của họ hơi khác: họ thường tìm hiểu hôm nay con họ hỏi thầy cô được mấy câu. Rõ ràng tư duy học để được cho mấy điểm rất khác so với tư duy học để được hỏi mấy câu. Chỉ có tư duy học để được hỏi mấy câu mới đủ sức đưa học sinh đến gần với sáng tạo và sung sức trong sáng tạo.
3. Eikhenbaum - một nhà chủ thuyết về hình thức luận người Nga từng thẳng thắn bộc bạch: “Không có thứ khoa học đã hoàn tất. Sức sống của một khoa học không được đo bằng sự thiết lập những chân lý, mà bằng sự khắc phục những sai lầm” (dẫn theo Huỳnh Như Phương - Trường phái hình thức Nga, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2007). Cũng có thể mượn ý kiến của Eikhenbaum để nói về sáng tạo: không có thứ sáng-tạo-đã-hoàn-tất hiểu theo nghĩa là không còn những hạn chế thậm chí sai lầm cần được khắc phục.
Không phải lúc nào sáng tạo cũng đi liền với thành công, cũng dễ dàng về đến đích. Cho nên trong quá trình sáng tạo cái mới/cái khác trước, nếu có va vấp “lên bờ xuống ruộng”, người trẻ tuổi nên xem đó là chuyện thường tình và dẫu có chút hồ đồ nhưng cũng nên nghĩ rằng so với người lớn tuổi thì mình hãy còn nhiều thời gian hơn để mà sửa sai, thậm chí để mà làm lại từ đầu. Bên cạnh niềm đam mê sáng tạo và năng lực sáng tạo thì biết đối mặt với sai lầm và dám làm lại từ đầu cũng là những liều-thuốc-thử dùng để phân loại người trẻ tuổi: có thể và không thể đồng hành cùng sáng tạo.
4. Đặc trưng của sáng tạo văn chương là sự cô đơn của nhà văn trước ngọn đèn và trang giấy, hay hiện đại hơn là trước màn hình computer - cho nên không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Inrasara từng nhắc đến nguy cơ chưa đủ cô đơn để sáng tạo. Và không riêng gì sáng tạo văn chương, nói chung mọi sáng tạo nghệ thuật và rộng hơn là mọi sáng tạo - kể cả sáng tạo khoa học và công nghệ - đều đòi hỏi dấu vân tay của từng người sáng tạo.
Như đã nêu trên, sáng tạo thường khởi đầu từ những ý tưởng và ngay cả khi nhiều người cùng “chung tay nâng tầm ý tưởng” - như khẩu hiệu hành động của Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng, đúng hơn là chung chất xám để cùng nhau phát hiện những bất cập và tìm kiếm giải pháp khắc phục những bất cập ấy nhằm hoàn chỉnh ý tưởng, thì dấu ấn cá nhân cũng không hề mờ phai. Chính vì thế, để có thể sáng tạo và sáng tạo không ngừng, người trẻ tuổi một mặt cần có khả năng hát bè trong dàn đồng ca, mặt khác và quan trọng hơn là cần có khả năng hát solo - độc diễn. Đã không thể tự mình hát solo thì khi tham gia hợp xướng cũng khó mà phối hợp hát bè cùng những người đứng cạnh.
5. Sáng tạo đích thực đáng ngưỡng mộ như vậy, yêu cầu cao như vậy, gian nan và nhọc nhằn như vậy, nhưng đối với người sáng tạo - trẻ tuổi cũng như lớn tuổi - nhọc nhằn và gian nan hơn nhiều là trong không ít trường hợp họ phải chịu đựng sự cô-đơn-sau-sáng-tạo. Ở đây có nghịch lý là muốn sáng tạo thì đòi hỏi phải đủ cô đơn song đến khi đã sáng tạo ra được cái mới, cái khác trước rồi thì người sáng tạo lại tiếp tục phải đối mặt với cô đơn.
Chẳng hạn có trường hợp sản phẩm của sáng tạo quá mới, quá khác trước đồng thời quá sớm so với quán tính tư duy của số đông - mà nhất là lại do một người quá trẻ ấp ủ sinh thành, nên chưa được số đông chấp nhận, có khi người sáng tạo còn bị đám đông “ném đá”… Cũng có trường hợp sản phẩm của sáng tạo được thừa nhận thậm chí được tôn vinh nhưng người nhận vòng nguyệt quế lại không phải là cha đẻ thực sự của sản phẩm ấy. Cho nên sáng tạo - nhất là sáng tạo của người trẻ tuổi - rất cần môi trường học thuật/đạo đức học thuật lành mạnh, trên cơ sở một môi trường xã hội tốt đẹp văn minh. Sở dĩ nói nhất là sáng tạo của người trẻ tuổi là bởi khác với/không như người lớn tuổi từng trải qua nhiều dằn xóc của cuộc đời, những người trẻ tuổi lãng mạn bay bổng như thế, nhạy cảm như thế, hồn nhiên như thế, nếu lâm vào cảnh ngộ không mong đợi… thường rất dễ bị tổn thương.
BÙI VĂN TIẾNG