.

Sử dụng đất sau dời mộ

.

Phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, có khoảng 3.580 ngôi mộ cần di dời theo chủ trương của thành phố, trong đó nhiều nhất là dự án khu dân cư phía Nam đường Phan Bá Phiến với 2.830 mộ.

Ông Đinh Văn An, Phó Chủ tịch phường cho biết, hiện địa phương và ban quản lý dự án đã vận động di dời được 2.704 mộ về nghĩa trang Hòa Ninh, Hòa Sơn và một số mộ được gia đình đưa về nghĩa trang của gia tộc ở Hòa Khương. Hiện nay còn lại 30 mộ vô chủ và 96 ngôi mộ của gia đình ông Võ Văn Xê chưa di dời do ông Xê đang đề nghị xin mua một lô đất để làm nhà ở và thờ phụng ông bà.

Sau khi 96 ngôi mộ trên đất của ông Võ Văn Xê được di dời, toàn bộ khu đất rộng khoảng 2.000m2 nằm sau lưng Lăng Ông Thọ An này sẽ bố trí 38 lô đất tái định cư và 2 khu đất công cộng.
Sau khi 96 ngôi mộ trên đất của ông Võ Văn Xê được di dời, toàn bộ khu đất rộng khoảng 2.000m2 nằm sau lưng Lăng Ông Thọ An này sẽ bố trí 38 lô đất tái định cư và 2 khu đất công cộng.

Ông Võ Văn Xê trú tại 68 Phan Bá Phiến, cho biết, nguyên ban đầu ông có khu đất rộng trên 433m2 do ông nội ông để lại theo Chứng thư Kiến điền số 344, tờ bản đồ số 5, do chế độ cũ cấp năm 1963. Từ năm 2009, sau hai lần giao đất cho Nhà nước để mở đường, ông còn lại 275m2, đến năm 2010 thì ông nhận tiếp thông báo của Ban Quản lý hạ tầng Giao thông đô thị rằng sẽ thu hồi tiếp 275m2 này để làm khu dân cư phía nam đường Phan Bá Phiến. Khu dân cư này, sau khi dời mộ, sẽ có diện tích khoảng 2.000m2 được quy hoạch 38 lô đất tái định cư và 2 khu đất công cộng.

Ông Xê cho biết: “Chúng tôi là những người dân có nhận thức, chấp hành việc Nhà nước thu hồi đất. Nhưng gia đình tôi gồm 3 thế hệ với 14 nhân khẩu cùng sống trong một căn hộ chưa tới 100m2 nên tôi có nguyện vọng được bố trí đất tái định cư làm nhà ở và thờ phụng ông bà”.

Ở tổ 22 phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, có 105 ngôi mộ (trong đó có mộ một Bà mẹ VNAH và 3 liệt sĩ) tộc Phạm nằm giữa khu dân cư thấp trũng, thường xuyên ngập úng. Đại diện tộc là hai ông Phạm Văn Sinh, Phạm Văn Lai, khi chưa có chủ trương của thành phố thì hai ông đã có ý định dời cả khu mộ rồi. Ngày 25-4 vừa qua, sau khi hoàn thành các nghi lễ tâm linh, hai ông đã dời tất cả lên nghĩa trang gia tộc ở Hòa Khương. Hai ông có nguyện vọng xin làm nhà thờ tộc ngay trên đất trống này, chính quyền địa phương đã ghi nhận và đề xuất lên quận và thành phố xem xét giải quyết.

Xin làm nhà thờ tộc sau khi dời mộ cũng là nguyện vọng của các họ tộc ở phường Hòa Khê, quận Thanh Khê. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Lê Quang Vũ, Hòa Khê đã dời dứt điểm 405 mộ vào ngày 1-6 vừa qua, sau khi tộc Huỳnh Ngọc cải táng xong 84 ngôi mộ lên nghĩa trang Hòa Ninh. Tộc Huỳnh Ngọc và 4 tộc họ khác đều mong muốn được lập nhà thờ tộc trên đất mộ cũ để tưởng nhớ công đức tiền nhân.

Quận Thanh Khê có 1.584 mộ phải di dời, đã dời được 1.548, còn 36, trong đó có 14 mộ tiền hiền, mộ đầu tộc tạm thời để lại. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết: “Việc di dời mồ mả ở Thanh Khê chủ yếu là vì môi trường, chứ không phải khai thác quỹ đất. Quận sẽ trình với thành phố phương án sử dụng đất sau dời mồ mả. Nếu đất dưới 70m2 thì sẽ hợp thửa cho hộ liền kề. Nếu đất trên 70m2 thì sẽ làm nhà sinh hoạt cộng đồng (hiện đang thiếu), làm vườn dạo, công viên mi-ni hoặc làm nhà thờ tộc nếu có nhu cầu thực sự. Theo tôi, không nên giao đất này cho các công ty khai thác bán nền vì giá trị không bao nhiêu mà lại mang tiếng ở đời”.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.