.

Thế chấp tuổi xuân

.

Họ vẫn không hề tiếc nuối tuổi xanh cùng với một phần máu thịt đã đổ để quê hương, đất nước có ngày hôm nay.

Chị Liên chia sẻ cùng chồng khi ông được mừng thọ tuổi 80.
Chị Liên chia sẻ cùng chồng khi ông được mừng thọ tuổi 80.

1. Thấy có xe dừng lại trước nhà, chị lò dò từng bước đi ra, nheo mắt nhìn ngược nắng buổi sáng. Chị vịn tay vào chiếc bàn đá, vạt nắng sớm nghiêng qua khung cửa làm ánh lên màu trắng sáng của mái tóc đã nhiều sợi bạc, vết chân chim đuôi mắt chừ đã hằn sâu hơn so với lần tôi gặp chị 8 năm trước. Ngày đó, sau khi nghe chị hát hò khoan xứ Quảng những bài hò, vè của đồng đội với chất giọng trong vắt như làn nước sông Cổ Cò quê chị, tôi đã gọi chị là người-phụ-nữ-bắc-loa-qua-đồn-địch.

Ít ai biết chị tên là Lương Thị Hiệp, bởi đó là tên hoạt động cách mạng, bà con thường gọi chị là Bứa theo tên cha mẹ đặt hoặc là Ba theo thứ. Trời phú cho chị cái giọng hát và trí nhớ đủ để bạn bè cùng trang lứa phải ghen tị. 16 tuổi, chị tham gia công tác binh vận ở xã Hòa Hải, nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Đêm đêm, chị cùng đồng đội bắc loa hát những bài ca binh vận theo điệu hát hò khoan. Binh lính chế độ Sài Gòn lúc đầu còn vác súng bắn vào hướng phát ra tiếng hát, nhưng nghe riết một hồi, tất cả đã bị thu hút bởi giọng hát đầy sức thuyết phục cùng với ca từ tuy dân dã nhưng thấm đẫm tình người.

Chị giờ giọng hát đã “già”, nhưng khi nghe tôi nhắc, vẫn ngâm nga lại cái đoạn tha thiết nhất trong bài “Về đi anh”: Anh ơi anh có nhớ không? Từ ngày xa cách vợ chồng đôi ta. Thời gian thấm thoát trôi qua. Lần tay em tính mười ba thu rồi. Lòng em khổ lắm anh ơi. Viết thư em gởi đôi lời nhớ thương… Hẳn là ngày đó chị đã hát hết lòng mình, như vợ tỉ tê tâm sự với chồng, đến nỗi sáng hôm sau, lính trong đồn ra ngoài làng chơi còn khen hay. Nhờ đó, các chị đã lân la tìm hiểu, dụ hàng nhiều binh lính chế độ Sài Gòn quay về với cách mạng mà lần nhiều nhất là nguyên một tiểu đội lính Bảo an ở đồn Tân Lưu trong những ngày chuẩn bị giải phóng Đà Nẵng.

Trời tháng bảy chưa trưa đã oi bức. Từ lúc chúng tôi mới bước chân vào nhà, chị đã sai con gái mang chiếc quạt máy ra cho khách. Cái sự chân tình mến khách rất đỗi Quảng này tôi cũng đã cảm nhận được hôm đến thăm chị Trần Thị Liên, cũng là một thương binh hiện ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

2. Hôm đó chị Liên vừa đi chợ về, với dáng xiêu vẹo bước cao bước thấp, tuy nhìn phía sau nhưng tôi biết chắc đó là chị. Cảnh nhà chị giờ đã khang trang hơn trước, cái sân đất ngày nào đã láng xi-măng với những chậu kiểng lơ thơ mấy cụm hoa mùa hạ. Ông Đặng Công Có, chồng chị, lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế nhỏ, khẽ gật đầu khi tôi cất tiếng chào. Ông trước đi thanh niên xung phong, sau chuyển qua bộ đội, cưới chị năm 1983, năm sau sinh một cậu con trai hiện công tác ở Ban Chỉ huy Quân sự xã Hòa Phong. Bị thương tật, ông giờ đi lại khó khăn, thị lực cũng đã giảm sút, thế nhưng, vẫn cảm nhận được cái nóng của người mới từ ngoài trời vô nhà là tôi, lò dò đi mở quạt máy.

Việc thường ngày của chị Hiệp để đỡ đần con cháu.
Việc thường ngày của chị Hiệp để đỡ đần con cháu.

Chị sinh con (với người chồng trước) mới được 6 tháng đã đi làm cách mạng. Từ giao liên đến Bí thư Xã Đoàn kiêm Xã đội phó xã Hòa Hưng (nay là Hòa Phong), rồi mũi trưởng mũi đấu tranh chính trị, chuyên dẫn đội quân tóc dài đấu tranh với địch. Mấy lần bị địch bắt đi tù, một lần bị vướng mìn cụt chân... tất cả đã làm sức khỏe chị suy giảm nhanh. Thế nhưng, mỗi lần có nhắc đến những bài hò vè thời kháng chiến là chị đọc vanh vách không sót một chữ.

Cũng như chị Hiệp, chị Liên thuộc rất nhiều bài hát địch vận do ông Trần Quốc Thành, Bí thư văn võ song toàn xã Hòa Hưng một thời, sáng tác. Mỗi khi trong xã xảy ra chuyện gì là ông có thơ ca, hò vè ngay. Về việc chị gửi con 6 tháng tuổi cho bà ngoại để đi làm cách mạng, ông viết: “Cô Liên dũng cảm kiên cường/ Tình hình ác liệt cô sẵn sàng xông ra”.

Hồi đó đấu tranh diễn ra như cơm bữa, chị kể, mỗi khi nghe tiếng xe địch ù ù ở xa là có người hô to “Xe xuống đó hử”, rồi kéo nhau ra chặn đường. Mỗi khi đấu tranh thắng trận quay về, các chị lại hát vang: “Chị em chúng ta là những người tay không cầm súng, từng phen đánh bại quân thù. Ta thắng bằng lời nói oai hùng, kiên cường trong bước đấu tranh, biến căm thù thành giông tố…”.

3. Nếu đội quân tóc dài của chị Liên đánh thắng bằng “lời nói oai hùng” thì qua lời giới thiệu của Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang Trần Văn Hà, tôi biết đến một hình thức đấu tranh giành thắng lợi mà chỉ những ai gan dạ đầy mình mới thực hiện nổi: mổ bụng! Đó là câu chuyện về Đội trưởng Đội quyết tử ở nhà tù Phú Quốc Trần Công Danh.

Anh Danh rời quê nhà Hòa Châu lên chiến khu, bị địch bắt giam nhiều nơi trước khi bị đưa ra “địa ngục trần gian” ngoài đảo Phú Quốc. Tại đây, phân khu D4, anh gặp lại người đồng hương nhỏ hơn mình 4 tuổi là anh Nguyễn Văn Kháng. San sẻ cho nhau từng chén cơm, bát nước, cả hai thương yêu nhau còn hơn ruột thịt. Trong nhà tù, anh Danh là Đội trưởng Đội quyết tử với biệt danh Nguyễn Rồi - Sáu Rồi, còn anh Kháng thì được anh em bạn tù gọi là “Kháng Hynos” do anh có màu da ngăm ngăm đen như anh Bảy Chà trên ống kem Hynos thời đó.

Bấy giờ, địch muốn biến phân khu D4 với gần 1.800 tù nhân thành “khu tân sinh hoạt”, tức là chiêu hồi. Cơ sở Đảng quyết định chọn ra 5 người để đấu tranh trực diện và kiên quyết với địch, trong đó có 2 người quê Đà Nẵng là anh Danh và anh Kháng. Theo kế hoạch, tất cả tù nhân đồng loạt tuyệt thực, đến ngày thứ tám rồi mà giám thị nhà tù vẫn án binh bất động. Qua ngày thứ chín, 5 người được kết nạp Đảng trong nhà lao. Đến 9 giờ, anh Trác người Bình Định mổ bụng mình trước bằng chiếc cán cà-mèn mài sắc lẻm. Tiếp sau là anh Phúc người Huế. Vẫn chưa thấy động tĩnh gì, anh Danh hiên ngang bước ra, tự mổ phanh bụng, moi ruột non, ruột già bày ra trước họng súng kẻ thù. Lúc đó có tay cố vấn Mỹ đến, thấy vậy liền buộc giám thị trại giam phải thực thi 12 yêu sách của tù nhân và đưa ba anh đi cấp cứu.

Cuộc đấu tranh đã thành công. Anh Kháng và anh Nhơn người Bình Định coi như mổ bụng... hụt. Nhưng sau đó anh Kháng bị giám thị đánh bằng roi cá đuối, da thịt trên lưng bị bóc ra từng mảng.

Anh Danh và anh Kháng giờ đã nghỉ hưu. Đến gặp cả hai ở nhà anh Danh trên đường Cách mạng Tháng Tám, nghe giọng cười ngạo nghễ của con người từng tự mổ bụng mà tưởng tượng ra cái cảnh hào hùng ngày nào. Khẽ chạm vào vết sẹo trên bụng, trên lưng các anh, chừng như khí tiết một thời còn rung lên ở đó.

Anh Danh (trái) và anh Kháng ôn lại kỷ niệm một thời ở nhà tù Phú Quốc.
Anh Danh (trái) và anh Kháng ôn lại kỷ niệm một thời ở nhà tù Phú Quốc.

4. Chị Hiệp, người-phụ-nữ-bắc-loa-qua-đồn-địch giờ cũng mang trên người những vết sẹo sau khi bị địch bắt và tra tấn dã man. Sau ngày đất nước thống nhất, tuổi thanh xuân của chị qua đi mà vết sẹo ngày nào vẫn còn ở lại, cổ chân phải bị địch móc còng số tám treo ngược người nên bị teo cơ, đau nhức mỗi khi trở trời. Chị tự túc sinh một bé gái và nuôi con với một bầu sữa, một bầu kia đã bị địch tước đi khi chị ở tù. Chị chỉ tấm hình rất đẹp đôi trên tường, bảo đó là con gái và con rể chị. “Chị bị rứa rồi - giọng chị chùng xuống, cứ tưởng sẽ nhờ được con, ai dè họa vô đơn chí, thằng rể đang có công ăn việc làm ổn định thì bị tai nạn giao thông, đầu óc suốt ngày lơ lửng. Tụi hắn có hai đứa con, đứa lớn bị bệnh tim bẩm sinh đi mẫu giáo mỗi tháng nộp 900 nghìn, đứa nhỏ ngày mai khẳm tháng. Thành ra một mình chị lo hết…”.

Chị từng bốn năm đi mài tượng cho một cơ sở đá mỹ nghệ dưới chân ngọn Thủy Sơn, rồi xin nghỉ vì không đủ sức, chị được chủ cơ sở hỗ trợ về kinh tế một thời gian. Về sau - theo lời chị, một công ty TNHH ở Đà Nẵng nhận nuôi dưỡng chị đâu được 3 - 4 năm gì đó, mấy năm gần đây có lẽ do tình hình kinh tế khó khăn nên họ không nói gì nữa. Mỗi tháng chị nhận trợ cấp thương binh 3/4 và người có công được gần 2,5 triệu đồng. Bạn tôi bất giác nhìn xuống phía nhà dưới, nơi con gái chị đang chuẩn bị tắm cháu bé, rồi mở ví lấy ra 200 nghìn đồng, nói là mừng khẳm tháng cháu ngoại chị. Chị rưng rưng bảo, cảm ơn em nhiều, số tiền này là 10 ngày chợ của cả nhà chị đây…

5 năm trước, chị đã được cấp nhà tình nghĩa trên 70 triệu đồng; năm rồi được hỗ trợ 20 triệu đồng thay lại mái nhà. Bé lớn cháu ngoại chị bị bệnh tim bẩm sinh, đã được khám để mổ miễn phí những chưa mổ được vì tuổi còn nhỏ. Theo lời Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn Mai Thị Nga, chị có thể sống được với khoản trợ cấp hằng tháng, nhưng hiện rất khó khăn vì phải “gánh” thêm gia đình con gái. Phòng LĐ-TB&XH quận vẫn tranh thủ các nguồn quỹ để hỗ trợ thêm cho chị.

5. Chị Hiệp giờ nấu canh khi thì quên nêm muối, lúc lại nêm đến hai lần. Chị Liên đi chợ luần quần cả buổi không biết mua gì. Anh Danh đầu tháng 3 vừa rồi được ra dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày trao trả tù binh Phú Quốc, chuyện mổ bụng của anh được nêu điển hình tại buổi lễ. Anh Kháng bị địch bắt từ năm 17 tuổi, giờ vẫn tự hào là lính của Tiểu đoàn Bộ binh 1 Quảng Đà (còn gọi là R20), “Trên trời có phản lực cơ/ Ở dưới mặt đất có R20”.

Họ vẫn không hề tiếc nuối tuổi xanh cùng với một phần máu thịt đã đổ để quê hương, đất nước có ngày hôm nay. Câu thơ hay nhất của Diệu Thoa trong bài lục bát Ngân nga con sóng vỗ bờ yêu thương đã khắc họa được điều đó: Đổi máu xương lấy hòa bình/ Tuổi xuân thế chấp bằng tình nước non….

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.
.

Đọc nhiều

.
.