.

Không một chiến thắng nào sánh bằng

.

Đến thời Tự Đức, hệ thống phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng đã hoàn tất với quy mô lớn hơn bất cứ cửa biển nào khác ở nước ta(1). Hệ thống phòng thủ này gồm các đồn, đài, bảo được xây dựng liên hoàn ở cả hai phía hữu ngạn và tả ngạn sông Hàn. Đồn Trấn Dương nằm trên đỉnh Sơn Trà.

Dưới chân núi này, về phía tây có pháo đài Phòng Hải ở núi Mỏ Diều. Liền đó là hệ thống Trấn dương thất bảo đài, lại có hệ thống lũy cát chạy về phía nam đến thành An Hải cạnh bờ sông. Lui thêm nữa về phía nam là các đồn Hóa Khuê, Mỹ Thị. Đối diện thành An Hải là thành Điện Hải. Phía nam thành này có các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, Nại Hiên. Nối thành Điện Hải với các căn cứ hỗ trợ và phòng ngự như tấn Câu Đê, pháo đài Định Hải, đồn Chơn Sảng, Hải Vân Quan, pháo đài Hỏa Phong (Ngự Hải đảo) về phía bắc cũng là lũy cát trồng tre gai nhằm ngăn không cho địch đổ bộ lên bờ. Cùng với hệ thống phòng thủ này là lực lượng quân đội, tàu chiến, đại bác và các phương tiện thông tin, quan sát.

Tổng đốc  Nguyễn Tri Phương (Nguồn: baotanglichsu.vn)
Tổng đốc  Nguyễn Tri Phương (Nguồn: baotanglichsu.vn)

Mặc dù đã được phòng bị như vậy, nhưng khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược, mặt trận Đà Nẵng lại nhanh chóng bị vỡ. Ngay trong ngày đầu tiên (1-9-1858), chỉ sau nửa giờ bị địch nã pháo liên tục, hầu hết các vị trí phòng thủ của quân đội triều đình đều bị phá hủy. Về phía hữu ngạn chỉ còn làm chủ được hai đồn Hóa Khuê và Mỹ Thị ở tận cùng về phía nam của hệ thống phòng thủ. Đại quân phải lập phòng tuyến ở trước huyện đường Hòa Vang tại xã Hóa Khuê Trung tây và đắp đồn lớn ở xã Nghi Xuân(2).

Nhận được tin thất trận, vua Tự Đức liền cất chức Tổng đốc Trần Hoằng, giao quyền cho Đào Trí làm nhiếp chính. Sau đó lại cử Hữu quân đô thống Lê Đình Lý làm thống chế cùng Tham tri bộ Binh Phan Khắc Thận làm Tham tán quân vụ, cùng với các vệ úy, hiệp quản đem 2.000 quân cấm binh vào chi viện. Như vậy, mặt trận Đà Nẵng lúc này đã có hơn 6.000 quân để nghênh chiến với 2.350 quân của Pháp và Tây Ban Nha. Thế nhưng, đồn Mỹ Thị cũng không giữ được, lũy Cẩm Lệ cũng bị giặc tấn công. Thống chế Lê Đình Lý kiên cường cầm quân đánh trả địch nhưng rồi bị thương nặng, không qua khỏi. Thống chế Tống Phước Minh được bổ thay làm Thống chế nhưng tình hình chiến sự vẫn ngày một căng thẳng, buộc vua Tự Đức phải triệu Nguyễn Tri Phương, vị võ tướng tài ba đang làm Kinh lược sứ Nam Kỳ sung chức Tổng thống quân thứ Quảng Nam, trực tiếp điều khiển chiến trường Đà Nẵng.

Nguyễn Tri Phương nhận trọng trách vào Đà Nẵng cầm binh khiển tướng trong một tình thế rất khó khăn. Yếu tố chủ động ngay từ đầu đã không còn nữa. Quân địch đã đổ bộ và tiến sâu vào nội địa, các đồn, lũy quan trọng nhất đã bị địch đánh chiếm, hoặc phá hủy; tinh thần quân sĩ đang hoảng loạn sau những thất bại liên tiếp trước đó. Nguyễn Tri Phương phải tìm ra một phương kế mới để không chỉ ngăn được các cuộc tấn công của giặc mà còn tiến đến đánh thắng được chúng.

Lấy thủ làm chiến

Với tư duy quân sự rất thực tiễn, khi nhận chỉ dụ lên đường, Nguyễn Tri Phương đã trình vua Tự Đức phương kế đánh giặc của mình: “Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn lũy, để dần dần tiến đến gần giặc”, và “giữ cho kỹ để đợi làm kế giằng dai, trù tính cho dân đủ ăn, cấp lương cho dân theo sự cơ mà làm, mới là kế hoàn toàn”(3).

Đà Nẵng  1859 - tranh vẽ của J Minot về thành Điện Hải bị bốc cháy trong cơn giao chiến. (Nguồn:  ngobadung.blogspot.com)
Đà Nẵng 1859 - tranh vẽ của J Minot về thành Điện Hải bị bốc cháy trong cơn giao chiến. (Nguồn:  ngobadung.blogspot.com)

Ngay khi đến mặt trận Đà Nẵng ông liền cho đắp đồn Liên Trì và đắp một lũy cát từ ngoài bãi biển, vòng vào bao quanh các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián cho đến sát thành Điện Hải. Lại chia vùng chiến sự ra làm các khu đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, Liên Trì để đưa quân đến đóng và “chia đặt lầu canh đồn gác để tiếp ứng cho được nhanh chóng”(4). Ông cho đào những hố sâu kiểu chữ “Phẩm” bên ngoài lũy, dưới cắm đầy chông tre nhọn, đậy bằng vỉ tre, phủ đất và trồng cỏ ngụy trang, chia đặt phục binh sẵn sàng vọt lên đánh địch bất cứ lúc nào khi chúng dám tiến quân.

Lại cho dùng các xích sắt chắn dòng sông Hàn, cho lấp sông Vĩnh Điện để thế nước dồn chảy về cửa Đại (Hội An) nhằm ngăn không cho thuyền nhỏ của địch tiến sâu vào bên trong nội địa. Viên Tổng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha, Đô đốc Rigault De Gienouilly ghi lại cách bố trí quân trên bộ của Nguyễn Tri Phương như sau: “Xung quanh pháo đài có đến 500 hố, mỗi hố sâu khoảng 4 pieds (1 pied tương đương 0,3m). Mỗi người lính chiếm một hố, trang bị một khẩu súng hay một mũi lao, có tấm phên che miệng hố. Vì vậy, người ta hết sức ngạc nhiên khi thình lình vọt lên giữa bãi cát bằng phẳng vô số binh lính mặc đồng phục màu đen thêu hoa văn với những hình thoi màu đỏ trước ngực”(5).

Trong thời gian đầu Nguyễn Tri Phương chủ trương “liệu số binh hiện có, nhân các đồn lũy hiện tại, đặt phục binh để đánh, giữ cho được thế giằng dai…”. Lối bố trí hệ thống phòng thủ và chiến thuật dụng binh này đã phát huy tác dụng. Quân đội do ông nắm quyền tổng chỉ huy đã đánh được những trận lớn, tiêu hao được sinh lực địch, ngăn không cho chúng tiến sâu vào bên trong đất liền. Ngay trận đầu, khi liên quân địch ước chừng 600 tên chia làm hai đạo, 3 lần tiến đánh Thạc Gián, Nại Hiên, vây sát các đồn Hải Châu thượng, Hải Châu hạ đều bị “phục binh trỗi lên đánh, quân của Tây dương sa xuống hố, quan binh giữ lũy bắn ra, quân của Tây dương phải lui”(6). Sau đó địch lại tiến đánh Thạch Thang suốt mấy ngày cũng bị thua.

Trong một trận tấn công ngược theo sông Hàn vào Nại Hiên, địch sử dụng đến 8 thuyền binh nhưng cũng bị các tướng Chu Phúc Minh, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy do Nguyễn Tri Phương phái đem quân đón đánh, “bắn phá được thuyền của giặc (thuyền có cái bị gãy rách buồm, cái thì thủng vỡ, dỉ nước vào)”(7). Hoặc trong trận tấn công ra hướng đèo Hải Vân do Đô đốc Page chỉ huy vào ngày 18-11-1859, quân triều đình cũng đánh trả quyết liệt, khiến cho viên thiếu tá công binh Duppré Déroulède tử vong, viên Tổng Chỉ huy Page cũng suýt mất mạng. Dù dồn sức tấn công nhưng cuối cùng chúng cũng phải rút lui.

Như vậy, với mặt trận Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương đã giải quyết được cách đánh và lối đánh với một đối tượng hoàn toàn mới từ phương Tây đến. Vũ khí trang bị cho quân đội triều Nguyễn bấy giờ chủ yếu vẫn là gươm, giáo, súng điểu thương (loại súng tay châm ngòi, mỗi đội 50 người chỉ có 5 người được trang bị 6 viên đạn và mỗi năm chỉ được tập bắn một lần), ống phun lửa, quả nổ. Pháo thì chỉ súng đồng, súng gang lòng láng, nộp tiền, bắn ít khi trúng và ít khi nổ. Đại bác thì quá lớn nên khi giặc tới chuyển đi không nổi, đành phải bỏ lại. Chiến thuật của bộ binh chủ yếu vẫn là phòng ngự trong hệ thống thành lũy, không chịu được đạn pháo của quân Pháp bắn từ xa và rất chính xác, lại có sức công phá thành trì. Thủy quân thì chỉ đủ tuần tiễu dọc theo ven biển để ngăn chặn nạn giặc Tàu ô, còn trước những hạm đội của Pháp thì thuyền chiến của triều Nguyễn không thể chống chọi được vì thua xa về kỹ thuật và hiệu quả trong chiến đấu.

Sự chênh lệch lực lượng lớn như vậy, nếu thủ thì thủ như thế nào để có thể công, còn nếu hòa thì dễ gì đang đà thắng lợi giặc lại có thể hòa, và phải hòa thế nào để còn tiến? Còn chiến thì phải đánh bằng cách gì?

Tư tưởng chiến lược “lấy thủ làm chiến” ban đầu của Nguyễn Tri Phương là  một quan điểm đúng, sát với thực tế chiến trường, nhưng Vua Tự Đức đã cho rằng: nếu giữ thế thủ sẽ có 6 điều hại. “Một là, dân theo đạo Gia tô sẽ theo dõi báo cho giặc biết kế hoạch phòng thủ của Triều đình. Hai là, không quan sát nắm được việc dàn binh bố trận của giặc. Ba là, việc truyền báo tin tức hạn chế dẫn đến nhận lệnh chậm và khó hiệp đồng tác chiến. Bốn là, hệ thống phòng bị ở sâu trong nội địa rất hạn chế, giặc có thể đem quân đánh úp.

Năm là, quan quân Triều đình không có đảm khí nên nếu có đặt đồn cũng không tìm được người có thể trông cậy để giao nhiệm vụ. Sáu là, nếu giặc quấy rối nhiều cách, quân Triều đình buộc phải chia ra ngăn chặn, giữ chỗ này bỏ chỗ khác, phòng bên đông thiếu bên tây, lâu ngày như vậy sẽ sinh ra lười biếng, khiến cho giặc ngày càng mạnh, quân Triều đình ngày càng yếu”(8). Bảo là thủ thì có 6 điều hại, nhưng “chiến hay hòa”, “kế nào có thể làm cho giặc phải lui”(9) thì Tự Đức cũng không quyết định được!

Phương châm chiến lược của Nguyễn Tri Phương vừa phát huy được tư tưởng quân sự truyền thống đánh lâu dài, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, vừa thể hiện được tư tưởng quân sự mới độc đáo của chiến tranh hiện đại, từ phòng ngự, cầm cự chuyển dần sang phản công giành thắng lợi quyết định để đi đến giành thắng lợi cuối cùng. Nguyễn Tri Phương muốn dựa vào thời gian để dần xoay chuyển cục diện chiến trường, buộc quân Pháp từ thế chủ động trở thành bị động trước một chiến trường thiên la địa võng những thành, hào và ngày càng bộc lộc những khó khăn của một đội quân viễn chinh về tăng viện, tiếp tế nguồn lương thực thực phẩm, trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh…, lại phải chiến đấu trên chiến trường của xứ nhiệt đới nắng nóng, dễ phát sinh dịch bệnh. Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh để chóng kết thúc chiến tranh trong vòng 3 tuần lễ của địch bị đổ vỡ.

Thế trận giằng dai mà Nguyễn Tri Phương buộc quân địch phải theo đã khiến cho binh lính Pháp ngày một nghi ngờ về chiến lược của Gienouilly: “Từ ngày chiếm Đà Nẵng, chúng ta luôn luôn giữ thế thủ trên một bán đảo… Nếu tiếp tục thế này thì cuộc chiến sẽ kéo dài hàng trăm năm” (10).

Lấy đánh làm giữ

Từ “lấy thủ làm chiến” trong thời gian đầu, khi đã có những thắng lợi liên tiếp từ những trận phục kích, đánh trả các cuộc tấn công của địch, Nguyễn Tri Phương đã chuyển sang “lấy đánh làm giữ”, chủ động tấn công quân địch.

Về mặt chiến thuật, điểm độc đáo ở đây là Nguyễn Tri Phương đã chuyển từ cố thủ trong thành, đồn đắp đất, lũy cát trồng tre gai bên trên, hoặc quân lính chỉ phục kích trong các bụi rậm, sang cơ động trong các chiến hào và phục binh tại các hố chữ Phẩm. Giải pháp này tránh được sự tập trung hỏa lực, nhất là pháo hạng nặng của địch có thể phá sập thành bất cứ lúc nào. Mặt khác, quân Việt có thể dễ dàng cơ động dưới các đường hào, tránh được tầm sát thương của đạn pháo địch trên mặt đất, lại có thể thình lình trồi lên phục kích, đánh sáp lá cà theo từng tổ 3 người khi địch tiến quân.

Không chỉ xây dựng một vòng thành lũy, điểm độc đáo ở đây là ông đã cho xây dựng cả một hệ thống liên hoàn. Từ tuyến thứ nhất ở sâu trong nội địa, quân Việt vừa đánh vừa giữ, trong thủ có công, trong công có thủ, dần dần đắp thêm đồn lũy mới đến sát địch, thực hiện bao vây, tiêu hao sinh lực địch, đẩy chúng ra xa, giữ quyền chủ động trên chiến trường. Nếu giặc tổ chức phản công, có phá vỡ được phòng tuyến phía trước thì quân Việt sẽ lui vào tuyến thứ hai, thứ ba để rồi tổ chức đánh trả trở lại. Bằng lối đánh dựa vào hệ thống hào lũy để bao vây, phục kích đã được vị chủ tướng vạch ra như vậy, quân Việt từng bước đẩy địch lùi dần về hướng biển. Đồng thời với cách đánh đó là chuyển dân vào bên trong, thực hiện vườn không nhà trống, khiến cho giặc dù có chiếm được đất cũng không thể thu được nguồn lương thực thực phẩm.

Một sĩ quan trong đội quân viễn chinh Pháp bấy giờ là Savin de Larclause đã bày tỏ sự kinh ngạc về chiến thuật thủ đề công của Nguyễn Tri Phương: “Cánh đồng mọc lên những công sự đủ loại. Những người Việt đã đạt được tiến bộ lớn trong nghệ thuật chiến tranh… Hôm nay chúng tôi chiếm đóng mảnh đất mà chúng tôi đã chinh phục trong trận đánh trước, nhưng chúng tôi chỉ đuổi quân địch được vài trăm mét và họ đã lui về ẩn mình trong một phòng tuyến mới mà họ củng cố vững chắc một cách kinh khủng” (11).

Cũng viên sĩ quan này thừa nhận trong các lá thư gửi về Pháp của mình: “Người An Nam có thái độ vững vàng, khi rút lui thì hết sức nhanh chóng, đem theo người bị thương và cả người chết” và “Họ bao vây chúng tôi bằng những công sự chiến đấu, ngăn cản mọi sự giao lưu của chúng tôi với nội địa của họ. Đôi ba lần người ta đã thử đẩy lui họ, nhưng để làm gì khi hôm nay làm thiệt mất của họ vài bộ đất rồi họ sẽ chiếm lại ngày mai” (12). Rõ ràng, đây là một lối bố trí hệ thống phòng thủ và lối đánh phi truyền thống, và chỉ với lối đánh như vậy mới có thể đối kháng lại được với lối chiến tranh hiện đại bằng các loại vũ khí có tầm bắn xa, độ sát thương cao của đối phương.

Lối đánh dựa vào hệ thống hào lũy này đã từng được kỹ sư Nga, đại tá Todleben nghĩ ra trong trận chiến đấu với liên quân Anh - Pháp ở Sesbastopol những năm 1854 - 1856. Một viên tướng Pháp đã cho rằng: “Thấy phương pháp dụng binh của Nguyễn Tri Phương, người ta đã tin rằng vị nguyên soái anh hùng của nước Nam đã biết phương lược xây dựng lối pháo đài tạm thời như Todleben ở Sesbastopol, Denfert Rocherau ở Belfort, Osman Pacha trong trận Plevna” (13). Đấy là viên tướng Pháp đã tham chiến hoặc nghiên cứu các trận đánh đó rồi suy luận chứ Nguyễn Tri Phương ắt là không hề biết đã có một phương pháp dụng binh như vậy ở chiến trường châu Âu.

Về sau này, cũng chính hệ thống giao thông hào chằng chịt theo nhiều cấp độ khác nhau của quân và dân ta như chiếc thòng lọng từng ngày, từng tháng thít chặt quân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954. Điều đáng nói ở đây là, chính viên Đô đốc Rigault de Gienouilly nổi tiếng trong những đường hào ở Sesbastopol thuộc chiến trường Crimée, lại vừa chiến thắng ở Thiên Tân (Trung Quốc), đã phải thất bại trên chiến trường Đà Nẵng. Sau một trận đánh dốc túi không thành vào tháng 9-1859, y đành phải xin về Pháp. Viên tổng chỉ huy mới, Chuẩn Đô đốc Page đến Đà Nẵng nhận bàn giao cũng theo vết chân của người tiền nhiệm. Chỉ sau một trận đánh ra hướng đèo Hải Vân không  thành, Page đành phải quyết định rút toàn bộ quân Pháp vào Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến kéo dài 22 tháng 18 ngày tại mặt trận Đà Nẵng của liên quân Pháp - Tây Ban Nha.

Chiến thắng Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương đã trở thành chiến thắng lớn nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử 87 năm chống Pháp (1858 - 1945), không một chiến thắng nào khác sánh bằng.

NGÔ VĂN MINH


(1) Ngô Văn Minh (cb) (2007), Lịch sử Đà Nẵng (1858 - 1945). NXB Đà Nẵng, tr 47.

(2) Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xưng, Trần Xán (1964), Đại Nam nhất thống chí (Quyển 5 - tỉnh Quảng Nam), Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa xuất bản, tr 16.

(3) Quốc Sử quán Triều Nguyễn, Sđd, tr 636.

(4) Quốc Sử quán Triều Nguyễn, Sđd, tr 582.

(5) Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX, tr. 368. Dẫn theo Nguyễn Văn Chùng, Dương Minh Chính, Lê Văn Công, Lê Sơn, Nguyễn Văn Thanh: Võ Duy Ninh, vị Tổng đốc đầu tiên tuẫn tiết trong sự nghiệp kháng Pháp. Nxb Thanh Niên, 2010, tr 95.

(6) Quốc Sử quán Triều Nguyễn: Sđd, tr 588.

(7) Quốc Sử quán Triều Nguyễn: Sđd, tr 580.

(8) Quốc Sử quán Triều Nguyễn, Sđd, tr 575, 583, 583 - 584.

(9) Quốc Sử quán Triều Nguyễn, Sđd, tr 636.

(10) A. Baudrit: Correspondance d Savin de Larclause. Dẫn theo Thái Hồng : Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873). NXB Đại học Quốc gia. TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr190.

(11) Dẫn theo Thái Hồng: Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873). Nxb Đại học Quốc gia. TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr 188.

(12)  Thái Hồng, Sđd, tr 203.

(13)  Thái Hồng, Sđd, tr 189.

;
.
.
.
.
.