.

Đào tạo nghề chăm sóc sức khỏe: Cung vượt cầu

.

Mỗi năm các bệnh viện (BV) trên địa bàn tuyển dụng rất hạn chế số lượng nhân viên ngành điều dưỡng, trong khi 6 trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) đóng tại Đà Nẵng cho “ra lò” cả nghìn sinh viên (SV). Vấn đề dư thừa nhân lực ngành chăm sóc sức khỏe khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Lỗi này thuộc về ai? Do dự báo, định hướng sai hay tại việc cơ quan chủ quản cho mở mã ngành quá dễ, đào tạo tràn lan?

Nghề chăm sóc sức khỏe hiện khó được tuyển dụng dù số lượng đào tạo hằng năm lên đến cả nghìn người. Trong ảnh: Nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng đang chăm sóc người bệnh.Ảnh: H.N
Nghề chăm sóc sức khỏe hiện khó được tuyển dụng dù số lượng đào tạo hằng năm lên đến cả nghìn người. Trong ảnh: Nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng đang chăm sóc người bệnh.Ảnh: H.N

“Bội thực” ngành chăm sóc sức khỏe

Năm 2007, Trường CĐ Phương Đông được cấp phép mở ngành điều dưỡng hệ trung cấp và trường tuyển được 524 SV. Đây là trường ngoài hệ thống công lập đầu tiên ở Đà Nẵng được phép mở ngành học này. Đến năm 2009, trường được mở thêm hệ CĐ ngành điều dưỡng, năm 2010 thêm ngành y sĩ và năm 2011 là ngành dược sĩ.

Theo khảo sát (chưa đầy đủ) của Phòng Đào tạo nhà trường, những năm đầu mới tốt nghiệp, có khoảng 60-70% SV ngành điều dưỡng ra trường có việc làm. Con số tuyển sinh vì thế cũng tăng nhanh chóng, như năm 2010 trường tuyển 924 SV điều dưỡng hệ trung cấp, năm 2011 tuyển 1.403 SV hệ trung cấp và 270 SV hệ CĐ cũng của ngành này. Trong lúc công tác tuyển sinh của Trường Phương Đông đang trên đà tăng như vậy thì Bộ Giáo dục-Đào tạo cho phép thêm nhiều trường CĐ dân lập mở mã ngành sức khỏe, thế là số lượng SV đăng ký vào trường học các ngành này giảm rõ rệt. Năm 2012, trường chỉ tuyển được 395 SV điều dưỡng; năm 2013 con số này sụt giảm hơn nữa với 250 SV đăng ký học điều dưỡng, 279 SV học y sĩ và 340 SV học dược.

Ông Lê Ngọc Nguyên, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết năm nay trường chỉ tuyển được khoảng 70% SV so với năm ngoái và cũng chỉ đạt từng đó so với chỉ tiêu đặt ra. “Các ngành chăm sóc sức khỏe được nhiều trường mở ngành đào tạo cộng với nhu cầu xã hội đã bão hòa nên chuyện khó tuyển sinh cũng là điều dễ hiểu”, ông Nguyên nhận định.

Hiện nay, ngoài Trường ĐH Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng có nhiều năm tuyển sinh ngành chăm sóc sức khỏe, có thêm 5 trường đào tạo các ngành này là khoa Y-Dược ĐH Đà Nẵng, ĐH Duy Tân, CĐ Phương Đông, CĐ Bách khoa và CĐ Lạc Việt. Do đó con số SV theo học các ngành này có thể lên đến hàng nghìn người mỗi năm.

TS, BS Nguyễn Đăng Quốc Chấn, Trưởng khoa Y-Dược ĐH Đà Nẵng, cho biết từ năm 2010 trường bắt đầu mở ngành điều dưỡng và dược hệ trung cấp. Năm 2010, trường tuyển sinh ngành điều dưỡng với 33 SV và 38 SV dược; năm 2011 tuyển 111 SV điều dưỡng, 35 SV dược…; năm 2013 tuyển 67 SV điều dưỡng, 111 SV dược. Và cũng trong năm nay, trường tuyển 60 SV cử nhân ngành điều dưỡng. TS Quốc Chấn rất tự tin khi khẳng định rằng số lượng SV ngành chăm sóc sức khỏe của ĐH Đà Nẵng không phải là không có cơ hội tìm được việc làm, dù nhân lực ngành này đang trở nên dư thừa trong xã hội. “Chúng tôi có đội ngũ giảng viên gồm 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 2 BS chuyên khoa 2 và sắp tới sẽ có thêm 3 tiến sĩ nữa; các phòng thực hành, mô hình cũng đang và sẽ được xây dựng đầy đủ. Về nhân lực đào tạo chúng tôi không thiếu. Chưa kể là chúng tôi đào tạo nhân viên điều dưỡng cho các ngành chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư, người già…”.  

SV ngành chăm sóc sức khỏe Trường CĐ Phương Đông tại phòng thí nghiệm.  (Ảnh do Trường CĐ Phương Đông cung cấp)
SV ngành chăm sóc sức khỏe Trường CĐ Phương Đông tại phòng thí nghiệm. (Ảnh do Trường CĐ Phương Đông cung cấp)

Bao nhiêu phần trăm có được việc làm?

Sau 2 năm tốt nghiệp trung cấp ngành điều dưỡng, H.T.H vẫn chưa hề được nhận đồng lương nào từ công việc mình đang làm, là nhân viên điều dưỡng học việc của một bệnh viện (BV) quận. H.T.H kể, việc mình được nhận làm nhân viên học việc là một điều may mắn so với nhiều bạn cùng khóa hiện đang thất nghiệp. “Em đã nộp hồ sơ vào một số nơi nhưng không biết có được không. Vẫn phải bám thành phố vì cơ hội xin được việc đúng ngành học vẫn dễ hơn so với về quê ở Quảng Bình”, H. cho biết.

Các trường đào tạo ngành chăm sóc sức khỏe chưa thể tiến hành điều tra xem có bao nhiêu SV do trường mình đào tạo có được việc làm, nhưng con số này chắc chắn sẽ không nhiều, bởi nhu cầu tuyển dụng hiện rất hạn chế. Như tại BV Đà Nẵng hiện có 536 nhân viên điều dưỡng, con số tuyển dụng của năm 2012 là 76 người; BV Phụ sản - Nhi có 179 điều dưỡng trên tổng số 661 cán bộ, nhân viên, số tuyển dụng hằng năm cũng không nhiều với vài chục người.

Ở các BV tuyến quận càng khó tuyển điều dưỡng hơn. Số nhân viên điều dưỡng trình độ trung cấp của BV Ngũ Hành Sơn hiện có khoảng 50 người trong tổng số 125 cán bộ, nhân viên; cộng thêm 4 trạm y tế phường mỗi trạm có 1-2 điều dưỡng viên. Nhiều năm nay BV không tuyển SV điều dưỡng mới tốt nghiệp vì không có nhiều chỉ tiêu biên chế, và cũng để ưu tiên những người đã có thời gian làm hợp đồng đã quá lâu. BS Phạm Văn Tài, Giám đốc BV, cho rằng chỉ việc ưu tiên điều dưỡng làm hợp đồng sung vào quỹ biên chế, BV cũng phải mất nhiều năm nữa mới có thể tuyển mới SV học ngành này, cũng để cải thiện mức lương và đời sống của nhân viên. “Chúng tôi không thể nhận nhân viên điều dưỡng thêm, dù chỉ để cho họ học việc và làm việc không lương vì về mặt nhân đạo không thể để họ làm không công cho BV mà không có thu nhập, luật lao động cũng không cho phép làm điều này”.

Về mặt nghề nghiệp, nghề điều dưỡng có thể làm được nhiều việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe như chăm bà mẹ mới sinh tại nhà, chăm sóc người ốm, người già… Nhưng để có được một việc làm ổn định từ nghề này không dễ, bởi ở Đà Nẵng hiện chỉ có công ty Nhân Ái, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh và giới thiệu nhân viên điều dưỡng cho những BV hay gia đình nào có nhu cầu chăm sóc người già (nhân viên được đào tạo thêm kỹ năng phù hợp nếu họ ký hợp đồng làm việc với công ty). Tại BV Đà Nẵng, chỉ những điều dưỡng viên đã được ký hợp đồng làm việc được khoa Điều dưỡng giới thiệu thêm việc làm nhằm tăng thêm thu nhập của họ như chăm sóc người bệnh.

Cần một định hướng nghề nghiệp

Nhiều bác sĩ, trưởng phòng tổ chức cán bộ các BV cảnh báo, với việc nhiều trường đào tạo nhân lực ngành sức khỏe (trình độ trung cấp) như hiện nay, trong tương lai gần sẽ có khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp, không tìm được việc làm. Không chỉ có điều dưỡng, dược sĩ trình độ trung cấp khó tìm được việc làm mà ngay cả cử nhân ngành sức khỏe ra trường cũng chịu cảnh long đong chờ việc.

Bộ Giáo dục - Đào tạo giao quyền quyết định và số lượng chỉ tiêu hằng năm cho các trường, nên trường nào cũng mạnh tay chiêu sinh, đào tạo cả ngàn SV ngành y dược. Nếu bộ chủ quản và các ngành liên quan không đưa ra con số cụ thể bao nhiêu người đã qua đào tạo ngành này bị thất nghiệp, thì tình trạng bội thực ngành chăm sóc sức khỏe sẽ trầm trọng hơn khi mùa tuyển sinh sắp đến, nhiều trường ĐH, CĐ tiếp tục định hướng, tư vấn cho học sinh chọn ngành y dược, nhất là điều dưỡng vì dễ kiếm việc làm. Điều gì sẽ xảy ra nếu học sinh nào cũng chạy theo nghề ‘hot” và tư vấn của các nhà đào tạo lệch pha?

Việc sử dụng không hết công suất đào tạo ở nhiều ngành, trong đó mới nhất là ngành y dược là lỗi của ai? Nhiều ý kiến cho rằng thực trạng này xuất phát từ nhiều phía, trong đó công tác dự báo, định hướng đào tạo ngành nghề chưa sát, thậm chí vênh với nhu cầu sử dụng. Tiếp đến và việc mở ngành học quá dễ, đào tạo tràn lan nhưng thiếu chuẩn, chất lượng không đạt yêu cầu…

Một trong những lý do khiến các nhà tuyển dụng chê lao động ngành sức khỏe là do chất lượng đào tạo không đồng đều, thiếu chuẩn thống nhất. Hiện nay các trường mới chỉ giới thiệu cho SV các BV, bệnh xá, trung tâm y tế… ở nhiều tỉnh, thành miền Trung để thực tập, chứ chưa thể bảo đảm đầu ra cho SV. TS, BS Quốc Chấn của khoa Y-Dược, ĐH Đà Nẵng cho biết, khoa mới làm việc ở mức độ ghi nhớ với một số BV ở Đức, để có thể xuất khẩu điều dưỡng và hộ lý sang Đức. Như vậy, khoảng 2 năm nữa chỉ lớp điều dưỡng hệ cử nhân mới có thể được xuất khẩu lao động, với điều kiện phải được đào tạo tiếng Đức ngay từ bây giờ…

HOÀNG NHUNG

 

;
.
.
.
.
.