.

Dập dịch không dễ

.

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố liên tục ghi nhận hàng trăm ca sốt xuất huyết, tay chân miệng và đau mắt đỏ. Đây là các loại bệnh có thể bùng phát thành dịch, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được khống chế và chữa trị kịp thời.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra những nơi chứa nước tránh để loăng quăng, bọ gậy sinh sôi (ảnh trái) và đội ngũ Trung tâm Y tế dự phòng quận Hải Châu trong một buổi phun hóa chất diệt muỗi tại phường Thuận Phước. Ảnh: H.L
Ngành Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra những nơi chứa nước tránh để loăng quăng, bọ gậy sinh sôi (ảnh trái) và đội ngũ Trung tâm Y tế dự phòng quận Hải Châu trong một buổi phun hóa chất diệt muỗi tại phường Thuận Phước. Ảnh: H.L

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng, Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị cơ sở và đoàn thể khác tại địa phương tiến hành phun hóa chất, ra quân tổng dọn vệ sinh nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, chuyện dập dịch sẽ khó đạt hiệu quả tối ưu nếu chỉ dựa vào những biện pháp của ngành Y tế.

Tại sao phải khoanh vùng dập dịch?

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng, thời điểm hiện nay đang vào đỉnh mùa dịch nên tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp. Đơn cử, trong hai tháng 9 và 10, trung bình mỗi tuần toàn thành phố xuất hiện thêm 5 ổ dịch nhỏ, ghi nhận thêm khoảng 50 ca SXH, trong khi các tháng trước là 20 ca, nâng tổng số ca bị SXH lên con số 1.340.

Thời điểm hiện tại, quận Hải Châu là quận có số người mắc bệnh SXH nhiều nhất với 476 ca, hơn 40 ổ dịch rải đều trên 12 phường, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, toàn thành phố thời gian qua ghi nhận 5 ca SXH nặng, có nguy cơ tử vong nhưng nhờ chữa trị kịp thời nên đã dần bình phục. Trước tình hình này, Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng đã tiến hành diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất tại 56 tổ của phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), 50 tổ của phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), 50 tổ của phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) và 24 tổ tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang)….

Về mặt dịch tễ, việc nhanh chóng dập dịch rất quan trọng bởi đó là điều kiện nhằm kiểm soát tốt vùng bị dịch, không để mầm bệnh phát tán đi nơi khác gây ổ dịch mới và chỉ có ý nghĩa khi ổ dịch mới xuất hiện ở một số nơi, chưa phát tán rộng rãi. Việc khoanh vùng cũng đi kèm với các biện pháp như tiêu hủy các vật mang mầm bệnh, phun hóa chất, vệ sinh tiêu độc và làm sạch môi trường. Ngoài ra, vùng được khoanh có diện tích càng rộng thì độ an toàn càng cao và công tác dập dịch càng hiệu quả.

Để việc dập dịch được triển khai kịp thời, ngành y tế xác định trong vòng bán kính 200m (ở cùng tổ dân phố hoặc 2 tổ dân phố liền kề) nếu xuất hiện 2 bệnh nhân có biểu hiện bệnh giống nhau sẽ được coi là ổ dịch nhỏ và tiến hành các biện pháp dập dịch để tránh lây lan ra cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng cho biết, với SXH dù đã biết nguyên nhân, đường truyền và cách điều trị, nhưng dịch bệnh vẫn khó được dập tắt hẳn bởi thời tiết nắng nóng xen lẫn những cơn mưa rào, độ ẩm thấp là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Ades aegypti sinh sôi và phát triển.

Cũng theo bác sĩ Lãm, vi-rút dengue gây bệnh SXH gồm 4 tuýp huyết thanh có ký hiệu là D1, D2, D3, D4 hiện đang có mặt tại Đà Nẵng nên nếu không có biện pháp khống chế kịp thời, nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng là điều khó tránh khỏi. Loại vi-rút này có thể tồn tại, phát triển lâu dài trong cơ thể muỗi vằn nhưng dễ dàng bị diệt khi ra môi trường bên ngoài. Vi-rút có thể tồn tại lâu dài nên cần các hóa chất khử khuẩn thông thường như nhóm clo hoạt tính, nhóm alcol, các muối kim loại nặng, chất oxy hóa, chất tẩy, xà phòng và nhiệt độ trên 560C bất hoạt vi-rút trong vòng vài phút.

Cần sự chung tay

Qua khảo sát cho thấy người dân có kiến thức khá đầy đủ về phòng, chống SXH thông qua các kênh truyền hình, tờ rơi cũng như phương pháp truyền thông đến từng nhà, từng ngõ của ngành Y tế. Tuy nhiên, thực tế tại cộng đồng vì lý do này hay lý do khác, nhiều người vẫn không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những biện pháp được ngành y tế khuyến cáo.

Để hạn chế tối đa tình trạng người dân chủ quan trong việc phòng, chống bệnh SXH, UBND quận Hải Châu đã ra văn bản chỉ đạo các đơn vị như Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận, cộng tác viên dân số phối hợp với ngành y tế đến từng hộ dân tuyên truyền cũng như ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy, lật úp các chum vại, chai, lọ… chứa nước tù đọng trước khi đội ngũ y tế tiến hành phun hóa chất. Lịch phun hóa chất được báo về từng hộ dân nhằm hạn chế trường hợp người dân vắng nhà, gây khó khăn cho công tác dập dịch.

Lý giải vì sao tiến hành khá nhiều biện pháp nhưng tình hình dịch bệnh trên địa bàn quận vẫn diễn biến phức tạp, ông Huỳnh Đoàn Hưng, Đội phó Đội Y tế dự phòng quận Hải Châu nêu ra một số vấn đề như việc người dân ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường chưa đồng bộ nên khó diệt được muỗi hay diệt bọ gậy ở nơi này xong thì bọ gậy ở nơi khác đã phát triển thành muỗi và bay đến đẻ trứng tạo nên vòng lẩn quẩn. Tại những vùng có dịch SXH, số nhà phối hợp để đội ngũ phun hóa chất vào làm việc chỉ chiếm khoảng 90%, lý do được các hộ đưa ra là bận đi làm, ngại lau chùi nhà cửa…

Trong khi đó theo nghiên cứu, loài muỗi có thể bay xa đến 200m nên khi phun chỗ này thì muỗi có thể bay đến chỗ kia ẩn nấp, chờ điều kiện thuận lợi lại quay về chốn cũ. Điều này khiến dịch bệnh sau thời gian yên ắng có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào khi gặp thời tiết thuận lợi. Chưa kể, trứng muỗi có thể tồn tại 6 tháng trong môi trường tự nhiên, điều này lý giải cho việc vì sao khi có vũng nước tù đọng khoảng 1, 2 ngày đã có lăng quăng, bọ gậy xuất hiện.

Để tình hình dịch bệnh được khống chế trong thời gian tới, ngành y tế khuyến cáo, mỗi gia đình khi có người nhà mắc bệnh cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để có hướng dẫn xử lý. Ví dụ có thời điểm đi chỗ nào cũng thấy người đau mắt đỏ nhưng con số thống kê tại ngành y tế vẫn còn thấp do chỉ ghi nhận được những trường hợp đưa vào viện điều trị. Còn hàng trăm trường hợp khác tự mua thuốc về nhỏ thì không thể nắm được.

Một số người cứ nghĩ rằng đau mắt thì chỉ cần đeo kính là tránh được trong khi thực tế lại không phải thế. Đây là bệnh do virus. Loại virus này có thể chui qua hệ thống dẫn nước mắt, xuống mũi và lây truyền qua nước bọt. Virus có thể tồn tại trong không khí nên ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cũng có thể bị lây. Ngoài ra, đau mắt đỏ có thể lây qua các vật dụng trong gia đình, chẳng hạn người bị bệnh dụi mắt rồi cầm vào chén, bát, tay nắm cửa sau đó các thành viên cũng sử dụng hay đụng chạm tới các vật này. Đặc biệt nếu dùng chung kính, khăn mặt thì khả năng lây còn cao hơn… Đó là một trong những ví dụ giải thích vì sao dịch bệnh khi đã bùng phát thì rất khó triệt tiêu trong thời gian ngắn, nhất là khi người dân không chủ động thông báo với ngành y tế để có biện pháp phòng, chống và chữa trị kịp thời.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.