Mặc cho hàng loạt chiến dịch an toàn giao thông được các ngành, các cấp đặt ra, TNGT vẫn cứ diễn ra với nhiều cái chết thương tâm. Hậu quả do TNGT có thể nói là không gì có thể bù đắp.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, số người tử vong do TNGT ở nước ta trong 10 năm qua đã lên tới con số 120.000 người. Tức mỗi ngày trung bình có hơn 30 người phải vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống và 150 người bị thương do TNGT; con số thiệt hại mỗi năm vào khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Khi nói về TNGT đã xảy ra, người gây tai nạn và nạn nhân đều dùng cụm từ “giá như” đầy hối tiếc, nhưng sẽ không có “giá như” nếu như ai cũng chấp hành đúng luật, có ý thức cao khi tham gia giao thông.
Chị Lượng vừa luyện tập phục hồi chức năng cho con Trần Xuân Hiếu ở BV Chỉnh hình & PHCN Đà Nẵng vừa không thôi hy vọng…Ảnh: H.N |
Rau cháo theo nhau...
Nhìn Trần Xuân Hiếu (17 tuổi, ở Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) nằm bất động trên giường bệnh ở khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, không ai không khỏi xót xa. Cặp mắt em nhìn thẳng lên trần nhà, vô hồn. Thỉnh thoảng em hướng mắt theo tiếng gọi của mẹ.
Cách đây gần 2 năm, lúc trời nhập nhoạng tối, Hiếu đang đứng ở ngõ với hai người bạn trao đổi về bài thi học kỳ, thì một người đi xe máy từ bên kia đường tông thẳng vào em. Hiếu nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não, bỏ lại sau lưng trường học, gia đình, bỏ lại mọi ước mơ còn dang dở, có lẽ suốt đời gắn chặt với giường bệnh khi trí não cũng như tay chân không còn cử động được nữa. Mẹ em, chị Đoàn Thị Lượng, theo con ra BV Đà Nẵng 2,5 tháng; con qua cơn nguy kịch, chị đưa con về đây, ròng rã giúp con tập luyện suốt 19 tháng qua, chưa kể 3 tháng đưa con lên BV Tâm thần chữa bệnh động kinh do di chứng của vụ tai nạn. Chị cần mẫn xoa bóp tay chân, tập vận động cho con theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhờ đó một tay và một chân Hiếu đã có thể cử động một chút. Chị chưa bao giờ thôi hy vọng Hiếu sẽ trở lại cuộc sống, dù không được như trước, nên dù có rau cháo gì chị cũng theo con đến cùng. Rau cháo của hai mẹ con là mỗi bữa chị mua một hộp cơm 15 nghìn, hai mẹ con ăn chung, buổi sáng nếu có cháo từ thiện thì chị xin cho con. Đến nay gia đình chị đã vay mượn hơn 300 triệu đồng. Chỉ riêng hai tháng rưỡi giành lại sự sống cho Hiếu đã tốn 252 triệu đồng. “Bên thi hành án họ bảo là người gây tai nạn cũng không có tài sản gì. Biết vậy nên mình đành chịu”, chị Lượng kể trong tiếng thở dài.
Cũng là nạn nhân TNGT, nhưng anh Trần Thanh Phương (28 tuổi, ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, hiện đang điều trị tại BV Chỉnh hình & PHCN Đà Nẵng) lại nói anh may mắn hơn nhiều người, là chỉ phải… cưa bỏ hoàn toàn 1 chân. Trước ngày đi làm sau đợt nghỉ Tết Quý Tỵ, anh Phương chở theo một người bạn, đang đi trên đường thì bị một chiếc xe tải tông phải. Khi tỉnh dậy anh biết mình đã mất đi một phần cơ thể và phải trả hơn 150 triệu đồng tiền thuốc. Nằm ở BV Đà Nẵng gần 2 tháng, được về nhà, lúc đó anh mới biết người bạn đi cùng đã thiệt mạng trên đường đến BV. Cũng chỉ vì anh là trụ cột kinh tế trong nhà, số tiền kiếm được còn để nuôi mẹ, bà ngoại, nên năm nay em gái anh chỉ dám chọn học trường cao đẳng. Khi anh Phương một mình ra Đà Nẵng tiếp tục điều trị phục hồi chức năng, thì được tin gia đình người bạn kiện anh ra tòa, yêu cầu bồi thường chỉ vì anh là người cầm lái! Bạn không còn, nhưng gánh nặng “bồi thường” kia vẫn treo lơ lửng trên cái chân còn lại của anh Phương. Anh thấy tim mình nặng trĩu.
Di chứng để lại
Tai nạn giao thông không loại trừ một ai. Và hậu quả của TNGT để lại thật là khủng khiếp, ngoài những trường hợp đau đớn nhất là tử vong thì phần lớn các trường hợp dù ít dù nhiều đều để lại di chứng ở các mức độ khác nhau.
Trong các ngày từ 1 đến 26-9-2013, khoa Cấp cứu BV Đà Nẵng tiếp nhận 683 trường hợp BN bị TNGT, trong đó có 246 BN bị chấn thương sọ não (kèm đa chấn thương). Ngày ít BN nhập viện vì TNGT là ngày 3-9 với 15 người, ngày nhiều nhất là ngày 8-9 với 49 người. Số ca bị chấn thương sọ não, đa chấn thương chiếm từ 30-60% BN bị TNGT. Nguồn: Khoa cấp cứu, BV Đà Nẵng |
Theo BS Chuyên khoa 1 Huỳnh Tấn Tuệ, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, BV Chỉnh hình & PHCN Đà Nẵng, thì bệnh nhân (BN) bị chấn thương sọ não (chiếm khoảng 45% các trường hợp), có nguy cơ tử vong rất cao hoặc dù cứu sống được thì cũng để lại nhiều di chứng nặng nề như sống đời sống thực vật, liệt chân tay, động kinh, rối loạn tâm thần, hoang tưởng, trầm cảm, rối loạn ngôn ngữ (chiếm 70% trường hợp). Nhiều BN bị gãy vỡ cột sống, đứt tủy gây liệt hai chân phải suốt đời làm bạn với chiếc xe lăn. Nhiều bệnh nhân bị gãy răng, vỡ xương hàm, biến dạng mặt mũi kể cả sau khi đã được phẫu thuật cũng vẫn còn di chứng. Nặng hơn nữa thì bị gãy vỡ các xương như xương tay, chân, xương chậu, xương đòn, xương sườn (chiếm khoảng 30% các trường hợp) và thường có các di chứng như biến dạng lồng ngực, lệch trục, cong chân, chân cao chân thấp nếu không được xử lý tốt. Ngoài ra còn nhiều trường hợp bị tổn thương các tạng trong ổ bụng như vỡ gan, lách (chiếm 40% các trường hợp)... Nhiều năm sau tai nạn, BN vẫn phải chịu những cơn đau từ các vết sẹo, chỗ xương gãy đã lành, những cơn đau đầu mỗi khi thay đổi thời tiết.
“Tùy theo mức độ nặng nhẹ, nhưng mỗi BN phải mất ít là 2 tháng, còn không thì phải từ 1-3 năm tập phục hồi mới cử động được tay, chân, đi lại gần bình thường, nhưng đa số không thể trở lại làm việc như trước. Nhiều người sau một thời gian tập đi được bằng xe lăn, có thể ra hiệu cho người thân biết các dấu hiệu đại, tiểu tiện được là chúng tôi phải cho xuất viện; vì họ bị đa chấn thương và không bao giờ phục hồi”, BS Tuệ cho biết thêm.
Theo Ths, BS Nguyễn Trường Minh, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Đà Nẵng, thời gian BV tiếp nhận nhiều ca cấp cứu do TNGT nhất trong ngày là lúc tan tầm buổi chiều cho đến nửa đêm, có hôm đến 2 giờ sáng. Hầu hết BN có độ cồn trong máu cao. Trước đây vào dịp lễ, Tết BN tăng đột biến nhưng khoảng 1 năm trở lại đây thì con số người bị TNGT giảm đáng kể. Với đội ngũ 4 BS cấp cứu và 5 BS chuyên môn khác, hầu hết BN được cứu chữa kịp thời, kể cả những trường hợp chấn thương ổ bụng như vỡ gan, lách. “Tuy nhiên, với những trường hợp BN bị xe tải tông, đa chấn thương (trong đó có chấn thương não) thì trường hợp được cứu sống rất ít”, BS Minh cho biết thêm.
Phần lớn nạn nhân của TNGT ở lứa tuổi từ 18 đến 40, có đóng góp nhiều nhất cho xã hội thì lại trở thành gánh nặng xã hội. Và sau mỗi vụ TNGT, người ta thường hay nhắc tới cái từ “giá như”: Giá như đừng chạy nhanh, vượt ẩu, giá như đừng chạy ngược chiều, giá như đừng vội vã, giá như đừng nghe điện thoại, giá như đừng chếnh choáng hơi men, giá như và giá như…” luôn là câu hỏi xoáy cho tất cả những ai là nạn nhân của TNGT.
HOÀNG NHUNG