Chiều 15-10, giữa ngổn ngang cây đổ ven đường Trường Sơn (cũng là quốc lộ 14B) dẫn lên huyện Hòa Vang, tôi a-lô cho Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Phú Hành thì nghe tiếng được tiếng mất do đường truyền bị ảnh hưởng bão số 11, chỉ loáng thoáng biết xã bị thiệt hại nặng nhất là Hòa Nhơn...
Nhà bà Lê Thị Nại (trái) và anh Nguyễn Minh Vương tan hoang sau bão.Ảnh: V.T.L |
Nặng nhất Hòa Nhơn
Hòa Nhơn có 7 nhà sập hoàn toàn, 8 nhà sập một phần, 90 nhà tốc mái hoàn toàn, 301 nhà tốc mái một phần. Sáng 16, lên tới cơ quan xã Hòa Nhơn thì gặp tân Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Xuân Đại, anh đưa tôi xuống thăm các nhà bị sập do dưới thôn báo lên.
Bà Lê Thị Nại ở thôn Hòa Khương Tây, rút kinh nghiệm các trận bão trước, cho xây một phòng rất kiên cố ở dưới gác lửng nhà mình, sàn gác đổ bê-tông chắc khừ. Rạng sáng 15-10, bão ập tới, 8 người trong nhà bà trú trong căn phòng kín nhưng vẫn nghe ầm ầm tiếng gió rít, tiếng tôn bay ngoài trời. Anh Huỳnh Tỉnh, con trai bà, kể lại mà vẫn chưa hết run: Đang lo chưa biết bên ngoài thế nào thì... rầm một phát, căn phòng rung chuyển, cây, gạch, tôn đổ ào ào, tụi tui biết chắc là nhà mình sập. Cứng tay cứng chân hết trơn. Đợi tới sáng ngớt gió mới dám hé cửa nhìn ra…
Nhà anh Nguyễn Minh Vương ở thôn Thạch Nham Đông, nằm trong con hẻm nhỏ bên đường 14B, bị bão đánh sập hoàn toàn; rất may, trước khi bão đến, anh đã đưa vợ và hai con nhỏ qua nhà bà nội anh gần đó ở tạm, nên không hề hấn gì. Nhìn cây vú sữa bật gốc nằm sõng soài bên ngôi nhà đổ sụp, tôi mường tượng đến sức gió khủng khiếp của bão số 11 và nỗi lo sợ phập phồng của người dân Hòa Vang khi nghĩ đến sức tàn phá khủng khiếp của bão số 6 (Xangsane) năm 2006.
Bà Phạm Thị Nhân, hàng xóm của anh Vương, kể rằng suốt 2 ngày trời loa phóng thanh thúc hối những người có nhà ở không kiên cố phải sơ tán đến nơi an toàn. Phụ nữ, trẻ em, người già đi trước, thanh niên ở lại dọn dẹp rồi đi sau cùng. 6 giờ tối 14-10, cơm nước xong, cả nhà bà cũng đến trú bão ở nhà bà nội anh Vương.
Ở nơi được dự báo là tâm bão
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lê Văn Phước cho biết, toàn huyện có 27 phòng học bị tốc mái hoàn toàn, trong đó nặng nhất là Trường THCS Trần Quốc Tuấn - Hòa Phong (6 phòng), THCS Nguyễn Văn Linh - Hòa Phước (5 phòng), THCS Nguyễn Viết Xuân - Hòa Ninh (4 phòng), Tiểu học An Phước – Hòa Phong (3 phòng).
Trường THCS Trần Quốc Tuấn, khi tôi đến, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 919 - Sư đoàn 372 Không quân đang dọn dẹp cây cối ngã đổ ngổn ngang trong sân dưới sự chỉ đạo của Trung tá Phó Tham mưu trưởng Vũ Minh Tuấn. Hằng năm, đơn vị hiệp đồng với Quận đội Cẩm Lệ, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố về tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai. Sáng 16-10, Trung tá Tuấn đưa 35 chiến sĩ lên Hòa Phong, được Huyện đội Hòa Vang phân công về ngôi trường bị thiệt hại nặng do bão nhất huyện này.
Theo đánh giá ban đầu của thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Sơn, Trường THCS Trần Quốc Tuấn thiệt hại tương đối nặng. Tốc mái 6 phòng: hội trường, phòng truyền thống, phòng bộ môn tiếng Anh, phòng học Hành trình yêu thương, phòng học nhạc và phòng bộ môn Vật lý. Nhà xe và nhà vệ sinh cũng bị tốc mái. Bão số 6 năm 2006 trường cũng tốc mái y như bão số 11 năm nay. Sau bão số 6, các mái tôn đã được neo rất kỹ xuống tường, tuy nhiên do bão năm nay quá mạnh nên đã dỡ cả mái tôn, xà gồ và bứng luôn cả một phần tường. Thầy Sơn nhận định: “Có lẽ do phía sau trường là đồng trống và bão đi đúng đường cũ nên bị thiệt hại nặng. Chúng tôi sẽ tham mưu nên đổ mê, chừa sắt hàn vô xà gồ để giữ mái tôn lại. Năm nay đang chuẩn bị xây dựng trường chuẩn nên thầy trò chúng tôi lo lắm”.
Đã có kinh nghiệm máu xương từ cơn bão Xangsane lịch sử nên các trường học ở Hòa Vang chuẩn bị “đón” bão số 11 rất kỹ lưỡng. Cô Lê Thị Bích Liên, hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Hòa Nhơn cho biết, nhờ có Trường Quân sự Quân khu 5, Cảnh sát 113 - Bộ Công an, Tiểu đoàn 11 - Sư đoàn Phòng không 375 cùng với phụ huynh học sinh chằng chống phòng ốc ở trường chính và 2 điểm lẻ nên trường không thiệt hại gì nhiều, chỉ đổ một ít la-phông và sập khoảng 30m tường rào. Ngay cả cây cối trong sân trường cũng được xén bớt nhánh. Năm 2006, trường tốc mái 8 phòng học. Trường Tiểu học Lâm Quang Thự năm 2006 cũng bay sạch mái 3 dãy nhà, nay chỉ tốc mái 1 phòng học.
Huyện Hòa Vang trước đó được dự báo là tâm bão của bão số 11 nên từ cơ quan, đơn vị cho đến bà con nhân dân đều không chủ quan. Trên địa bàn huyện, bão Xangsane năm 2006 đã làm sập hoàn toàn 2.626 ngôi nhà, làm chết 16 người; bão Nari năm nay chỉ làm sập hoàn toàn 40 nhà, bị thương nặng 4 người, bị thương nhẹ 2 người.
Xangsane, theo tiếng Lào có nghĩa là “con voi lớn”. Nari, theo tiếng Hàn có nghĩa là “hoa huệ”. Không hẳn vì “hoa huệ” nương tay hơn “con voi lớn” mà chính vì sự chuẩn bị chu đáo từ cả hệ thống chính trị đến toàn dân đã làm cho bão số 11 năm nay không gây thiệt hại nặng về người và của như 7 năm về trước.
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ