Rửa tay và rửa tay bằng xà phòng từ lâu được xem là một trong những biện pháp phòng bệnh tay chân miệng, bệnh về đường tiêu hóa, bệnh viêm gan A, E,… bệnh về giun sán rất hiệu quả và khâu rửa tay cũng vô cùng quan trọng không kém, thế nhưng dù các vụ dịch hay đợt bùng phát các bệnh kể trên thường diễn ra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhưng thói quen rửa tay hình như chưa thực hiện một cách toàn diện, tích cực với nhiều người, đặc biệt là trẻ em, người lớn và người đang nuôi hoặc chăm sóc trẻ ốm…
Các tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ hướng dẫn cách rửa tay 6 bước theo quy trình của WHO hướng dẫn tại các điểm tuyên truyền phòng bệnh tay chân miệng. Ảnh: H.N |
Người lớn và thói quen… lười rửa tay
Trong các tài liệu về phòng bệnh tay chân miệng, về lý thuyết thì việc phòng bệnh rất đơn giản nhưng thực tế thì không phải vậy. Vì từ nhận thức đúng cho đến hành động đúng thường rất xa nên bệnh vẫn xuất hiện liên tục những năm qua. Đa số ai cũng biết phòng bệnh tay chân miệng (bệnh lây từ đường tiêu hóa) là rửa tay đúng, vệ sinh ăn uống, sát khuẩn, diệt khuẩn đồ chơi nơi sinh hoạt của trẻ nhưng khi thực hiện thì... quên, nhất là với những gia đình chưa có trẻ mắc bệnh.
Tại các trường mầm non, các em bé từ 2-3 tuổi trở lên đã được làm quen với chương trình vệ sinh học đường, được cô giáo tập cho thói quen rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ở trường tiểu học cũng vậy. Thế nhưng về nhà, ai là người nhắc trẻ thực hiện hành vi phòng bệnh đúng đắn này? Không ít bé phải nhắc bố mẹ “sao bố mẹ lại chưa rửa tay vậy?”. Hoặc các em không được tự rửa tay mà phải phụ thuộc việc này cho người lớn. Trong khi nhiều bà mẹ chỉ rửa tay bằng nước và bỏ qua việc rửa tay với xà phòng diệt khuẩn. Nhiều người cho rằng, chỉ cần rửa tay với nước, tay nhìn thấy trắng - không mùi nghĩa là đã sạch. Nhưng thực ra rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn mới giúp tay sạch thực sự. Xà phòng là “vắc-xin” duy nhất phòng bệnh hiệu quả.
Chị Lưu Thị Bốn, Điều dưỡng trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết các chị thường xuyên tuyên truyền việc rửa tay bằng xà phòng cho người nhà bệnh nhân đến khám cũng như nhập viện. Quy trình rửa tay bằng xà phòng cũng được nhân viên bệnh viện thực hành mẫu trong những buổi họp với người nhà bệnh nhân hằng tuần. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ các bệnh viện cho rằng chỉ cần bệnh nhân và người nhà của họ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là mục đích tuyên truyền đã đạt hiệu quả, chứ chưa cần đến quy trình rửa tay gồm 6 bước theo đúng quy cách.
Một vấn đề cần quan tâm khác là tại nhiều bệnh viện, lavabo để rửa tay không đủ, không có xà phòng hoặc bị hư hỏng không thể sử dụng. Bên trên rất nhiều lavabo tại bệnh viện luôn có dòng chữ “chỉ dùng để rửa tay”. Nhưng chuyện người nhà bệnh nhân đổ cháo và các loại thức ăn xuống lavabo xảy ra thường xuyên nên cái nơi dành để rửa tay này thường xuyên bị hư hỏng. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện kể cả khi có và không có dịch khiến các bệnh viện phải tận dụng phòng làm việc, kho thuốc để kê giường bệnh cũng khiến vấn đề phòng vệ sinh trở nên thiếu thốn, không đáp ứng yêu cầu. Như tại khu B, khu hành chính của khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi là nơi tận dụng để kê giường, nên nhiều phòng bệnh phải dùng chung một nhà vệ sinh, không có lavabo rửa tay. Hay tại tầng 4 của khoa Nhi bệnh viện này, trong số 4 cái lavabo dọc hành lang chỉ có 1 cái sử dụng được, nhưng nước thoát rất lâu.
Rửa sạch tay chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng
Xuất phát từ thói quen và ý thức phòng bệnh của cộng đồng còn thấp, nhiều bà mẹ không chú trọng đến việc dạy con trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cho bản thân ngay từ nhỏ, kể cả thói quen rất đơn giản: rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi, sau khi vệ sinh và trước khi ăn. Trong khi đó, theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần một động tác rửa tay sạch là đã giảm tới 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn…
Trong hoạt động truyền thông nhằm thay đổi thói quen vệ sinh của người Việt, nhãn hàng Lifebuoy truyền đi các thông điệp vệ sinh đúng cách, ghi nhớ các thời điểm rửa tay qua các chương trình truyền hình…
Các nhà khoa học đã khuyến cáo: Rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh giúp cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ mọi loại thuốc kháng sinh. Nó có thể làm giảm một nửa số ca tiêu chảy trên thế giới, giảm ½ các ca tử vong do viêm phổi và ¼ các ca do bệnh liên quan đến hô hấp. Tiêu chảy đứng thứ 2 trong số các nguyên nhân gây tử vong, mỗi năm giết hại hơn 1,5 triệu trẻ em. Thứ hai là bệnh viêm phổi, mỗi năm cướp đi mạng sống của khoảng 2 triệu trẻ dưới 5 tuổi. Rửa tay là một cách hữu hiệu phòng chống các căn bệnh này.
Năm 2012, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng triển khai dự án “Ứng phó khẩn cấp bệnh tay chân miệng năm 2012” do Hiệp hội CTĐ-TLLĐ quốc tế hỗ trợ. Đã có 210 tình nguyện viên được tập huấn về bệnh và cách phòng bệnh. 300 tình nguyện viên và các bà mẹ có con dưới 5 tuổi đã đến 6.300 gia đình tuyên truyền về bệnh tay chân miệng; 900 bánh xà phòng và hàng trăm tờ rơi về các kiến thức phòng bệnh được phát cho người dân.
Từ năm 2008 đến nay, ngày 15-10 được chọn là “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng”, với sự kiện hàng triệu người của hơn 20 quốc gia trên thế giới cùng tham gia rửa tay với xà phòng và truyền đi thông điệp về thói quen cá nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng thế giới. Ngày hội này giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc rửa tay thường xuyên với xà phòng để phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa như tả, lỵ, dịch cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), đặc biệt là bệnh tay chân miệng - một trong những bệnh nguy hiểm đang diễn ra hết sức phức tạp trong thời gian gần đây.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, cách phòng chống tay chân miệng hiệu quả là rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch. Không để trẻ mút tay, đưa đồ chơi lên miệng. Cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa bát. Người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường hoặc chloraminB. |
HOÀNG NHUNG