Chiều 15-10, khi cơn bão đã qua, ông Trần Văn Bé, 76 tuổi ở thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, vừa ốm dậy, vẫn lò dò chống gậy vào khu rừng trồng 3ha của gia đình phía trong khe Trí. Biết ông chưa khỏe hẳn, vợ ông can ngăn: “Gãy thì đã gãy rồi…”. Chỉ mấy cây trong vườn bị gãy đổ gần hết, ông nói: “Ngồi ở nhà không yên tâm, phải vào tận nơi xem. Biết bao vốn liếng đầu tư vào đó, không chừng lại trắng tay như hồi bão Xangsane”.
Xẩm tối, ông Bé trở về, mồ hôi ướt đầm lưng áo, gương mặt sầu não đến khó tả. Vừa đến hiên nhà, ngồi bệt xuống đất, cứ thế ông ngó trân trân về phía núi. Ai hỏi gì ông cũng nín thinh. Hồi lâu, ông mới lên tiếng. “Cây gãy hết rồi bà ơi, trắng tay rồi. Đợt bão này tàn phá ác liệt hơn đợt bão trước. Tình cảnh này, biết lấy gì trả tiền cây giống cho thằng Tiến cho mượn hồi trồng cây. Hôm trước, thấy cây lên đẹp, đều, tôi đã hứa với nó, đợt này thu hoạch xong sẽ trả”, lời ông như nghẹn lại. “Thôi, đừng buồn nữa ông. Rừng trồng hư hỏng, thất thu do bão, ai cũng bị chứ đâu riêng nhà mình. Trời không thương, đành chịu”, vợ an ủi mà ruột gan cũng rối bời.
Vợ chồng ông Bé đến định cư ở Nam Mỹ, xã Hòa Bắc ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Có được cơ ngơi như hiện nay, vợ chồng ông vượt qua biết bao gian nan, khổ cực. Nay con cái ông đã trưởng thành. Đứa nào cũng có công việc ổn định và có nhà riêng. Đời sống của vợ chồng ông trông cậy vào 3ha rừng trồng. Ông chăm sóc rất cẩn thận. Cây giống cũng chọn loại tốt nhất. Hồi mới trồng, trưa nào, ông cũng đội nón vào trông coi kẻo trâu bò phá hại. Cách đây ít lâu, khi ngồi trò chuyện, ông khoe về khu rừng trồng rất đẹp, hơn năm nữa thu hoạch, chí ít cũng trên trăm triệu, có để dưỡng già. Thế mà nay, bão tàn phá bằng hết.
Ngược xuôi tại các thôn của 4 xã miền núi Hòa Vang, sau bão số 11, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp ánh mắt buồn rười rượi của người trồng rừng. Không buồn sao được, khi những cánh rừng của họ đầu tư biết bao công sức, vốn liếng, đặt kỳ vọng rất lớn về hiệu quả kinh tế chỉ sau một đêm bão làm gãy đổ tan hoang. Rừng nhiều năm tuổi, có thể tận thu nhưng nhiều lắm cũng chỉ còn khoảng 50-60%. Các khu rừng mới 1-2 năm tuổi coi như mất trắng, phải phá bỏ trồng lại.
Sáng 16-10, từ Hòa Bắc qua Hòa Phú, chúng tôi bắt gặp khá nhiều người đang tận thu keo lai sau bão. Hỏi về tình hình rừng trồng, ông Trần Công Thành ở thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú cho biết: “Quả là người tính không bằng trời tính. Cách đây mấy hôm, mọi người đang tính vài năm nữa, 4ha keo lai của gia đình tôi ít nhất cũng thu được 150 triệu đồng. Thế mà nay, tận thu may lắm thì được phần ba”. Nhìn cây gãy đổ ngổn ngang, lòng ông Công như muối xát. Ông đã đầu tư vào 4ha, cả cây giống, công trồng, công chăm sóc, chí ít mỗi ha 12 đến 15 triệu đồng.
Ý định thu hoạch keo trả nợ của anh Nguyễn Đình Cường, ở thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú đã tan thành mây khói, khi cả 3,5ha keo lai 3 năm tuổi ngã rạp. Anh nói, ở xã miền núi này, không trồng keo chẳng biết làm gì để có thu nhập. Thời gian gần đây, ai nấy đều tập trung đầu tư cho cây keo. Có người khi trồng còn bón cả phân NPK. Đợt bão này coi như mất đứt gần trăm triệu đồng. Đang tính, hơn năm nữa, thu hoạch trả nợ ngân hàng, thế mà nay, nợ chồng lên nợ.
Thiệt hại nặng nhất do bão số 11 ở Hòa Vang có lẽ là rừng trồng. Thống kê chưa đầy đủ, song ước tính có đến 7-8 nghìn ha bị bão tàn phá nặng nề. Chỉ tính riêng xã Hòa Phú, trong số 2.800ha rừng trồng, có 1.800ha rừng từ 3 đến 6 năm tuổi bị thiệt hại 60 - 70% và khoảng 500ha loại 2 đến 3 năm tuổi gần như mất trắng.
Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú ngậm ngùi: Sau bão, đến đâu cũng thấy rừng trồng tan hoang. Bà con nông dân ai nấy đều kỳ vọng rất lớn về kinh tế rừng, thế mà bão cướp mất. Có thể nói, đời sống bà con miền núi vốn đã khó khăn, nay càng khốn khó hơn. Chỉ mong bà con được quan tâm hỗ trợ trong lúc khó khăn này, nhất là cây giống để mọi người gây dựng lại rừng trồng.
NGUYỄN CẦU