.

2,5 triệu khách và hơn thế nữa...

.

Tính đến tháng 9-2013, Đà Nẵng đón 2,5 triệu khách du lịch và 1/5 trong số đó là khách quốc tế. Lượng du khách đến thành phố biển miền Trung mỗi năm luôn tăng khoảng 20%, bất chấp khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới. Để vượt qua con số 2,5 triệu khách, Đà Nẵng cần một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có tay nghề cao. Và trong 3-5 năm tới, nhu cầu nhân lực du lịch vẫn không ngừng tăng lên. Để cung đáp ứng cầu, cần một nguồn nhân sự giỏi và chuyên nghiệp cho ngành du lịch là điều mà các trường đào tạo, các khách sạn, công ty lữ hành đang hướng đến…

SV hệ trung cấp nghề Chế biến món ăn Trường CĐ Nghề Việt-Úc trong giờ thực hành tại trường. Ảnh: H.N
SV hệ trung cấp nghề Chế biến món ăn Trường CĐ Nghề Việt-Úc trong giờ thực hành tại trường. Ảnh: H.N

Đào tạo mới cung ứng 1/5 nhu cầu

Đà Nẵng hiện có khoảng 10 trường đại học, cao đẳng có đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 4-5 nghìn lao động, nhưng chỉ có 2 trong số này đào tạo chuyên sâu các ngành nghề là Trường CĐ Nghề Việt - Úc và CĐ Nghề du lịch Đà Nẵng.

Trường CĐ Nghề Du lịch đào tạo mỗi năm khoảng 700 sinh viên (SV) nhưng mới bước chân vào lĩnh vực này được 3 năm. Còn trường Việt - Úc sau 7 năm chiêu sinh, đã đào tạo 10 nghề là lễ tân, nhà hàng, buồng phòng, kỹ thuật chế biến món ăn, bartender, lữ hành, kế toán, marketting, an ninh khách sạn và quản lý khách sạn, với số lượng mỗi năm khoảng 1.000-1.200 SV. Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết khoảng 95% SV của trường sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm. “SV của trường có thể làm việc ngay tại các khách sạn, nhà hàng sau khi ra trường mà không cần bồi dưỡng thêm nghiệp vụ vì chúng tôi đào tạo theo mô hình đào tạo-thực nghiệm với nhiều phong cách khác nhau (Á, Âu…), phòng thực hành của mỗi nghề được xây dựng như chuẩn các khách sạn và đặc biệt là đội ngũ giáo viên của chúng tôi hầu hết đã có một thời gian làm nghề tại các khách sạn, nhà hàng và dạy cho SV những vấn đề thực tế họ đã trải qua”.

Bà Đinh Thị Thi, Trưởng khoa Du lịch, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng nói rằng, trong điều kiện hạn chế về kinh phí, nhà trường cũng đã đầu tư khá lớn cho các phòng thực hành buồng, bàn, bar, bếp... nhưng cũng không thể trang bị các thiết bị hiện đại như các resort 5 sao hay 4 sao được. Vì vậy, đôi khi các em có thể lúng túng khi sử dụng các thiết bị này tại các khách sạn, resort. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận thực tế cho sinh viên để khắc phục khó khăn này.

Bà Lê Thị Thu Diệp, Tổng Giám đốc Pullman Danang Beach Resort, nêu thực tế nhiều SV sau khi ra trường còn thiếu kinh nghiệm thực tế hay chưa được cọ xát và làm quen với môi trường thực tế, đặc biệt là với các khách sạn năm sao, nên các khách sạn buộc phải tiến hành đào tạo lại (bao gồm cả ngoại ngữ) mới bảo đảm chất lượng lao động. “Việc đào tạo lại luôn tốn thời gian, tiền bạc và công sức của doanh nghiệp. Bởi chương trình đào tạo của các trường không thực sự mang tính thực tiễn (nặng về lý thuyết hơn thực hành). Việc này dẫn đến tình trạng bỡ ngỡ của nhiều SV mới tốt nghiệp. Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng có thể là do thói quen học thụ động của một số SV dẫn đến chất lượng đầu ra của các trường chưa cao bên cạnh thái độ làm việc thiếu năng nổ, không chịu khó tiếp thu cái mới, ảnh hưởng đến kết quả của việc đào tạo nghiệp vụ và hiệu quả công việc tại doanh nghiệp”, bà Thu Diệp nhấn mạnh.

 Nguồn nhân lực du lịch có tay nghề đào tạo ở các trường hiện nay chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của các khách sạn, nhà hàng... (Ảnh đồ họa của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐN)
Nguồn nhân lực du lịch có tay nghề đào tạo ở các trường hiện nay chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của các khách sạn, nhà hàng... (Ảnh đồ họa của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐN)

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển Đà Nẵng từ góc nhìn Doanh nhân” ngày 11-10 vừa qua, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết mỗi năm số lượng học viên được đào tạo cho ngành du lịch chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu về nguồn nhân lực. “Các học viên chỉ tập trung phần lớn vào các lớp như hướng dẫn viên, lễ tân trong khi các vị trí này chỉ chiếm 5-15% trong kinh doanh khách sạn. Các lớp như buồng phòng, đầu bếp, nhà hàng, bảo vệ… học viên theo học ít nhưng nhu cầu lại chiếm đến 70%”.

Từ thực tế trên mà nhiều năm nay Trường CĐ Nghề Việt - Úc luôn tiến hành một “biện pháp” gọi là tư vấn lại cho SV về nhu cầu thực tế của thị trường và nguyện vọng của các em khi mới nhập học. Và có đến 20-25% SV lựa chọn lại ngành nghề, cho nên nghề chế biến món ăn luôn có lượng SV cao nhất, chiếm 56% học viên và hầu hết có việc làm sau khi ra trường với mức lương từ 3,5-10 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, tổng số lao động du lịch trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 14.000 người, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn chiếm chưa đến 1/2. Như lao động trong ngành lữ hành chỉ có gần 800 người, chiếm khoảng 6%; đội ngũ hướng dẫn viên có hơn 500 người, chiếm khoảng 4% nguồn nhân lực. Trong khi đó, số lượng hướng dẫn viên học đúng chuyên ngành được cấp thẻ chiếm 5% trên tổng số lực lượng hiện có.

Cần một chiến lược nhân sự

Năm 2013, Đà Nẵng có nhiều khách sạn mới đi vào hoạt động như Olalani Resort & Condotel, Novotel Premier Han River, Mường Thanh Hotel, Northern Hotel, Melia Danang và Pulchra Danang và cả chục khách sạn, nhà nghỉ khác. Do vậy nhu cầu nhân lực phục vụ ngành du lịch vài năm nay luôn thiếu. Nhưng con số thiếu ở đây chỉ dành cho một số vị trí và cần những người có kinh nghiệm, có tính chuyên nghiệp.

Nhiều giám đốc khách sạn, giám đốc nhân sự các khu resort cho rằng vì thiếu nhân viên đã có tay nghề, hiện nhiều khách sạn, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng mới ra đời chấp nhận trả lương cao hơn mức lẽ ra cần phải trả. Việc cạnh tranh không lành mạnh như vậy đưa đến một giá trị ảo của người lao động, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng thực của nguồn nhân lực ngành du lịch bên cạnh việc tạo ra sự bất ổn trong ngành. Có vẻ, “cuộc chiến” giành giật nhân viên giữa các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn chẳng thể có hồi kết thúc nếu bài toán về cán cân giữa cung-cầu lao động không được giải quyết!

Các khách sạn có qui mô hoạt động lớn và mang tầm cỡ, tiêu chuẩn quốc tế luôn có các chiến lược dài hạn và ngắn hạn trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình.

Theo bà Lê Thị Thu Diệp, Pullman Danang Beach Resort là một resort 5 sao nên chiến lược trong công tác nhân sự của khách sạn bảo đảm sự thành công của chiến lược kinh doanh. Hằng năm, khách sạn có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và giữ chân người tài. Hay luôn mở cửa đón nhận các em SV đến thực tập tại khách sạn, giúp họ có cơ hội làm việc, học hỏi trong một môi trường chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm việc làm của họ sau này. “Nếu họ thực sự có đủ năng lực và tư cách đạo đức chúng tôi sẵn sàng bố trí công việc cho họ sau thời gian thực tập. Đây cũng là một cách góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành du lịch và bảo đảm doanh nghiệp có được nhân viên tốt, ổn định”.

Theo Sở VHTT-DL, cho đến 2015, Đà Nẵng có khoảng 15.700 phòng khách sạn 4 & 5 sao, ước tính cần thêm 16.000 lao động cho các khách sạn này, chưa kể các khách sạn, nhà hàng nhỏ khác.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, trong thực tế ngành du lịch đang thiếu lao động được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ; chất lượng đào tạo ở các trường chưa cao, thiếu thực hành; chương trình đào tạo chưa được cập nhật phù hợp với công nghiệp quản lý khách sạn. Hiện nay rất nhiều khách sạn buộc phải thuê giáo viên các trường bồi dưỡng, đào tạo lại nghiệp vụ cho nhân viên. Nếu các khách sạn, nhà hàng tuân thủ việc đào tạo lại này thì ít nhất 1/3 nhân viên ngành du lịch phải học thêm dưới sự hướng dẫn của các thầy chuyên môn.

Hiện nay các trường CĐ đào tạo nhân lực du lịch đều đưa ra chuẩn tiếng Anh cho SV ngành du lịch là phải đạt tối thiểu 450 điểm chứng chỉ TOEIC. Các trường như CĐ Nghề Du lịch, CĐ Nghề Việt-Úc đều chuẩn bị thành lập trung tâm ngoại ngữ riêng để đào tạo SV. Vấn đề còn lại là mỗi người đã và sắp làm việc trong lĩnh vực này trau dồi thêm ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết để phục vụ khách…

Ngành du lịch hiện đóng góp cho thành phố hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất giải pháp về chiến lược nhân sự cho ngành:

Liên kết các trường bao gồm: Đại học, cao đẳng, dạy nghề để xây dựng quy hoạch mạng lưới đào tạo cung cấp nguồn nhân lực về du lịch cho khu vực.

Khuyến khích các tổ chức quốc tế thành lập trường đào tạo du lịch tại miền Trung.

Liên kết giữa doanh nghiệp du lịch, trường nghiệp vụ để xây dựng các mô hình đào tạo ngắn hạn, trung hạn về du lịch.

Có chính sách phù hợp cho sinh viên, học viên vay vốn học tập thông qua ngân hàng chính sách xã hội hoặc ngân hàng thương mại.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.