Các chương trình hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Pháp từ cấp độ chính phủ đến cấp độ liên kết giữa các trường đại học đã giúp cho hàng trăm sinh viên, giảng viên các trường đại học trong nước có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến và bằng cấp ở chuẩn quốc tế.
Trưởng phòng Khoa học, sau đại học và hợp tác quốc tế, ĐH Bách khoa Đà Nẵng Nguyễn Đình Lâm nhận định, trước đây chỉ có một vài ngành (chủ yếu ở ĐH Bách khoa) có ký kết hợp tác, thì nay hầu như các ngành và các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đều có chương trình hợp tác với các trường ĐH của Pháp…
Chương trình giao lưu Trường hè dành cho SV khối Pháp ngữ (vùng châu Á-Thái Bình Dương trong chương trình trại hè Đà Nẵng 2013). Ảnh: H.N |
Nơi nào có ý chí, nơi ấy có con đường
Đó là “khẩu hiệu” mà Nguyễn Đình Minh Tuấn, một trong những tiến sĩ trẻ nhất của ĐH Bách khoa Đà Nẵng, “nghiệm” ra sau quá trình phấn đấu học tập, du học thành công tại Pháp và được nhận về trường này vào cuối năm 2012.
Sinh năm 1984, Minh Tuấn tốt nghiệp ĐH Bách khoa, bộ môn Công nghệ hóa học - Dầu & Khí vào năm 2008. Với kết quả học xuất sắc, Minh Tuấn nhận học bổng du học Pháp của khối Đại học Pháp ngữ AUF. Em học tại trường Ecole Nationale Supérieure de Chimie de Lille và làm thực tập tại phòng thí nghiệm Hóa học xúc tác và chất rắn của Lille (Unité de Catalyse et de Chimie du Solide). Sau khi học xong thạc sĩ, Tuấn được nhận làm nghiên cứu sinh với đề tài “xử lý hợp chất hữu cơ bay hơi bằng kết hợp xúc tác - plasma”.
Quá trình học và làm nghiên cứu sinh ở Pháp đã giúp Minh Tuấn tiếp cận được môi trường làm việc khoa học và tiên tiến, được làm việc với những nhà khoa học có trình độ cao và chuyên nghiệp; có cơ hội làm hợp tác với các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm “kỹ thuật plasma” tại trường đại học Ghent. Với suy nghĩ “cơ hội sẽ đến với người cố gắng”, nên Tuấn luôn phấn đấu trong suốt 5 năm học đại học cũng như khi đi học ở nước Pháp. Cũng theo Tuấn, có rất nhiều cơ hội mà có thể chúng ta chưa thấy ngay bây giờ. Hãy tích lũy thật tốt để có thể nhận được may mắn khi có cơ hội. Các bạn hãy phát huy tinh thần tự học, chú tâm đến kỹ năng đọc sách, báo, phân tích, tổng hợp và chú trọng đặc biệt đến ngoại ngữ. Và nên nhớ rằng “nơi nào có ý chí, nơi ấy có con đường”.
Mở rộng con đường đến Pháp
Gần 20 năm ký kết các chương trình hợp tác giáo dục với các trường ĐH của Pháp, đến nay đã có hàng trăm sinh viên (SV), giảng viên của ĐH Đà Nẵng được tiếp cận với chương trình giáo dục, nghiên cứu khoa học của Pháp. Rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, nhiều người đã có các học hàm như giáo sư, phó giáo sư có thời gian học và nghiên cứu tại Pháp và nắm trọng trách, có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ĐH Đà Nẵng.
Theo các chương trình hợp tác được ký từ năm 2007 đến nay, các trường ĐH Pháp như Nice Sophia-Antipolis hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đã có 3 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ (do NSA cấp bằng) được triển khai, đã có 24 thạc sĩ ngành công nghệ máy tính, 26 thạc sĩ quản trị kinh doanh và 12 thạc sĩ ngành quản lý nguồn nước và môi trường. ĐH Nantes giúp thành lập khoa Y-Dược thuộc ĐH Đà Nẵng, mỗi năm có 4 GS về Y của ĐH Nantes sang trao đổi kinh nghiệm và giảng dạy cho SV. Ngoài ra còn có các trường ĐH như Chambre de Commerce et d’Industrie de Versailles; ĐH UJF, UPM… hợp tác giảng dạy và đào tạo, trao đổi giáo viên-SV, tổ chức hội thảo... Các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng như ĐH Ngoại ngữ hợp tác với ĐH Rouen, ĐH Kinh tế hợp tác với University Aix-Marseille, CĐ Công nghệ hợp tác với IUT1 de Grenoble cùng trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, tham dự các hội thảo khoa học, SV hai trường trao đổi học tập và giao lưu văn hóa...
Trong số đó, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có bề dày hợp tác, trao đổi với nhiều trường ở Pháp nhất. Từ năm 1995, các học bổng dành cho giáo viên, SV ngành Hóa dầu và năm 2004 là ngành công nghệ thông tin đã được triển khai. Cộng đồng ĐH Pháp ngữ (AUF) tài trợ học bổng ngành dầu khí và công nghệ thông tin. Theo thầy Nguyễn Đình Lâm thì có khoảng 20-30% SV năm nhất của hai khoa trên đăng ký học chương trình này.
Nhiều môn học của SV được giảng dạy bằng tiếng Pháp, do giảng viên của trường đảm nhiệm bên cạnh mỗi năm có 6 lượt GS, giảng viên từ Pháp sang giảng dạy. Mỗi khóa có khoảng 10 SV đăng ký bảo vệ bằng tiếng Pháp và đây chính là nguồn lực để các em nhận tiếp học bổng sang Pháp học các chương trình cao hơn. Từ năm 1999, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ cho ĐH Bách khoa chương trình Kỹ sư chất lượng cao (PFIEG) với 3 chuyên ngành là sản xuất tự động, tin học công nghiệp và công nghệ phần mềm. Mỗi năm chương trình tuyển khoảng 60 SV, bằng tốt nghiệp của SV được công nhận bởi hội đồng chức danh kỹ sư Pháp (CPI).
“Đến nay đã có trên 100 SV ngành Hóa dầu (có 3 TS được tuyển dụng làm việc tại Trường ĐH Bách khoa); gần 20 SV ngành Công nghệ thông tin (từ chương trình AUF) của trường tốt nghiệp sau ĐH tại Pháp. Và cầu nối giữa những người đã từng học, nghiên cứu tại Pháp vẫn được duy trì mạnh, tạo cơ hội cho những lớp SV sau này được tiếp cận với nhiều nguồn học bổng. Có thể nói các chương trình hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và các trường của Pháp đạt hiệu quả cao, giúp cho Việt Nam hưởng lợi rất nhiều” Trưởng khoa Khoa học, sau ĐH và hợp tác quốc tế, ĐH Bách khoa Đà Nẵng Nguyễn Đình Lâm |
HOÀNG NHUNG