.

Dấu ấn kiến trúc

.

Trong 62 năm (1888-1950) làm chủ nhượng địa với tên gọi Tourane, người Pháp đã xây dựng ở Đà Nẵng nhiều công trình mang đậm phong cách kiến trúc phương Tây và để lại dấu ấn nhất định trong đời sống văn hóa của người dân thành phố.

Trụ sở HĐND-UBND thành phố (trái) và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là hai trong những công trình mang đậm phong cách kiến trúc của Pháp tại Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Trụ sở HĐND-UBND thành phố (trái) và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là hai trong những công trình mang đậm phong cách kiến trúc của Pháp tại Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Không phải ngẫu nhiên mà cách đây 7 năm, kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng thời nhượng địa đã được mô tả trong báo cáo khoa học “Đánh giá các công trình kiến trúc cũ có giá trị của thành phố Đà Nẵng và các giải pháp bảo tồn, tu tạo, khai thác sử dụng” do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng công bố. Công trình nghiên cứu chuyên đề do Sở Xây dựng Đà Nẵng quản lý đề tài, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng phối hợp thực hiện này đã hé lộ nhiều thông tin thú vị.

Nhà cổ trên cái nôi của thành phố

Theo báo cáo đã dẫn, đường Bạch Đằng được xem là cái nôi của thành phố, các công trình kiến trúc được người Pháp xây dựng tại đây có niên đại từ khoảng năm 1900 trở về sau, chủ yếu dùng cho buôn bán, một thời tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền bên cạnh chợ Hàn trù phú. Các công trình này đều gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Đà Nẵng và đại diện cho một lối sống.

Võ Văn Dật - một trong những tác giả có tài liệu tham khảo được nêu trong báo cáo đã dẫn, trong cuốn Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975), NXB Nam Việt, CA, Hoa Kỳ, 2007, cũng nhấn mạnh rằng, Quai Courbet, tức  đường Bạch Đằng, là con đường xương sống của thành phố, chạy ven tả ngạn sông Hàn theo trục Bắc - Nam, là tuyến xuất phát để mở rộng thành phố về hướng Tây. Từ đó, họ phóng những con đường song song và có quãng cách gần như đều nhau về hướng Tây; rồi phóng tiếp những con đường cũng song song với nhau và cắt những đường Bắc - Nam thành những ô bàn cờ. Đó chính là nét đặc trưng của một thành phố thiết kế theo kiến trúc phương Tây.

Khu vực dọc theo Quai Courbet và Boulevard Jules Ferry (đường Trần Phú ngày nay) là trung tâm nhượng địa, nơi tập trung các cơ quan đầu não về hành chính, trị an và kinh tế, nên được xây dựng trước tiên và đứng đầu phải là Tòa Đốc lý (sau đổi thành Tòa Thị chính, trụ sở HĐND-UBND thành phố Đà Nẵng hiện nay), bộ mặt uy thế của chính quyền mới. Tuy đến nay không còn một tài liệu nào cho biết chi tiết việc xây dựng này, nhưng theo tác giả Võ Văn Dật, nhờ các cụ cao niên có trí nhớ tốt mà còn biết rõ được một vài điều, như là nhà thầu xây dựng Tòa Đốc lý và một số cơ sở to lớn khác ở Đà Nẵng lúc đó là một người Việt Nam, ông Nghè Giá (Võ Văn Giá).

Dọc theo đường Bạch Đằng ngày nay, ngoài trụ sở HĐND-UBND thành phố còn có nhiều công trình kiến trúc Pháp có giá trị cao về văn hóa - lịch sử, nghệ thuật và hiệu quả sử dụng như Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, Công ty CP Cung ứng vận tải biển. Cả hai công trình đều được xây dựng vào năm 1906 và được đưa vào danh sách các công trình công cộng cần bảo tồn cùng với 3 công trình khác cũng trên đường Bạch Đằng và 11 công trình nằm trên các tuyến đường khác là trụ sở của các cơ quan: Bảo tàng Điêu khắc Chăm (xây dựng năm 1915), Hội LHPN (1920), Sở Tài chính (1920), Chi nhánh Viettrans Đà Nẵng (1900), Trường tiểu học Phù Đổng (1890)…

Ở nhà Tây và kiến trúc xanh

Dân gian thường nói “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Nhà Tây thì có gì đặc biệt mà người ta cứ mong muốn được “ở nhà Tây”?

Mãi đến năm 1928, một kỹ sư dân sự người Pháp là Eugène Freyssinet mới phát minh ra bê-tông dự ứng lực bằng cách sử dụng các sợi thép cường độ cao để nén bê-tông. Trước đó, do công nghệ chưa phát triển mà con người đã hình thành một phong cách trong xây dựng nhà cửa nói chung mà mãi đến hàng trăm năm sau các công trình này vẫn phát huy công năng sử dụng.

Theo KTS Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng, khi chưa có bê-tông cốt thép, người Pháp xây nhà làm cửa vòm để tăng tính chịu lực, xây tường dày để ngăn cách bên trong và bên ngoài, không chỉ cách âm mà còn điều hòa được nhiệt độ bên trong. Thêm vào đó, họ chọn hướng nhà rất kỹ, hướng nào thuận lợi cho việc đón gió thì họ mở rất nhiều cửa. Đến bây giờ ở nhà Pháp vẫn có cảm giác như lúc xưa, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.

KTS Huỳnh Tòa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc miền Trung, thì chỉ ra rằng, trong kiến trúc, người Pháp chú trọng đến việc tổ chức không gian sống cho từng cá thể trong một gia đình. Ở nhà Tây, con người có cảm giác không gian hoạt động rất phù hợp với mình, bởi người Pháp nghiên cứu công năng sử dụng từng phòng, từ nhà trệt cho tới nhà tầng. Thời đó vật liệu xây dựng tuy không sang như bây giờ, nhưng chủ yếu giữ được các vùng “tiểu khí hậu” trong từng phòng, giữa ngôi nhà với sân vườn có luồng không khí giao lưu tạo thông thoáng từ trong ra ngoài.

Theo điều tra, khảo sát của Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, Năng lượng tiêu thụ khu vực nhà ở và các công trình công cộng hiện đang chiếm khoảng 25-30%. Theo Bộ Công Thương, điện năng sử dụng trong sinh hoạt hiện chiếm khoảng 40% tổng điện năng tiêu thụ. Đây là hệ quả tất yếu của việc xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, sinh thái trong hoạt động quy hoạch và thiết kế kiến trúc. Trong khi các KTS ngày trước, cụ thể là người Pháp với các công trình tại Đà Nẵng, đã dựa vào môi trường thiên nhiên, tận dụng các lợi thế từ thiên nhiên để cho ngôi nhà mát mẻ, tiện dụng thì các ngôi nhà hiện đại ngày nay sử dụng các chất liệu không thân thiện, nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và phá hỏng cảnh quan.

KTS Vũ Quang Hùng cho biết, vừa rồi, Hội KTS Đà Nẵng đã phát động phong trào Kiến trúc xanh - kiến trúc bền vững trong hội viên, qua đó kêu gọi các KTS cố gắng khai thác những tiềm năng cũng như bất lợi của thiên nhiên khi thiết kế các công trình xây dựng để giảm thiểu sử dụng năng lượng cho ngôi nhà.

So với các dân tộc khác, người Pháp tuy hiện không sống nhiều ở Đà Nẵng, nhưng những kiến trúc lâu đời của họ trên vùng đất từng là “nhượng địa” này cũng đã ít nhiều nói lên ảnh hưởng về văn hóa của họ đối với người dân thành phố. Với 16 công trình công cộng, 64 công trình nhà ở được xây dựng (theo phong cách kiến trúc châu Âu, cổ truyền và Đông Dương) vào khoảng từ năm 1900 đến năm 1954  hiện còn giá trị sử dụng ở Đà Nẵng là một lý giải vì sao mối quan hệ Việt - Pháp ở thành phố này có sức sống và sự lôi cuốn đến vậy.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.